|
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Tham dự phiên giải trình có lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông, Văn phòng Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, thành viên Uỷ ban ATGT quốc gia, đại biểu Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, những năm qua, TNGT tuy có giảm ở cả 3 tiêu chí nhưng số người chết vì TNGT còn rất cao, nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra. Công tác đào tạo, sát hạch lái xe, tuần tra kiểm soát, xử phạt vi phạm… vẫn còn hạn chế, là một trong nguyên nhân dẫn đến tình hình TNGT nghiêm trọng như hiện nay.
Ủy ban Tư pháp cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình vi phạm pháp luật về trật tự ATGT và TNGT vẫn diễn biến phức tạp; số người chết và số người bị thương tuy có giảm nhưng vẫn rất nghiêm trọng (năm 2018 làm 8.190 người chết, 14.792 người bị thương).
Tại phiên giải trình, Ủy ban Tư pháp đề nghị các bộ, ngành giải trình nhiều nội dung bức xúc mà dư luận quan tâm. Đó là, hệ thống văn bản pháp luật còn những quy định không phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Công tác chỉ huy, điều khiển giao thông hiện nay chủ yếu vẫn là thủ công (trực tiếp chỉ huy, xử lý giao thông trên đường); việc răn đe, giáo dục ý thức pháp luật của người tham gia giao thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hiệu quả chưa cao, thậm chí một số trường hợp còn biểu hiện “nhờn” luật do cán bộ tuần tra, kiểm soát tiêu cực trong xử lý. Cử tri phản ánh bằng mắt thường cũng có thể phát hiện xe quá tải nhưng thực tế các xe quá tải vẫn lưu thông trót lọt; tình hình ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm, chưa gắn đồng bộ hệ thống camera giám sát trong tuần tra, kiểm soát.
Một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí có tình trạng “bảo kê” cho vi phạm. Theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 16/11/2016 đến 15/2/2019, có tới 344 cán bộ bị xử lý do vi phạm quy trình, chế độ công tác.
“Bên cạnh những vất vả của lực lượng CSGT, một bộ phận tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, được dư luận phản ánh nhiều năm nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hình ảnh của lực lượng CSGT. Đề nghị Bộ Công an có giải pháp cụ thể khắc phục triệt để vấn đề này”, đại diện Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.
Tình trạng xe quá tải chưa được xử lý triệt để, diễn ra phức tạp tại một số tuyến đường, có dấu hiệu tái diễn tại các quốc lộ, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát, là nguyên nhân mất trật tự ATGT, hư hỏng kết cấu hạ tầng. Trong khi đó, kết quả xử lý vi phạm còn hạn chế, chỉ có 10-12% số xe được kiểm tra vi phạm về tải trọng là chưa phản ánh đúng số lượng và tình hình vi phạm trên thực tế.
“Có tình trạng tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí là “bảo kê” cho vi phạm, “bảo kê” cho xe vua”, Ủy ban Tư pháp nêu rõ.
Công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông còn sơ hở, dẫn đến số lượng vi phạm lớn. Năm 2017, có 5.487 vụ vi phạm, năm 2018 có 4.179 vụ vi phạm. Theo thống kê, một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT có liên quan đến lỗi kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, cử tri phản ánh đến nay, hầu như các vụ TNGT chưa có cá nhân, tập thể nào bị xử lý liên quan đến lỗi kết cấu hạ tầng giao thông.
Dư luận phản ánh về tiêu cực trong công tác đăng kiểm, có hiện tượng “cò kiểm định” để tiêu cực. Theo báo cáo của Bộ GTVT thì số cán bộ và đơn vị đăng kiểm vi phạm liên quan đến nguyên nhân vi phạm, tội phạm về trật tự ATGT bị xử lý khá nhiều, năm sau có tăng hơn năm trước. Cụ thể, số đăng kiểm viên bị đình chỉ năm 2017 là 63 người, năm 2018 là 72 người; số đơn vị đăng kiểm bị đình chỉ năm 2017 chỉ 6 đơn vị, năm 2018 là 8 đơn vị.
Công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn tâm lý “không muốn học bài bản nhưng vẫn muốn có giấy phép lái xe”. Nắm bắt tâm lý đó, một số trung tâm sát hạch cắt xén chương trình, thay vì dạy bài bản thì lại dạy “mẹo” với mục tiêu thi đỗ chứ không phải vận hành xe an toàn; có hiện tượng “bao thi”, “bao đỗ” tại một số cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe.
Ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của một bộ phận người dân tham gia giao thông còn yếu kém là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Một trong những nguyên nhân khác là công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT chưa hiệu quả, thực chất, chưa tác động đến nhận thức và làm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.
Tại phiên giải trình, Ủy ban Tư pháp cũng đặt câu hỏi về “trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ GTVT sau hàng loạt các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vừa qua”.
Báo điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về nội dung giải trình của các Bộ, cơ quan trong phiên làm việc.
Lê Sơn