Tình trạng bắt cóc, mua bántrẻ em, phụ nữ, đưa người trái phép ra nước ngoài từng xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh như Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa, thị xã Quảng Trị, Hải Lăng… Mặc dù từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị không xảy ra vụ việc liên quan đến mua bán người. Song, xu hướng người dân trong độ tuổi lao động di cư tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn trong nước hoặc ra nước ngoài có nguy cơ mất an toàn, trở thành nạn nhân của các vụ việc đưa người ra nước ngoài trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và nạn mua bán người.
Để góp phần phòng ngừa nạn mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ trẻ em. Với mục tiêu “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, nhiều năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã có nhiều hoạt động thiết thực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng chống tội phạm buôn bán người; thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP, ngày 31/7/1998 của Chính phủ về "Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới"; Nghị quyết liên tịch 01-NQ/LTTW, ngày 08/05/2002 giữa Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, Chỉ thị 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới”. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các cơ quan chức năng triển khai hoạt động phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm và mua bán người gắn với thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm...
Công tác phối hợp trong phòng ngừa di cư không an toàn và mua bán người được đẩy mạnh. Hội đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an trên địa bàn thường xuyên tổ chức tuyên truyền về an ninh biên giới, di cư an toàn, tìm hiểu các đối tượng có nguy cơ cao để kịp thời gặp gỡ, tư vấn, ngăn chặn, phòng ngừa; vận động hội viên và người dân phát hiện, tố giác, báo tin, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống mua bán người. Nắm bắt số nạn nhân từng bị buôn bán tại địa bàn là hội viên phụ nữ để có các hình thức động viên, tư vấn tâm lý, hỗ trợ phát triển kinh tế giúp chị em hoà nhập cộng đồng. Phối hợp với đồn Biên phòng tổ chức các lớp dạy tiếng Việt cho phụ nữ thuộc 3 Bản Đenvilay, Xi Ổi và Pa lọ của Mường Noòng tỉnh Savannakhet - bản biên giới giáp xã Axing huyện Hướng Hóa; thăm tặng quà phụ nữ nghèo của tỉnh Savannakhet; duy trì và phát huy các hoạt động kết nghĩa Bản - Bản 2 bên biên giới.
Một trong những nội dung trọng tâm của công tác phòng, chống mua bán người mà Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã đầu tư trong nhiều năm qua đó là hoạt động phối hợp với các tỉnh giáp biên giới Việt - Lào và chung tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Trên cơ sở ghi nhớ giữa phụ nữ 4 tỉnh: Quảng Trị (Việt Nam), Savankhet và Salavan (Lào), Mukdahan (Thái Lan) và văn bản ghi nhớ của đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Trị và tỉnh Salavan, Savannakhet (Lào), hàng năm Hội LHPN 4 tỉnh luân phiên tổ chức các hoạt động gặp gỡ nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về chính sách, pháp luật của mỗi nước trong nhiều lĩnh vực như: lao động, việc làm, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới và phòng, chống mua bán người 2 bên biên giới v.v.. tổ chức các Hội thảo thường niên thông báo cho nhau tình hình mua bán người và bạo lực gia đình; những khó khăn thực tế đang gặp phải và đưa ra một số giải pháp, kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình; cam kết cùng hợp tác và coi đây là hoạt động thường xuyên của phụ nữ các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong hành động chung nhằm ngăn chặn và giải quyết vấn đề mua bán người giữa Hội LHPN các tỉnh Quảng Trị, Savannakhet, Salavan (Lào) và Ủy ban phát triển phụ nữ tỉnh Mukdahan (Thái Lan).
Xây dựng mô hình phòng ngừa, duy trì và phát triển 680 CLB, tổ phụ nữ “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; “Gia đình không có người thân phạm tội và tệ nạn xã hội”, “Phụ nữ với Pháp luật”; nhóm “Cha mẹ có con từ 0-10 tuổi” (vùng đồng bào DTTS); thành lập hơn 600 "Địa chỉ tin cậy" tại 125 xã, phường, thị trấn để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh; thực hiện có hiệu quả mô hình phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em tại phường 2 thị xã Quảng Trị, xã Gio An huyện Gio Linh và xã Hải Thọ huyện Hải Lăng. Đặc biệt, từ việc phát động cuộc thi “Đề xuất sáng kiến cộng đồng xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em sau dịch COVID-19”, BTV Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo hiện thực hóa và nhân rộng ý tưởng mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” trên toàn tỉnh, đến nay có 52 làng quê, khu phố an toàn được thành lập. Thông qua các mô hình, công tác tuyên truyền, giáo dục nói chung và tuyên truyền về phòng ngừa mua bán người của các cấp Hội LHPN được nâng lên một bước và đạt hiệu quả cao hơn. Các cấp Hội phối hợp với ngành Lao động – Thương binh & Xã hội và các địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và tư vấn về xuất khẩu lao động, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm phòng ngừa di cư trái phép, hạn chế di cư.
Để công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ di cư an toàn đạt hiệu quả tốt hơn, đồng chí Trần Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị cho biết: “Trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế pháp lý, tố tụng và thực thi pháp luật, các hoạt động hợp tác quốc tế, bảo vệ nạn nhân hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng và đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông phòng ngừa mua bán người, di cư bất hợp pháp; trang bị kiến thức, kỹ năng cho những người muốn di cư lao động, những người muốn kết hôn với người nước ngoài; truyền thông về di cư an toàn tại những điểm nóng có nhiều người di cư; rà soát, quan tâm, giúp đỡ những phụ nữ, trẻ em trong các gia đình gặp khó khăn về việc làm, hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; hỗ trợ những người bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, tuyên truyền viên, cộng tác viên cấp cơ sở về kiến thức phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em; kỹ năng tuyền thông; củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở có năng lực, nhiệt tình, nhạy bén và có trách nhiệm cao trong công tác phòng, chống mua bán người. Xây dựng và nhân rộng mô hình truyền thông hiệu quả tại những địa bàn trọng điểm, thiết lập đường dây nóng của Hội LHPN về phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng mặt tích cực của các ứng dụng mạng xã hội để tăng hiệu quả công tác phòng ngừa di cư không an toàn và phòng ngừa mua bán người.Tham gia tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân...”
Bằng những hoạt động, việc làm của mình, các cấp Hội LHPN trong toàn tỉnh đã góp phần trong công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ di cư an toàn. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị không xảy ra vụ việc liên quan đến mua bán người. Các cấp Hội nỗ lực hơn nữa phối hợp cùng các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác phòng chống mua bán người, phòng chống di cư trái phép, hỗ trợ lao động di cư an toàn, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Phương Thiện