Chiều 7/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024.
Mở đầu họp báo, Người phát ngôn của Chính phủ dành thời gian thông tin về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra sáng cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 8 và 8 tháng năm 2024; tình hình phân bổ giải ngân vốn đầu tư công; tình hình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG); tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.
|
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. Ảnh: ĐT |
Kinh tế tiếp đà tăng trưởng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp, Chính phủ đã thống nhất nhận định tình hình KT-XH tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024 tiếp tục đà phục hồi tích cực, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, góp phần củng cố nền tảng để chúng ta đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu đề ra cho năm 2024.
Cụ thể, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng ở cả 3 khu vực. Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định. Khu vực công nghiệp phục hồi tốt, tháng 8 tăng 2% so với tháng 7 và tăng 9,5% so cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 8,6%. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng 7,9%; 8 tháng tăng 8,5%. Khách quốc tế 8 tháng đạt gần 11,4 triệu lượt, tăng 45,8% so với cùng kỳ 2023 và tăng 1% so với cùng kỳ 2019 (giai đoạn trước dịch COVID-19).
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 4,04% (lạm phát cơ bản tăng 2,71%). Các chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường; tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt 6,16 triệu tấn, kim ngạch khoảng 3,85 tỷ USD, tăng lần lượt 6% và 21,7% so với cùng kỳ); thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.
Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Xuất khẩu tăng 3,7% so với tháng 7 và 14,5% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%; xuất siêu 19,07 tỷ USD.
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng mạnh, tình hình tài chính - NSNN tiếp tục được cải thiện. Tổng thu NSNN 8 tháng ước đạt 78,5% dự toán năm, tăng 17,8% so với cùng kỳ (trong khi đã thực hiện miễn, giảm 90 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí).
Đầu tư phát triển cũng tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt 40,49% kế hoạch. Thu hút FDI đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7%; vốn FDI thực hiện đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8%, cao nhất trong 5 năm qua.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm. Thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ tháng 7/2024 đạt kết quả tốt, cơ bản không làm tăng giá. Lễ Khai giảng năm học mới được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, an toàn.
Cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 được tích cực triển khai; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cung cấp thông tin cho báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: Nhật Bắc |
Ưu tiên cho tăng trưởng
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, các thành viên Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, đó là: Giải ngân vốn đầu tư công của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm; Kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm; Những dự án tồn đọng cần phải được giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn; Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao; huy động và sử dụng các nguồn lực còn chưa thực sự hiệu quả; Phải nỗ lực hơn trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho SXKD; Công tác thông tin truyền thông còn chưa thực sự hiệu quả, có lúc, có nơi còn "chưa tới", chưa có tác động lan toả tích cực cho toàn xã hội.
Trên cơ sở xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, với tinh thần tạo động lực mới, khí thế mới để đưa đất nước vươn lên trong kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát mục tiêu đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; trong đó, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn để bù lại cho 3 năm trước của nhiệm kỳ.
Theo đó, để ưu tiên cho tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác. Đồng thời, tập trung giữ ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tiếp tục tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%.
Cùng đó, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời, mở rộng cơ sở thu; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển; triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí.
Cùng với kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đề ra, các đơn vị đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm; chủ động điều hành bảo đảm nguồn cung xăng dầu, năng lượng. Đồng thời, chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp các dịch vụ do Nhà nước quản lý, không tăng cùng lúc, không điều hành giật cục.
Các bộ, ngành, địa phương cũng tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như: Về đầu tư tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động hiệu quả mọi nguồn lực xã hội.
Về xuất khẩu, duy trì, khai thác hiệu quả các thị trường lớn, truyền thống và xúc tiến mạnh mẽ các thị trường mới, giàu tiềm năng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu…Về tiêu dùng đẩy mạnh phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Cùng với đó, tập trung thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; quyết liệt thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới (như chíp bán dẫn, AI…). Đây là lựa chọn chiến lược, yêu cầu khách quan, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững.
Làm tốt công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả Bão số 3, không để ai bị đói, bị rét
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm ASXH, nâng cao đời sống Nhân dân. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, bão lũ, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại. Trước mắt, cần làm tốt công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả Bão số 3, không để ai bị đói, bị rét. Thực hiện hiệu quả, thực chất Phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Rà soát các đối tượng trong phạm vi quản lý nhà nước (nhất là với một số đối tượng công chức, giáo viên mầm non, viên chức trong lĩnh vực y tế) để bảo đảm chính sách hài hòa, cân đối, phù hợp trong tổng thể chung về cải cách tiền lương.
Tập trung hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Tăng cường thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, tạo động lực, truyền cảm hứng, góp phần tạo đồng thuận xã hội và khí thế phấn khởi, nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn xã hội, giữ đà, giữ nhịp phát triển.
Các bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ tập trung chuẩn bị, rà soát, hoàn thiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ các Đề án báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chuẩn bị kỹ các tài liệu phục vụ Hội nghị Trung ương 10 và Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV. Đồng thời, tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; chuẩn bị chu đáo phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng.