Vai trò của chiến khu Ba Lòng trong kháng chiến chống Pháp ở Quảng Trị (1947-1954) 

Chiến khu Ba Lòng cách thị xã Quảng Trị chừng 10km về phía Tây theo đường sông Thạch Hãn; cách thị xã Ðông Hà khoảng 45km về phía Tây bắc theo quốc lộ 9. Ba Lòng ở vào vị trí trung tâm của khu vực Bình Trị Thiên (cách thành phố Huế 80 km về phía Nam, cách thành phố Đồng Hới 150km về phía Tây - Bắc).

Ba Lòng là một thung lũng nằm ở thượng nguồn sông Thạch Hãn. Xung quanh là đồi núi cao hiểm trở, cao nhất là đỉnh núi Tà Lao (814m) đỉnh thấp nhất cũng cao khoảng 200m. Do đó, việc giao lưu, liên lạc của lực lượng kháng chiến Quảng Trị với các tỉnh bạn khá thuận lợi. Từ Ba Lòng tỏa đi khắp các vùng trong tỉnh, nối dài với chiến khu Dương Hòa của Thừa Thiên Huế và các tỉnh phía Nam, cũng như từ đây đi ra phía tây Quảng Bình và vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh được an toàn và dễ dàng đến biên giới Việt Lào. Ba Lòng quân ta có thể tiến công địch từ khắp mọi phía bằng bộ binh, đồng thời hệ thống giao thông này còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, quân khí, quân nhu từ Thanh - Nghệ - Tĩnh vào, từ đồng bằng Triệu Hải lên Ba Lòng và từ Ba Lòng đi khắp nơi. Ðịa hình này đảm bảo các điều kiện để xây dựng một căn cứ kháng chiến, phù hợp với chiến tranh du kích của ta nhưng lại gây khó khăn cho địch khi chúng tấn công. Ðất đai trong khu vực thung lũng lại rất màu mỡ, rừng lại có nhiều lâm thổ sản hội đủ các điều kiện cần thiết để sản xuất lương thực đảm bảo tự cấp tự túc cho lực lượng kháng chiến trong điều kiện bị bao vây, bị cắt đứt liên lạc với bên ngoài. Tất cả những điều đó khẳng định vùng đất Ba Lòng hội đủ các điều kiện thành lập một chiến khu an toàn và phát triển.

Ngày 14-4-1947, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị mở cuộc họp tại Teng Teng vùng núi huyện Triệu Phong, quyết định chọn “vùng đất phía tây hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng, từ Hòn Linh, Bợc Lở, qua Khe Su, Khe Cau, Ba Lòng kéo dài xuống Bơơng; phía Hòn Linh kéo dài xuống Hải Đạo để xây dựng căn cứ cách mạng - gọi là chiến khu Ba Lòng” [3, tr 278].

1. Chiến khu Ba Lòng là nơi các cơ quan lãnh đạo của tỉnh Quảng Trị đặt trụ sở, đồng thời là nơi diễn ra các đại hội, hội nghị, cuộc họp có tính chất quyết định đến sự chuyển biến của công cuộc kháng chiến ở Quảng Trị

Cuối năm 1947, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến, đoàn thể, bộ đội, công an, quân dân y, công xưởng... đều lần lượt di chuyển lên Chiến khu Ba Lòng, các cơ quan bắt đầu ổn định địa điểm làm việc: “Tỉnh đội đóng ở thôn Làng Hạ, công binh xưởng ở thôn Khe Su, Tỉnh ủy đóng ở thôn Cồn Vò, thôn Hà Vụng, Ủy ban Hành chính kháng chiến và Mặt trận Việt Minh tỉnh làm việc thôn Khe Cây. Trung đoàn Thiện Thuật đóng ở thôn Cây Chanh, Đại hội dân quân Lê Hồng Phong luyện tập và sản xuất ở thôn Xuân Lâm. Tòa án, Viện kiểm sát và Ty thương binh xã hội đóng trụ sở ở thôn Khe Cây. Ngân hàng- Tài Chính đóng tại Khe Su. Các đồn công an được lập ra ở Trấm, Đuồi Mệ, Thác Lo, Đá Nổi. Bệnh viện dân y và quân y đóng tại thônTà Lang và Khe Cây. Ty giáo dục đóng tại thôn Đá Nổi. Ty Công an đặt trụ sở ở thôn Hà Vụng, gần Tỉnh ủy, Ty giao thông được thiết lập tại thôn Đá Nổi. Trại Thương Binh an dưỡng tại Khe Cây. Tại Chiến khu Ba Lòng, một trại giam đóng tại Khe Cát (Giam tù binh Pháp và một trại giam Việt giam, phản động được đặt tại Khe Vò. Ngoài ra Tòa án quân sự của Phân khu Bình - Trị - Thiên lưu động đến Ba Lòng để mở các phiên tòa cũng lấy một địa điểm ở thôn Đá Nổi” [9, tr 12].

Tại chiến khu Ba Lòng, Đảng bộ Quảng Trị đã tiến hành ba kỳ Đại hội, đó là Tháng 11-1947, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ hai khai mạc ở Khe Su, Đại đội có 90 đại biểu chính thức. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên về dự, trực tiếp chỉ đạo Đại hội. Đại hội chỉ rõ: “trong thế giằng co của một chiến trường địch hậu, giặc Pháp tập trung lực lượng đánh phá hết đợt này đến đợt khác, chúng thiết lập được hệ thống chiếm đóng thị xã thị trấn, dọc các đường giao thông chiến lược quan trọng, một số vị trí ở nông thôn đồng bằng. Pháp muốn dập tắt phong trào kháng chiến của nhân dân ta ngay từ đầu, dùng Bình - Trị - Thiên làm bàn đạp tiến công vùng tự do Thanh - Nghệ - Tỉnh” [3, tr 294]. Tuy nhiên quân và dân Quảng Trị đã giữ vững vùng núi và một nông thôn đồng bằng, bảo đảm liên hoàn giữa các vùng đồng bằng, miền biển với miền núi, nối liền chiến khu Quảng Trị với các chiến khu của các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Bình. Đại hội đề ra nhiệm vụ: “Lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất, xây dựng cuộc sống, vừa kiên quyết đánh giặc, phối hợp với các lực lượng vũ trang đánh bại các cuộc càn quét của chúng, củng cố khối đoàn kết toàn dân, ra sức xây dựng cơ sở Đảng” [3, tr295]. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 12 ủy viên. Đồng chí Đặng Thí được đại hội bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Ngày 20-3-1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ ba được triệu tập tại chiến khu Ba Lòng, đến dự Đại hội có 82 đại biểu chính thức. Đại hội đánh giá khái quát: Đảng bộ và nhân dân trong tình đoàn kết, nhất trí, lãnh đạo và chỉ đạo kịp thời, sát thực tế. Phong trào dân quân bật nổi. Nhiều khu du kích được hình thành và các vùng căn cứ cách mạng của tỉnh, của huyện được củng cố, xây dựng vững chắc hơn trước. Nghị quyết đề ra là: Phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng các lực lượng vũ trang đủ sức đánh các trận lớn, xây dựng chính quyền của ta, bóp chết chính quyền địch, lãnh đạo vận động nhân dân đấu tranh với địch để giữ làng, lập làng chiến đấu, xây dựng Đảng theo phương châm của Khu ủy, trọng tâm là huấn luyện cán bộ, đảng viên. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ ba đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 15 đồng chí, đồng chí Nguyễn Quang Xã được Đại hội bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ tư được triệu tập ở chiến khu Ba Lòng từ ngày 25- 4 đến ngày 6-5-1950. Đến dự Đại hội có 119 đại biểu chính thức. Đồng chí Hoàng Anh, Thường vụ khu ủy, Bí thư Ban cán sự Bình - Trị - Thiên chỉ đạo Đại hội và đồng chí Võ Thuần Nho, khu ủy viên về dự. Đại hội xác định niệm vụ: “tiếp tục xây dựng các lực lượng vững mạnh, chuẩn bị mọi điều kiện để chuyển mạnh sang tổng phản công và nhiệm vụ của Đảng viên là hạt nhân lãnh đạo toàn dân kháng chiến ở các địa bàn” [3, tr 342]. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư gồm 15 đồng chí, Đại hội bầu đồng chí Trần Trọng Hoãn làm Bí thư Tỉnh ủy.

Có thể nói rằng, tại Ba Lòng, mọi chủ trương, đường lối, mệnh lệnh, chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Bộ tổng tư lệnh đã được quán triệt và vận dụng phù hợp với chiến trường Quảng Trị, từ đây các chủ trương, Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ đã được truyền đạt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi tại chiến trường Quảng Trị.

Cuối năm 1948, tại chiến khu Ba Lòng đã diễn ra Hội nghị dân quân du kích toàn tỉnh với hơn 100 đại biểu về dự. Hội nghị đã tổng kết các phong trào diệt giặc, trừ gian, phá hội tề, phong trào phá giao thông, tiếp tế của địch, phong trào dân quân du kích sản xuất tự túc, phong trào bổ túc văn hóa. Hội nghị đánh giá cao thành tích của Đại đội dân quân Lê Hồng Phong, xứng đáng với danh hiệu cao quý “ Đơn vị kiểu mẫu của Liên khu IV” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng.

Tại chiến khu Ba Lòng, Ty Công an Quảng Trị đã tổ chức “ Đại hội tập” vào tháng  9-1949 nhằm tổng kết, rút kinh nghiêm một số mặt về nghiệp vụ. Đây là lần đầu tiên ngành công an Quảng Trị tiến hành Đại hội. Đại hội này đã thể hiện sự trưởng thành của lực lượng Công an Quảng Trị, một công cụ đắc lực cho bộ máy chính quyền tỉnh.

Ngày 12-9-1950, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh triệu tập Hội nghị ở chiến khu với thành phần tham dự gồm đại biểu các ty chuyên môn để vạch kế hoạch hoạt động cụ thể, lấy tên “Tuần lễ giết giặc lập công” [9, tr 32].

Ngày 16-9-1953, Hội nghị Tỉnh ủy bất thường họp tại chiến khu Ba Lòng đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới: “Giữ vững và phát triển cơ sở, dùng mọi hình thức đấu trang hợp pháp, bất hợp pháp, đấu tranh vũ trang để chống lại mọi âm mưu thủ đoạn mới của địch” [3, tr 387]. Cũng trong thời gian này, Tỉnh ủy và các cơ quan khác của tỉnh đã tiễn Trung đoàn 95 rời khỏi chiến khu Ba Lòng trở về đội hình Đại đoàn 325 hành quân ra Bắc. Đồng thời cũng cố cơ quan Tỉnh đội, bầu đồng chí Hồ Sỹ Thản, Tỉnh ủy viên làm Tỉnh đội trưởng. Hội nghị tại chiến khu lần này đã thực hiện  “Chỉnh huấn, chỉnh quân”, một chủ trương của Trung ương Đảng. Đồng chí Trương Công Kỉnh Phó bí thư Tỉnh ủy phụ trách chung, đồng chí Hồ Ngọc Chiểu, ủy viên thường vụ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến.

Ngày 21-7-1954, tại chiến khu Ba Lòng, dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Công Kỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Thường vụ Tỉnh ủy đã mở hội nghị cán bộ toàn tỉnh. Hội nghị nhấn mạnh đến công tác tư tưởng là cán bộ, đảng viên không vì hòa bình mà lo mất cảnh giác đối với mọi âm mưu thủ đoạn mới của địch. Hội nghị có gần 500 người, bao gồm các cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện.

Ngoài những sự kiện trên, tại chiến khu Ba Lòng còn diễn ra nhiều cuộc họp hội nghị khác của các cơ quan, đoàn thẻ như cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh (tháng 4-1949), Hội nghị mở rộng Tỉnh ủy (8-1950), cuộc họp mở rộng tỉnh ủy (1-1949), Đại hội phụ nữ chiến khu, Thanh niên chiến khu…

Có thể khẳng định rằng, tại chiến khu Ba Lòng, mọi chủ trương, đường lối, mệnh lệnh, chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Bộ tổng tư lệnh đã được quán triệt và vận dụng phù hợp với chiến trường Quảng Trị, từ đây các chủ trương, Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ đã được truyền đạt đến cán bộ, đảng viên, và nhân dân, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cuộc kháng chiến ở Quảng Trị. Vì vậy, chiến khu Ba Lòng  được xem là trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến của tỉnh Quảng Trị.

2. Chiến khu Ba Lòng là trạm dừng chân an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, các đoàn cán bộ của các liên khu ra Bắc vào Nam

Chiến khu Ba Lòng còn là trạm dừng chân an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, các đoàn cán bộ của Liên khu ra bắc vào Nam. Đoàn của đồng chí Lê Đức Thọ, dừng chân tại Ba Lòng năm 1949; đoàn của đồng chí Phạm Văn Đồng đến chiến khu năm 1951 [9, tr 35].

Năm 1952, đồng chí Lê Duẩn, công tác tại Trung ương cục Miền Nam trên đường ra bắc làm việc với Trung ương Đảng, với Bác Hồ có ghé lại cơ quan Tỉnh ủy Quảng Trị đóng tại Ba Lòng. Đồng chí dặn dò, khuyên bảo rất sâu sắc, chân tình. Cuộc nói chuyện với các bộ chủ chốt của tình vừa ấm tình người, đồng chí, tình quê hương. Với tình cảm của một người con Quảng Trị, đồng chí Lê Duẩn đã khuyên anh em ở chiến khu làm giá đậu xanh để tăng thêm chất dinh dưỡng của từng bữa ăn, góp tiền luân phiên nhau may màn ngủ chống muỗi, bộ đội phải phân công nhau về đồng bằng gánh gạo thay dân, tổ chức đời sống vui vẽ, làm cho cán bộ, chiến sỹ quên đi khó khăn, gian khổ.

Các đoàn cán bộ dừng chân tại đây đều mang đến cho Tỉnh ủy, các cơ quan lãnh đạo khác của Tỉnh Quảng Trị và Phân khu Bình – Trị - Thiên những ý kiến rất có ý nghĩa trong công tác lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Đó là những kinh nghiệm, bài học xương máu mà những nơi khác đã trải qua. Quảng Trị không bị cô lập, mà luôn tiếp nhận được đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, những chỉ thị, nghị quyết của Liên khu, Phân khu,… Nhờ đó mà Tỉnh ủy Quảng Trị đã lãnh đạo nhân dân trải qua những giai đoạn hết sức vẻ vang và kiên cường.

3. Chiến khu Ba Lòng là chỗ dựa vững chắc cho lực lượng kháng chiến và nhân dân Quảng Trị để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp

Trước hết chiến khu Ba Lòng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến và lực lượng vũ trang tránh sự truy quét và tiêu diệt của thực dân Pháp. Với địa hình hiểm trở, đồi núi bao bọc, cư dân có truyền thống yêu nước nòng nàn, Ba Lòng thực sự trở thành chiến khu bảo vệ lực lượng kháng chiến an toàn nhất không cho kẻ thù thực hiện những âm mưu chính trị và quân sự của chúng, đồng thời tại đây đã duy trì được ngọn lửa kháng chiến tập trung, thống nhất. Cũng từ chiến khu Ba Lòng nhiều tổ chức kháng chiến của huyện, tỉnh và lực lượng vũ trang được cũng cố nhanh chóng.

Sự bền vững của chiến khu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan đầu não kháng chiến hoạt động mạnh mẽ. Chính nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như các Đại hội, Hội Nghị, cuộc họp có ý nghĩa to lớn quyết định đến sự phát triển của phong trào cách mạng tỉnh Quảng Trị. Chiến khu Ba Lòng là trường đào tạo, huấn luyện, nâng cao trình độ nghiệp vụ,… cho cán bộ và chiến sỹ trong tỉnh.

 Chiến khu Ba Lòng làm tròn vai trò hậu phương kháng chiến “Tất cả các nguồn dự trữ về hậu cần cho chiến trường Quảng Trị đều được đưa về Ba Lòng cất giấu bí mật. Đó là nguồn lương thực, thực phẩm, quân khí, quân nhu từ Thanh – Nghệ - Tĩnh vào hoặc từ đồng bằng Triệu Hải lên, sản phẩm của hàng ngàn người lao động ở chiến khu làm ra” [9, tr 40]. Vì vậy trong hoàn cảnh bao vây kinh tế, thiên tai phá hoại,… chiến khu Ba Lòng luôn đảm bảo nhiệm vụ tư cung, tự cấp lâu dài. Giải quyết tốt vấn đề lương thực, thực phẩm là sự góp phần to lớn vào việc ổn định và phát triển chiến khu lâu dài. Đó là yếu tố quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan kháng chiến của tỉnh và Phân khu lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi.

Đầu năm 1948, tại Khe Cau, chiến khu Ba Lòng đã long trọng tổ chức buổi lễ ra mắt Phân khu Bình – Trị - Thiên. Phân khu được thành lập theo chỉ thị của Trung ương Đảng, trực thuộc liên khu IV. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng được cử làm Bí thư Phân khu ủy. Đồng chí Trần Quý Hải làm Phân khu trưởng. Sau lễ ra mắt, Phân khu Bình – Trị - Thiên đóng trụ sở tại chiến khu Ba Lòng.

Tháng 4-1948, tại Ba Lòng đã diễn ra Hội nghị Phân khu ủy với đại biểu của ba tỉnh Bình – Trị - Thiên. Hội nghị đã nhận định các âm mưu mới của địch trên chiến trường Bình – Trị - Thiên. Trên  cơ sở đó đã đề ra phương châm: “Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, phối hợp với các lực lượng quân đội, công an, tự vệ đánh địch, phá hội tề, trừ gian, bảo vệ mùa màng, bảo vê nhân dân” [9, tr 34].

Tháng  9-1948, Ban vận động văn hóa văn nghệ Bình – Trị - Thiên được thành lập tại chiến khu Ba Lòng nhằm động viên lực lượng văn hóa văn nghệ ở ba tỉnh. Ban vận động  gồm một số người làm công tác văn hóa như Phan Văn Hy, Hoàng Đức Trạch, Lưu Trọng Lư, Vĩnh Mai, Võ Thuần Nho.

Đầu năm 1949, Phân khu Bình – Trị - Thiên tổ chức Đại hội tại chiến khu Ba Lòng. Đồng chí Trần Văn Quang được bầu làm Phân khu trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh vẫn giữ chức Bí thư Khu ủy. Đại hội đã tập trung thảo luận vấn đề đánh các trận lớn để giành thế chủ động trên chiến trường. Chính qua đại hội Phân khu Bình – Trị - Thiên mà lực lượng vũ trang Bình – Trị - Thiên đã tổ chức những trận đánh giành thắng lợi như trận tấn công vào Đông Hà (3-1949), trận Ưu Điềm – Mỹ Xuyên (8-1949), chiến dịch Lê Lai (11-1949).

Mùa Xuân năm 1950, Bộ tổng tư lệnh ra quyết định thành lập Bộ chỉ huy Mặt trận Bình – Trị - Thiên đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tổng tư lệnh và cử đồng chí Hà Văn Lâu giữ chức Tư Lệnh, đồng chí Trần Quý Hải giữ chức Chính ủy, buổi lễ ra mắt Bộ chỉ huy Mặt trận Bình – Trị - Thiên được tổ chức trọng thể tại chiến khu Ba Lòng, có đông đủ các cán bộ cao cấp, đại biểu Liên Khu IV, đại biểu của ba tỉnh Bình – Trị - Thiên. Cũng trong dịp này, Hội nghị dân quân Chính Đảng ba tỉnh được tổ chức tại Ba Lòng để thảo luận những vấn đề cấp bách về xây dựng lực lượng vũ trang, đặc biệt là xây dựng bộ đội chủ lực nhằm chuẩn bị chuyển sang tiến công trên toàn chiến trường Bình – Trị -  Thiên.

Từ ngày 5 đến ngày 10-2-1952, tại chiến khu Ba Lòng, Đảng ủy Mặt trận và các ngành Đảng Quân dân Chính 3 tỉnh Bình – Trị - Thiên đã tổ chức Hội nghị dân, quân, chính đảng ba tỉnh để tìm phương thức tác chiến. Dự hội nghị có đồng chí Chu Văn Biên, Bí thư Đảng ủy Mặt trận; đồng chí Trần Quý Hải, Tư lệnh và đồng chí Lê Tự Đồng làm phó Chính ủy Mặt trận. Hội nghị nhận định: “Đích thay đổi thủ đoạn hoạt động; Rút các đơn vị lẻ và cô lập để tập trung quân cho các đơn vị ứng chiến, phối hợp với lực lượng chiếm đóng mở các cuộc càn quét trên một diện hẹp và dài ngày nhằm vào vùng du kích và vùng thường đứng chân của chủ lực ta” [9, tr 35].

4. Chiến khu Ba Lòng góp phần thúc đẩy phong trào kháng chiến chống Pháp

Cùng là một chiến trường sau lưng địch, nhân dân ba tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên từ đầu năm 1947 đã gắn bó với nhau chặt chẽ trong các phong trào kháng chiến, trước hết là xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đi từ du kích chiến lên vận động chiến, nỗ lực cùng nhân dân ba tỉnh vùng tự do Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh, đẩy mạnh kháng chiến và kiến quốc trên địa bàn Chiến khu IV.

Ngày 17-9-1948,  Pháp tập trung lực lượng mở cuộc càn quét quy mô lớn vào chiến khu Ba Lòng. “Để tiêu diệt toàn bộ đầu não kháng chiến của ta, giặc Pháp huy động 4 tiểu đoàn gồm 1.200 quân cung 10 máy bay, 100 xe quân sự, 5 ca nô, 100 thuyền từ Đà Nẵng, Thừa Thiên, Quảng Bình chia thành nhiều cánh theo đường bộ và đường sông Thạch Hãn tập trung mở cuộc càn quét quy mô lớn vào chiến khu Ba Lòng” [11, tr 33]. Sau 14 ngày chống trả quyết liệt của quân chủ lực, địch buộc phải rút lui với thất bại thảm hại, cơ quan tỉnh và phân khu được bảo vệ an toàn.

Ngày 14- 4- 1950, Hội nghị quân, quân, dân, chính Bình – Trị - Thiên họp bàn kế hoạch thực hiện chủ trương mở chiến dịch  Đông – Xuân, nhằm “phát triển chiến tranh du kích đến cực độ, đẩy vận động chiến lên địa vị chủ yếu”. Hội nghị quyết nghị “Huy động tất cả khả năng của quân và dân 3 tỉnh Bình – Trị - Thiên mở chiến dịch Phan Đình Phùng”, lấy chiến thắng của chiến dịch thúc đấy cuộc chiến tranh du kích ở Bình – Trị - Thiên tiến lên [ 3, tr 341].

Từ 1-9 đến 5-9-1950, giặc Pháp huy động khoảng 3000 quân các loại, đổ bộ bằng 8 máy bay và 10 ca nô, đánh lên chiến khu Ba Lòng. Khi địch càn lên Ba Lòng quân và dân Triệu – Hải, Cam – Gio- Vĩnh đẩy mạnh hoạt động chiến tranh du kích để phối hợp quân dân chiến khu Ba Lòng chống càn, buộc địch phải quay về đồng bằng đối phó với ta.Trong thời điểm đó, chiến khu Ba Lòng vẫn đứng vững, vẫn là căn cứ địa an toàn của các lực lượng kháng chiến Quảng Trị. Trong hệ thống các chiến khu cách mạng miền Trung trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Ba Lòng là một trong những chiến khu được bảo vệ an toàn, chỗ dựa vững chắc nhất cho lực lượng kháng chiến và nhân dân Quảng Trị. Kẻ thù đã dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn chính trị, quân sự xảo quyệt nhưng vẫn không tiêu diệt được trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến của tỉnh Quảng Trị. Ngọn lửa kháng chiến vẫn được duy trì một cách tập trung, thống nhất. Cũng tại chiến khu này, nhiều tổ chức kháng chiến của huyện, tỉnh và lực lượng vũ trang được củng cố nhanh chóng.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, quân và dân Quảng Trị chuẩn vị mọi mặt, cùng quân dân cả nước tiến hành cuộc tiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954.  Cuối tháng 3-1954, quân và dân ta ở mặt trận đường 9 – Hướng Hóa đã đánh mạnh vào giao thông của địch, phá sập cầu Rào Quán, đồn Đầu Mầu, bao vây địch ở vị trí Cù Bách và Khe Sanh, buộc địch rút khỏi các vị trí Khe Sanh, Lao Bảo.

 Ở chiến khu Ba Lòng quân và dân tiếp tục khắc phục khó khăn, duy trì và đẩy mạnh phong trào kháng chiến, tích cực phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Ngày 21-7-1954, tại chiến khu Ba Lòng – nơi tập trung các cơ quan của tỉnh Quảng Trị trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới dự chủ trì của đồng chí Trương Công Kỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Thường vụ Tỉnh ủy đã mở Hội nghị cán bộ toàn tỉnh để quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II. Hội nghị tập trung thảo luận, phân tích đặc điểm của Quảng Trị sau Hiệp định Giơnevơ có hiệu lực.

Trong kháng chiến chống Pháp chiến khu Ba Lòng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đầu não kháng chiến và lực lượng vũ trang tránh sự truy quét và tiêu diệt của thực dân Pháp. Trở thành một căn cứ địa cách mạng, trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến của tỉnh Quảng Trị và khu vực Bình -Trị - Thiên, nơi diễn ra các đại hội, hội nghị, cuộc họp có tính chất quyết định đến sự chuyển biến của công cuộc kháng chiến ở địa phương và khu vực. Chiến khu Ba Lòng trở thành một mắt xích quan trọng của hệ thống chiến khu miền Trung; đóng vai trò quan trọng trong tuyến giao liên thống nhất Bắc - Nam, vừa là hậu phương lớn và vừa là bàn đạp để tiến công địch; là sự thể hiện sáng tạo của hình thái chiến tranh nhân dân của quân và dân. Chiến khu Ba Lòng không chỉ là chỗ dựa tinh thần của nhân dân Quảng Trị nói riêng, Bình - Trị -Thiên nói chung mà hình ảnh chiến khu còn là hình ảnh của một chế độ mới. Những bài học kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình hình thành, tổ chức hoạt động chiến khu Ba Lòng, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa hiện nay. Nguyễn Thị Hảo  

3667 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 989
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 989
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76795873