Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung phiên họp - Ảnh: VGP/ĐH
Hoàn thiện nhiều nội dung trên cơ sở đánh giá, xem xét kỹ lưỡng
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Theo đó, có 106 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ và 29 lượt ý kiến phát biểu tại Hội trường; 1 ý kiến tham gia bằng văn bản. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Hiện nay, 5 nhóm vấn đề lớn đã được các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý, bao gồm: Các loại giao dịch phải công chứng; Công chứng bản dịch (sửa đổi khoản 1 Điều 2 của Luật Công chứng hiện hành); Nghĩa vụ của công chứng viên gia nhập Hội công chứng viên (Điều 16); Công chứng điện tử (mục 3 Chương V); Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tổ chức hành nghề công chứng.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến ĐBQH trong quá trình hoàn thiện; chuẩn bị đầy đủ các báo cáo, thể hiện rõ quan điểm, lập luận rõ ràng trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, dự thảo lần này đã được hoàn thiện nhiều nội dung trọng tâm trên cơ sở đánh giá, xem xét kỹ lưỡng nhầm đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các ý kiến đề nghị cần rà soát, bổ sung quy định tại dự thảo Luật nội dung liên quan tới: Việc xây dựng định kỳ rà soát, cập nhật và công bố trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp Danh mục các giao dịch phải được công chứng, chứng thực; bổ sung vào Điều 38 dự thảo Luật quy định về vị trí, tính chất của điều lệ của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam;…
Đối với mô hình tổ chức của văn phòng công chứng, một số ý kiến đề nghị, cân nhắc nên có cả loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Theo đó, loại hình doanh nghiệp tư nhân được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.
Quy định này có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập Văn phòng công chứng. Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép Văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động, qua đó đã khắc phục được những bất cập của Văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân phụ thuộc vào 1 công chứng viên duy nhất.…
Hoàn thiện, trình dự án luật tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các ý kiến cơ bản đánh giá cao Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình cơ bản đầy đủ các ý kiến ĐBQH thảo luận tại Tổ, hội trường và ý kiến bằng văn bản; Hồ sơ tài liệu được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ.
Đối với các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, về phạm vi các giao dịch phải công chứng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất như phương án Chính phủ trình, không quy định cụ thể trong Luật này các loại giao dịch phải công chứng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thống kê các giao dịch bắt buộc phải công chứng, chứng thực đang được quy định tại các luật, nghị định, thông tư, xây dựng Danh mục và công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp như quy định tại Điều 71 của dự thảo Luật và thường xuyên rà soát, cập nhật Danh mục này để bảo đảm đầy đủ, chính xác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) - Ảnh: VGP/ĐH
Về công chứng bản dịch, chỉ quy định chứng thực chữ ký người dịch để khắc phục tồn tại, hạn chế của việc công chứng bản dịch trong thực tiễn. Đồng thời, cần rà soát, lập luận đảm bảo dễ hiểu, tức là thống nhất văn phòng công chứng chỉ chứng thực chữ ký của người dịch và người dịch phải chịu trách nhiệm.
Về nghĩa vụ của công chứng viên gia nhập Hội công chứng viên, tán thành việc chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật nhằm nâng cao trách nhiệm của Hội công chứng viên trong hoạt động tự quản, giám sát công chứng viên thực hiện các nguyên tắc hành nghề, quy tắc đạo đức nghề nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công chứng viên là hội viên.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hành nghề công chứng, về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất như nội dung tiếp thu, chỉnh lý, tuy nhiên, trong trách nhiệm quản lý nhà nước nêu bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ là cơ quan đầu mối, chủ trì xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về công chứng.
Về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích, thuyết minh rõ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án và tiến tới nếu chọn được 1 phương án như Chính phủ trình là hợp lý. Đồng thời, các ý kiến khác cũng cần tập hợp đầy đủ để ĐBQH tiến hành thảo luận, cho ý kiến.
Về cơ sở dữ liệu công chứng, thống nhất với đề xuất của Thường trực Uỷ ban Pháp luật, theo hướng giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng. Cụ thể, bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ xây dựng thống nhất cơ sở dữ liệu; các thành phần cơ sở dữ liệu nghiên cứu thiết kế thêm. Tuy nhiên, không cần quy định quá chi tiết về thành phần cơ sở dữ liệu vì trên thực tế thành phần cơ sở dữ liệu có thể thay đổi và cơ sở dữ liệu càng chi tiết càng tốt. Do dó, Luật chỉ nên quy định có tính khái quát và đầu mối là Bộ Tư pháp; đồng thời, Quốc hội, Chính phủ bố trí đủ kinh phí để Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tiếp thu để giải trình đầy đủ nội dung liên quan đến chức danh trợ lý, thư ký nghiệp vụ; vấn đề ưu đãi thuế; vấn đề bảo hiểm, giá dịch vụ,… đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Thường trực Uỷ ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu theo quy định trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách tiếp tục thảo luận, cho ý kiến.
Nguyễn Hoàng