Kinh tế tập thể được xác định là thành phần kinh tế cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Bởi lẽ, đây là thành phần kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên, giảm sự phân hóa trong xã hội, ...là mục tiêu mà Đảng ta hướng tới là xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm làm cho “ dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong nền kinh tế thị trường và sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể nhất thiết phải hợp tác, liên kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Do vậy, chủ trương phát triển kinh tế tập thể để tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế hộ phát triển là hoàn toàn đúng đắn.
Khác với việc phát triển hình thức kinh tế tập thể trước đây, kinh tế tập thể mà Đảng ta chủ trương xây dựng, phát triển trong giai đoạn hiện nay là các liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, cùng có lợi...linh hoạt, thích ứng với cơ chế thị trường. Thực tiễn cho thấy, qua hơn 15 năm thực hiện nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các hình thức kinh tế tập thể đã phát triển hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Tính đến 31/12/2018, cả nước có 74 liên hiệp hợp tác xã; 22.861 hợp tác xã và 101.405 tổ hợp tác. Sự hình thành các hình thức kinh tế tập thể trong thời gian qua đã tập hợp, quy tụ được các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ...cùng liên kết, hợp tác để cùng có lợi. Đồng thời, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Hình thức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn khoảng 55% và hoạt động khá hiệu quả. Nhiều liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Những hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội của khu vực kinh tế tập thể trong thời gian qua đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân đối với việc tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác. Do vậy, thời gian gần đây, số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác tăng đáng kể.
Tuy vậy, kinh tế tập thể của nước ta vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước của khu vực kinh tế tập thể còn thấp. Số hợp tác xã, tổ hợp tác chưa phát triển tương xứng với số hộ nông dân. Nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực kinh tế tập thể được ban hành, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ và Nhân dân chưa nhận thức đúng đối với việc phát triển kinh tế tập thể.
Để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, trong thời gian tới, đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong việc thống nhất nhận thức việc phát triển kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.
Từ đó, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác xã trên cơ sở phát triển và phát huy vai trò của kinh tế hộ.
Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các hình thức kinh tế tập thể; đẩy mạnh liên kết và hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường. Đồng thời, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả.
Phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân. Phát triển các hợp tác xã sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, phục vụ mục đích xuất khẩu.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp, các tổ chức hội, hiệp hội cần có kế hoạch, chương trình hành động phối hợp với các tổ chức có liên quan thực hiện tốt công tác tập hợp vận động, tuyên truyền giáo dục quần chúng, hội viên, thành viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể. Hồng Bốn