|
Hội thảo "Phòng vệ thương mại - công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập" (Ảnh: K.D). |
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 27/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Phòng vệ thương mại - công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập".
Với 13 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) có hiệu lực, mà gần đây nhất là FTA với EU (EVFTA), Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác FTA. Tuy vậy, hiện tượng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài cũng xuất hiện, có khả năng gây thiệt hại đáng kể và đe dọa tới lợi ích trong lâu dài của một số ngành sản xuất trong nước.
Phòng vệ thương mại - bao gồm biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh này. Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp, hiệp hội biết về các chính sách, pháp luật phòng vệ thương mại hay có kỹ năng sử dụng hiệu quả công cụ này.
Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong bối cảnh hội nhập và các nguy cơ từ việc hàng hóa nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới các ngành sản xuất nội địa. Vì vậy, công cụ phòng vệ thương mại có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho hàng hóa Việt Nam cũng như các ngành sản xuất ở Việt Nam. Do đó, trước hiện trạng doanh nghiệp và các hiệp hội chưa thực sự biết cách vận dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại, việc đề ra các giải pháp hỗ trợ, đánh giá tính khả thi và hợp lý khi triển khai là rất quan trọng.
Giới thiệu dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định EVFTA về phòng vệ thương mại, ông Dũng cũng cho biết, thông tư này áp dụng biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp, biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp để thực thi Hiệp định EVFTA. Cùng với đó, quy định các cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam có thẩm quyền điều tra, áp dụng và xử lý biện pháp phòng vệ thương mại để thực thi hiệp định.
Đề cập tới việc cải thiện năng lực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại trong thực tế, ông Vũ Tuấn Nghĩa, Phó Trưởng phòng, Phòng Điều tra chống bán phá giá và trợ cấp, Cục Phòng vệ Thương mại chia sẻ, những điều doanh nghiệp cần biết để bảo đảm lợi ích trong các vụ kiện; những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại; cùng với đó, đưa ra lời khuyên với các nhóm doanh nghiệp đi kiện và nhóm bị kiện hay nhóm có lợi ích liên quan trong từng bước cơ bản của vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.../.