Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức quan trọng bậc nhất trong công tác xây dựng Đảng kiểu mới. Những cơ sở của nguyên tắc này đã được Các Mác và Ph.Ăng ghen nêu ra lần đầu vào năm 1847 khi tổ chức "Liên minh những người cách mạng". Và được tiếp tục khẳng định trong tổ chức "Liên minh Công nhân quốc tế" (Quốc tế I) do chính Các Mác sáng lập vào năm 1864(2).
Sau này, cùng với việc phát triển toàn diện nguyên tắc tập trung dân chủ, V. I. Lênin có tính đến những kinh nghiệm của phong trào công nhân và những điều kiện lịch sử đã thay đổi. Người cho rằng: "Thực chất của nguyên tắc này, là sự kết hợp hữu cơ giữa chế độ tập trung với chế độ dân chủ triệt để vốn có trong bản chất chính trị - xã hội của giai cấp công nhân bắt nguồn từ những đòi hỏi của nền sản xuất đại công nghiệp".
Tập trung nhằm tạo ra sự thống nhất về mục tiêu, lý tưởng, quan điểm, đường lối, về tổ chức và hành động của toàn Đảng, làm cho Đảng thống nhất cao về tư tưởng và hành động. Dân chủ là nhằm phát huy cao nhất trí tuệ, sự sáng tạo của các tổ chức Đảng và đảng viên để không ngừng nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng. V.I Lênin khẳng định nếu không có chế độ tập trung dân chủ thì Đảng không thể là một đội ngũ tiền phong chiến đấu, thống nhất và Đảng không tránh khỏi bị chia thành những bộ phận riêng lẽ, tản mạn, mang tính cục bộ, bản vị. Tập trung dân chủ là nguyên tắc chỉ đạo toàn bộ công tác tổ chức, sinh hoạt và mọi hoạt động của Đảng; nó thể hiện bản chất và sự sống còn của Đảng, là tiêu chí để phân biệt chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, Đảng cách mạng chân chính với các đảng phái khác. Người nói: "Cách mạng không thể phát triển được nếu không trải qua một thời kỳ mà mọi người cùng nhau thảo luận rộng rãi về tất cả mọi vấn đề" (3).
Vì thế, Lênin coi việc phủ nhận chế độ tập trung dân chủ là phủ nhận tính tổ chức và kỷ luật của Đảng, là rơi vào chủ nghĩa cơ hội trong các vấn đề tổ chức, biến Đảng thành "Câu lạc bộ tranh cải" không có khả năng vạch ra một cương lĩnh hành động thống nhất, không có sức mạnh để tổ chức thực hiện Cương lĩnh ấy, không đủ uy tín để giành được sự đồng tình của quần chúng trong cuộc đấu tranh lật đỗ chủ nghĩa tư bản, để xây dựng chủ nghĩa xã hội".
V.I Lênin cũng chỉ rõ mối liên hệ hữu cơ giữa hai mặt tập trung và dân chủ trong sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo của Đảng. Mối liên hệ này, xác định lãnh đạo tập thể cá nhân phụ trách là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng; "Dầu sao và dầu trong trường hợp nào đi nữa, việc tập thể lãnh đạo cũng cần phải đi đôi với việc cá nhân phụ trách đã được quy định một cách rõ rệt cho từng người đối với một công tác nào đó được quy định một cách chính xác"(4). Người coi tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ là một trong những phong cách của người lãnh đạo. Đồng thời, V.I Lê nin cũng nhấn mạnh "Thảo luận thì thảo luận chung, nhưng trách nhiệm là của từng người"; "Chế độ tập thể lãnh đạo là cần thiết trong việc thảo luận các vấn đề cơ bản thì cũng cần có chế độ trách nhiệm cá nhân và cá nhân điều khiển để tránh hiện tượng trốn tránh trách nhiệm"(5). Cũng về vấn đề này, Người dạy "Lãnh đạo tập thể là điều cần thiết để giải quyết các công việc của Nhà nước công nông. Nhưng mọi sự thaí quá về lãnh đạo tập thể, mọi sự lệch lạc đưa đến tình trạng chậm chạp quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm, hiện tượng thiếu tinh thần trách nhiệm, lấy cớ lãnh đạo tập thể, đó là một tai hại nguy hiểm nhất"(6) .
Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, ngay từ khi mới thành lập trong Điều lệ vắn tắt Đảng ta đã ghi rõ: Tổ chức của Đảng phải “tổ chức theo lối dân chủ tập trung”, “bất cứ vấn đề nào đảng viên đều phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đa số đã nghị quyết thì tất cả đảng viên phải phục tùng mà thi hành”(7). Chính nhờ nhận thức và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ nên hơn 90 năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo Cách mạng Việt Nam vượt qua bao gian nan, thử thách từng bước đi lên, giành thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Một trong những yếu tố làm nên sức mạnh đó, thắng lợi đó chính là nhờ Đảng ta thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hiện nay, trong Đảng vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa thấu đáo, hiểu chưa đúng hoặc cố tình hiểu sai nguyên tắc tập trung dân chủ. Điều này, đã dẫn tới một số cán bộ không thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nhất là trong việc quyết định chủ trương lớn. Việc giải quyết mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ còn lúng túng dẫn đến có tình trạng có nơi cấp uỷ can thiệp quá sâu vào công tác điều hành của cơ quan Nhà nước hoặc buông lỏng sự lãnh đạo. Ở một số đơn vị, trong sinh hoạt Đảng, nhất là sinh hoạt cấp uỷ, nhiều vấn đề có tính nguyên tắc không được thảo luận, bàn bạc kỹ, hoặc có thảo luận nhưng không được kết luận một cách rõ ràng, thấu tình đạt lý... dẫn đến tình trạng là trong Hội nghị thì nhất trí nhưng ra ngoài lại nói khác hoặc “nói một đàng làm một nẻo”. Một số nơi lấy cớ đề cao dân chủ, nên người đứng đầu không dám quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm, luôn dựa vào tập thể. Ngược lại có trường hợp ngưòi đứng đầu lợi dụng quyền hạn của tập thể để quyết định nhiều vấn đề trái với Nghị quyết vượt thẩm quyền cho phép, trái với quy chế đã đề ra...
Hiện nay, trong bối cảnh quốc tế phức tạp các lực lượng thù địch đang tìm mọi cách để phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ để đi đến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra là phải bảo vệ nguyên tắc tập trung dân chủ; coi đó là bảo vệ sự sống còn của Đảng. Trí Ánh - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
(1) V.I Lênin toàn tập, NXBTiến bộ, Matxcơva, 1979, tập 12 trang 279.
(2) Dẫn theo PGS-TS Đức Vượng, "Một trăm năm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ", TCCS số 7 tháng 4-2006.
(3) Sđd tập 44 trang 207.
(4) V.I Lênin toàn tập, tập 39, NXB Tiến bộ Matxcơva 1977, trang 53.
(5) Sđd trang 486.
(6) Sđd trang 52-53.
(7) Hồ Chí Minh toàn tập,NXBCTQG, H.2000, tập 3 tr7.