Thành công của chúng ta được bạn bè năm châu đánh giá cao. Một bài học mà các nước đã rút ra sau thành công của Việt Nam là: Việt Nam có hệ thống chính trị vững chắc, có sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể nhân dân và nhân dân tin tưởng vào Đảng, vào Chính phủ của mình. Như vậy một lần nữa khẳng định: Với Việt Nam, không gì là không thể làm được khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân tin tưởng, đồng lòng, trên dưới đoàn kết nhất trí, ắt sẽ thành công. Chúng ta đã thành công trong phát triển kinh tế, phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, ổn định chính trị xã hội, giữ vững an ninh Tổ quốc, và hội nhập quốc tế.
Song, chắc hẳn chúng ta vẫn còn thấy băn khoăn khi sự phát triển đất nước chưa bền vững, phát triển chưa dựa chủ yếu vào tri thức, vào sự đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ. Một thời gian khá dài chúng ta phát triển chủ yếu dựa vào lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động hùng hậu, cộng với vốn vay ODA có nhiều ưu đãi. Các yếu tố đó đã giúp chúng ta thoát nghèo, phát triển; song tốc độ phát triển chậm hơn nhiều nước trong khu vực, do năng suất lao động luôn ở mức tăng thấp mà năng suất lao động là nhân tố quyết định cho sự phát triển, hàm lượng chất xám trong một đơn vị sản phẩm luôn phải chiếm tỷ trọng cao, sản xuất phải dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ tiên tiến thì mới có sự phát triển bền vững. Đặc biệt, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số. Cách mạng 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ, toàn diện đến đất nước ta. Đột phá trong kỷ nguyên này là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Điều này đang làm thay đổi sự sống và làm việc của nhân loại trên toàn thế giới. Việt Nam bắt buộc phải tham gia vào dòng chảy đó. Đây là yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Nếu không hòa vào và bắt nhịp được với thời đại thì đất nước sẽ bị tụt hậu xa hơn. Muốn vậy, chúng ta phải phát triển kinh tế tri thức, phát triển trí tuệ thông qua việc học tập nghiên cứu để bồi đắp tri thức thường xuyên, xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập mà nền tảng là học tập suốt đời, mỗi công dân Việt Nam phải trở thành “Công dân học tập”, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước theo các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Đây là đòi hỏi tất yếu và là nhiệm vụ vô cùng khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất của chúng ta còn hạn chế, giáo dục đào tạo, hệ thống đại học, cao đẳng tuy có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; thậm chí nhận thức về sự cần thiết phải học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập ở nhiều người, nhiều tổ chức chưa đầy đủ. Sự hài lòng về kiến thức hiện có, sự bằng lòng về bằng cấp và đi học cốt để lấy bằng vẫn còn tồn tại ở không ít cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Điều đó đã tạo ra sức ỳ ghê gớm, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Trong điều kiện hiện nay, muốn giải quyết được nhiệm vụ khó khăn mang tính quyết định cho sự phát triển đất nước, không có con đường nào khác là phải có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập mà mấu chốt của xã hội học tập là học tập suốt đời. Học tập suốt đời là chìa khóa của sự phát triển bền vững. Xây dựng xã hội học tập là xây dựng một nền giáo dục phục vụ cho xã hội học tập suốt đời của mọi người dân. Điều này càng quan trọng hơn khi chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số với nhiều thay đổi nhanh chóng. Mỗi người không thể đáp ứng được thách thức của cuộc sống nếu như không biết học suốt đời, và xã hội cũng không thể phát triển bền vững nếu không trở thành một xã hội học tập.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: V.A) |
Nắm bắt được xu hướng đó, ngay sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã chỉ ra: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng thấy phải học thêm”. Người dạy: “Để đảm bảo cho đất nước phát triển trong một thế giới luôn biến đổi thì phải có tri thức, phải có tầm cao trí tuệ và chỉ có học, học suốt đời mới có được điều đó”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011). Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, làm sao ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” và Người giao nhiệm vụ: “Ai cũng phải học suốt đời”, Người viết: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời, thời đại chúng ta bây giờ là thời đại vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại khoa học kỹ thuật phát triển rất mạnh. Tình hình thế giới và trong nước luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự tiến bộ vô cùng tận thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập…”. Như vậy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây nhiều thập kỷ đã hòa nhịp với xu thế thời đại hiện nay, Người đã sớm tiên đoán được yêu cầu của sự phát triển chỉ có bằng con đường học tập. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đào tạo, về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã chỉ đường cho chúng ta đi trong suốt thời gian qua. Thực tế đã chứng minh đó là chân lý mãi mãi trường tồn.
Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã có chủ trương và nghị quyết về xây dựng xã hội học tập, đổi mới giáo dục đào tạo, điển hình là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã nêu “Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở, mô hình xã hội học tập”. Đây là phát triển mới về tư duy giáo dục đào tạo theo Nghị quyết 02-NQ/HNTW khóa VIII ngày 24/12/1996. Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02-NQ/HNTW khóa VIII “Coi giáo dục đào tạo … là quốc sách hàng đầu” và “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo…”. Đây là nghị quyết quan trọng nhằm thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo đổi mới theo hướng mở theo Nghị quyết Đại hội X nêu trên với mục tiêu: Ai cũng được học suốt đời theo tư tưởng của Bác, học ở mọi nơi, mọi điều kiện…, cần gì học nấy…. Song song với việc ra nghị quyết về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo”, ngày 13/4/2007 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 11-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” và sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, ngày 10/5/2019 Ban Bí thư đã ra Kết luận 49-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị trong giai đoạn mới. Trong Kết luận 49-KL/TW này, Ban Bí thư đã giao trách nhiệm cụ thể hơn cho các tổ chức Đảng và Đảng viên trong xã hội học tập và phải gương mẫu trong thực hiện các mô hình học tập, giao Hội Khuyến học Việt Nam làm nòng cốt trong việc liên kết phối hợp triển khai thực hiện phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương, đơn vị.
Như vậy, về chủ trương xây dựng nước ta trở thành xã hội học tập, học tập suốt đời nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài trong bối cảnh hiện nay đã được Đảng ta đề ra cụ thể và xác định việc “Duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể nhân dân các cấp, trước hết là người đứng đầu” phát huy và quy định rõ “trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên trong việc thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, gắn với việc đánh giá kết quả công tác hàng năm” (trích Kết luận 49-KL/TW ngày 10/5/2019).
Chỉ thị 11-CT/TW và Kết luận 49-KL/TW chỉ rõ việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, gắn kết liên thông giáo dục chính quy với giáo dục thường xuyên…. Như vậy hệ thống giáo dục thường xuyên phải được củng cố, phát triển song song với hệ thống giáo dục chính quy nhằm tạo thành hệ thống giáo dục hoàn chỉnh phục vụ việc học suốt đời của nhân dân. Kinh nghiệm của nước phát triển đã chỉ rõ: Một đất nước muốn phát triển cần có hệ thống giáo dục hoàn chỉnh và hệ thống các trường Đại học đẳng cấp quốc tế. Việt Nam vận dụng bài học đó vào thực tiễn đất nước và Đảng ta đã yêu cầu nhân dân phải phát triển kinh tế bằng tri thức thông qua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
Triển khai nghị quyết của Trung ương Đảng và các chỉ thị của Bộ Chính trị, Quốc hội đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục đào tạo, đào tạo nghề. Luật Giáo dục sửa đổi đã có hiệu lực từ 01/7/2019, trong đó quy định rõ tại khoản 3, Điều 4: “Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập… học tập suốt đời” đã tạo nên khuôn khổ pháp lý cho tiến trình đổi mới sự nghiệp giáo dục đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời trong nhân dân. Trong quá trình triển khai thực hiện, Quốc hội có vai trò quan trọng là giám sát việc thực thi pháp luật ở các địa phương trong cả nước.
Dựa trên các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, chỉ thị của Bộ Chính trị về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, Chính phủ đã cụ thể hóa bằng Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020”, trong đó quy định “Mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời… học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc, học để góp phần phát triển quê hương, đất nước và nhân loại”. Quyết định 89/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả quyết định trên. Đồng thời Thủ tướng cũng đề nghị các tổ chức xã hội nghề nghiệp tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực học tập, học tập suốt đời. Quyết định 89/QĐ-TTg gồm 7 đề án thành phần, trong đó giao cho Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư” thông qua Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014.
Có thể khẳng định các yếu tố cần có để đảm bảo xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam đã hội tụ đầy đủ. Đó là:
1. Ý chí và sự cam kết chính trị mạnh mẽ về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời của Đảng ta.
2. Cam kết đảm bảo sự quản lý thống nhất và cung cấp cơ sở vật chất của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp thông qua các nghị quyết của Chính phủ.
3. Nhiệm vụ của các tổ chức chính trị - xã hội đã được quy định rõ ràng trong các nghị quyết của Đảng.
Đó là cơ sở chính trị và kinh tế quan trọng đảm bảo cho việc xây dựng xã hội học tập thành công. Vấn đề là triển khai trong toàn xã hội toàn bộ các quyết định về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời sao cho có hiệu quả.
Bài học xuyên suốt, quý báu của Cách mạng Việt Nam cho thấy: Dù muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng có quyết tâm của cả hệ thống chính trị, được nhân dân ủng hộ thì việc gì cũng thành công tốt đẹp. Việc chống dịch COVID-19 vừa qua đã chứng minh điều đó. Bài học này cũng đã được phát huy tương đối đồng bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, phát triển khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời theo cam kết chính trị của Đảng ta. Thực tế 7 năm triển khai đề án 281 của Chính phủ, Hội Khuyến học Việt Nam đã thấy rõ điều đó.
Tổng kết 7 năm thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập cho thấy tất cả các chỉ tiêu được Chính phủ giao đều vượt kế hoạch đề ra. Do sự quyết tâm của toàn hệ thống, các tỉnh hội đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, ủy ban nhân dân ra được chỉ thị và kế hoạch thực hiện xây dựng xã hội học tập ở địa phương, kế hoạch thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg theo lộ trình và nội dung tiêu chí cụ thể đã được Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt là việc học tập của người lớn được quan tâm. Từ trước đến nay các cấp Hội chủ yếu mới tập trung học tập của học sinh, sinh viên, trong khi việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người lớn chưa được chú ý nhiều. Đây cũng là nét mới trong hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao.
Từ kế hoạch đó, các ban, ngành, các tổ chức… ở nhiều địa phương đã triển khai tích cực. Các phong trào thi đua được phát động. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội được phát huy nhất là trong công tác tuyên truyền vận động thành viên của tổ chức mình tham gia học tập, học tập suốt đời và thực hiện các mô hình học tập theo Quyết định 281/QĐ-TTg. Điều đó đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, sự thống nhất cao trong triển khai thực hiện xây dựng các mô hình học tập - hạt nhân của việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Tiền đề cho xây dựng xã hội học tập thành công ở nước ta. Chính vì vậy những năm qua, việc thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg đã mang lại nhiều kết quả tốt có ý nghĩa cả về chính trị và kinh tế. Hội Khuyến học Việt Nam tiến hành khảo sát ở cả 63 tỉnh, thành phố bằng phương thức chọn mẫu theo một số tiêu chí cơ bản, kết quả cho thấy:
- Có 97,6% ý kiến cho rằng việc xây dựng các mô hình học tập là một động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, khu phố văn minh, 98,6% cho rằng phong trào đã góp phần quan trọng chống tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kinh tế địa phương phát triển…
- Các hộ gia đình tích cực tham gia học tập thường xuyên đã thoát nghèo, có thu nhập cao hơn và 93,7% cho biết gia đình họ đã bắt đầu khá giả, phát triển bền vững.
- 98,6% ý kiến cho rằng: Qua thực hiện các mô hình học tập, nhân dân đoàn kết, hỗ trợ nhau trong học tập và đời sống, mối quan hệ trong cộng đồng thân thiện hơn, con cái trong gia đình không mắc tệ nạn xã hội.
Như vậy, việc xây dựng các mô hình học tập ở cơ sở có tác dụng rất tốt, phong trào đã lan tỏa và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và sự đóng góp của các lực lượng trong xã hội.
Việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về xây dựng xã hội học tập, học suốt đời đã mang lại kết quả tốt. Trong đó, hệ thống chính trị cấp cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trên. Ở đa số các tỉnh, đại diện của các tổ chức chính trị xã hội đều tham gia vào bộ máy lãnh đạo tổ chức khuyến học, đã tạo sức mạnh và sự đồng thuận trong triển khai kế hoạch của cấp ủy và chính quyền địa phương về xây dựng các mô hình học tập.
Tuy nhiên, ở không ít địa phương, sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền vào việc xây dựng xã hội học tập còn hạn chế: “Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa phát triển theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả còn một số hạn chế, nhất là việc giáo dục cho người lớn” (Kết luận 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư) và sự vào cuộc thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt của hệ thống chính trị “Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, chưa thực sự coi đây là công việc cấp bách, quan trọng” (Báo cáo của GS.TS Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại hội thảo khoa học ngày 20/5/2019 do Hội đồng lý luận Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia tổ chức tại Hà Nội). Và “Một số ít cấp ủy, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương tới cơ sở chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; có nơi, sự phối hợp giữa các cơ quan với tổ chức chính trị-xã hội trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW chưa tốt, còn mang tính hình thức, thiếu thực chất” (trích báo cáo Tổng kết Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 13/7/2018 của Ban Tuyên giáo Trung ương).
Thực tế, ở một số ít địa phương, vừa qua sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền, sự tham gia của hệ thống chính trị vào công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế, không kịp thời chỉ đạo phong trào xây dựng các mô hình học tập, không cấp kinh phí hoặc cấp rất hạn chế cho việc thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg, nên kết quả phong trào ở đó đạt rất thấp. Kết quả khảo sát của Hội Khuyến học Việt Nam ở 63 tỉnh, thành phố cho thấy:
Về tính tích cực của các lực lượng xã hội tham gia vào việc vận động người dân học tập thường xuyên:
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam : 65%
- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh : 60% Những người
- Hội Phụ nữ : 55% được hỏi ý kiến
-Các doanh nghiệp : 35%
Như vậy có thể thấy sự tham gia của tổ chức chính trị xã hội vào công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa được nhiều. Nguyên nhân chính có thể do nhiều người thấy chưa cần thiết phải xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời thông qua các mô hình học tập, vì điều đó chưa trực tiếp ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày. Kết quả của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, xây dựng xã hội học tập cũng chưa được như mong muốn chính là do chúng ta chưa có quyết tâm cao độ, chưa dồn sức cho một công việc có tính quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhận thức đó sẽ không còn phù hợp với ngày hôm nay, khi cả nước đang chuyển sang vận hành theo phương thức mới: Số hóa toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế, xã hội theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030” với tầm nhìn đến 2030 Việt Nam trở thành Quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm công nghệ và mô hình mới, và để phục vụ cho mục tiêu này, Ban Bí thư đã giao cho Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng và triển khai mô hình “Công dân học tập” đáp ứng yêu cầu Cách mạng 4.0, đã được Thủ tướng Chính phủ triển khai bằng Quyết định 489/QĐ-TTg ngày 08/4/2020. Chúng ta không thể không quan tâm đến học tập thường xuyên, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập để bồi đắp tri thức, nâng tầm trí tuệ vì “Ai không học là lùi…., công việc sẽ gạt mình lại phía sau” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách đây nhiều thập kỷ.
Để thực hiện được mục tiêu theo Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và Quyết định 749/QĐ-TTg, Quyết định 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu trên, cần có sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị. Trước tiên, cần đổi mới tư duy và thay đổi nhận thức của từng người trong mỗi tổ chức, trước hết là người đứng đầu về sự học trong giai đoạn mới.
Chúng ta đang bước đi cùng với bước tiến của khoa học công nghệ. Sự phát triển của đất nước, hội nhập quốc tế yêu cầu mỗi chúng ta phải thay đổi, mỗi tổ chức phải chuyển động thay đổi phương thức hoạt động theo yêu cầu của nền kinh tế số và nhất là cần đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện động viên, tuyên truyền vận động toàn dân học tập, học tập suốt đời để xây dựng cả nước thành xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu Cách mạng 4.0 và theo kịp với với nhịp sống số hiện nay.
Bài học rút ra từ tổng kết 7 năm thực hiện xây dựng các mô hình học tập, xây dựng xã hội học tập theo Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là: Sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của phong trào; sự phối hợp tốt giữa các tổ chức chính trị, lực lượng xã hội vào sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tạo sức mạnh tổng hợp, là nền tảng vững chắc, quyết định hiệu quả của phong trào.
Hy vọng với bối cảnh mới, yêu cầu: Con người - tri thức, hợp tác - kết nối sẽ được thực hiện thành công với sự phát huy cao độ vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện tinh thần học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được cụ thể hóa bằng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà mới đây nhất là Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030”, và ngày 16/6/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg, trong đó mục 3 có nêu “Thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”, để Việt Nam sẽ “Trở thành dân tộc thông thái” theo nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người cho rằng “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, muốn cho nước ta trở thành một nước giàu có thì dân tộc ta phải trở thành một dân tộc thông thái”. Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng xã hội học tập, nhất định chúng ta sẽ thành công, đất nước sẽ phát triển bền vững./.