|
Khoảng 240.000 người có nguy cơ nhiễm Ebola được tiêm vaccine do Merck sản xuất trong suốt đợt bùng phát dịch ở Congo |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ nhiễm mới virus Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã giảm xuống, trong bối cảnh vaccine ngừa căn bệnh này sắp được thông qua.
Theo báo cáo của WHO, trong khoảng thời gian ngắn từ 25/9-15/10, đã có 50 người được chẩn đoán là nhiễm Ebola tại Congo. Đỉnh điểm của đợt bùng phát dịch là vào tháng Tư năm nay với khoảng 300 ca nhiễm mới được ghi nhận trong vòng 3 tuần. Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào tháng 8/2018, gần 3.250 người đã bị nhiễm và hơn 2.150 người tử vong vì căn bệnh này.
Tuy nhiên, mới đây, WHO cho biết cuối cùng thì sự lây lan dịch bệnh này ở Congo cũng đã giảm xuống.
“Nhưng sự suy giảm các bệnh truyền nhiễm không phải là lý do để chúng ta nới lỏng các nỗ lực ngăn chặn virus gây bệnh”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói. “Chúng tôi phải xử lý mọi ca nhiễm như thể đó là ca nhiễm đầu tiên vì chúng đều có khả năng châm ngòi cho một đợt bùng phát dịch mới”.
Beni, một thành phố thuộc tỉnh Bắc Kivu của Congo - nơi từng là trung tâm của đợt bùng phát dịch, giờ đây đã không còn virus Ebola nữa. Tuy nhiên, các nhân viên của WHO vẫn chưa hết lo lắng về dịch bệnh này. Ebola đang tiếp tục lan rộng tới các vùng xa xôi của Bắc Kivu và Ituri, nơi bạo lực đã làm phức tạp thêm cuộc chiến chống dịch bênh này.
Ba tháng nữa, WHO sẽ triệu tập một ủy ban khẩn cấp độc lập bao gồm các chuyên gia y tế để quyết định xem dịch bệnh này có còn được xem là một tình huống khẩn cấp y tế cộng đồng nữa hay không.
Mới đây, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) phê duyệt vaccine Ebola do công ty dược phẩm Merck sản xuất.
Khoảng 240.000 người có nguy cơ nhiễm Ebola đã được tiêm vaccine do Merck sản xuất trong suốt đợt bùng phát dịch ở Congo, tuy nhiên, vaccine này vẫn chỉ được xem là sản phẩm thử nghiệm của các nhà quản lý trên thế giới và không thể được bán ra thị trường. Hầu hết các chuyên gia về Ebola nhất trí rằng dịch bệnh sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu không có loại vaccine nói trên.
Quyết định sẽ được đưa ra vào tháng 3/2020. Hiện có 7 loại vaccine Ebola khác cũng đang được thử nghiệm.
Vũ Phong