|
Trường THCS Trần Huỳnh, nơi xảy ra vụ việc. |
Clip do một phụ huynh học sinh tại tỉnh Bạc Liêu quay và tung lên mạng.
Clip ghi lại cuộc chất vấn của nữ phụ huynh với thầy giáo. Trước đó, một học sinh nữ trường THCS Trần Huỳnh, TP Bạc Liêu bỏ quên chiếc quần ngắn trong ngăn bàn. Một học sinh khác nhặt được đã đặt chiếc quần lên bàn giáo viên. Giáo viên này đã yêu cầu học sinh bỏ chiếc quần vào thùng rác. Sau đó cha mẹ học sinh đã lần lượt đến chất vấn thầy giáo. Tệ hơn mẹ học sinh còn dùng nhiều lời lẽ khó nghe và “bắt vạ” thày phải “đền” cho chiếc quần của con gái mình.
Ngay sau khi tung clip lên mạng với mục đích tìm kiếm sự đồng tình, cha mẹ học sinh đã nhận được sự phản ứng khá kịp thời và dữ dội đến mức họ phải khóa facebook và gỡ bỏ clip này.
Mạng xã hội chính là nời rất nhiều người truy cập, theo dõi cập nhật tin tức sự kiện và họ bày tỏ quan điểm của mình trước những sự kiện đáng chú ý.
Không phủ nhận việc bày tỏ quan điểm trong một số trường hợp cũng có phần quá đà, bị ảnh hưởng bởi số đông đồng thời vì trên không gian ảo nên cũng có những phát biểu, những quan điểm chưa thực sự có trách nhiệm mà chính dân mạng đặt tên: anh hùng bàn phím.
Tuy nhiên, có thấy rất nhiều người tham gia bình luận cũng như cư dân mạng nói chung vẫn giữ được sự công tâm cần thiết và ví dụ gần nhất chính là sự phản ứng với clip của cha mẹ học sinh với những hành xử quá đà của họ.
Sau một loạt những sự việc không vui của ngành giáo dục, dường như có những người như cha mẹ học sinh trong câu chuyện này đã nhầm tưởng về một sự ác cảm của xã hội nói chung, mạng xã hội nói riêng cho những nhà giáo. Họ nhầm tưởng bất cứ va chạm nào trong mối quan hệ giữa giáo viên và cha mẹ học sinh, ưu thế luôn thuộc về họ, mặc nhiên xã hội sẽ bênh vực họ. Chính vì vậy họ tự cho mình quyền được xúc phạm giáo viên và ảo tưởng về sự ủng hộ của xã hội với hành động của mình.
Tuy nhiên, thực tế câu trả lời là ngược lại. Điều đó đồng nghĩa với việc, xã hội và mạng xã hội không ác cảm không định kiến với bất cứ nghề nghiệp nào, thành phần nào, nhưng họ sẵn sàng lên án bày tỏ sự phản đối với những hành động lệch chuẩn.
Phản ứng của mạng xã hội với tính nhanh nhạy kịp thời của mình đã giúp cho những người có hành vi sai trái nhanh chóng nhận ra vấn đề và bất luận quan niệm của họ ra sao, họ vẫn phải ngay lập tức gỡ bỏ clip đã đăng tải.
Với mức độ chưa quá nghiêm trọng của sự việc, nhiều khả năng cũng không cần thiết đến sự can thiệp của các cơ quan bảo vệ pháp luật, và “xử lý” của mạng xã hội cũng đã là rất cần thiết, kịp thời.
Những phản ứng này cũng có thể giúp người giáo viên của trường THCS Trần Huỳnh cũng như đông đảo những nhà giáo chân chính có thể an lòng khi họ có thể chắc chắn rằng xã hội, mạng xã hội không định kiến với họ với nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi. Xã hội chỉ phản ứng trước những hành động sai trái của những con người cụ thể.
Câu chuyện cũng là một bài học không chỉ cho riêng cha mẹ học sinh để họ thấy rằng mạng xã hội không ảo mà chỉ có những con người ảo tưởng, thiếu thực tế và hành động lệch chuẩn.
Và cũng rất nhanh chóng, vị phụ huynh học sinh đã xin lỗi thầy giáo. Chị viết rằng cộng đồng mạng đã dạy cho mình một bài học lớn.
Điều đáng tiếc là vẫn có những người vẫn phản ứng có phần quá khích khi tiếp tục chửi mắng chị, khiến một lần nữa chủ tài khoản facebook lại phải gỡ bỏ nội dung đã đăng. Dù là mạng xã hội hay ngoài xã hội, dù là không gian ảo hay không gian thực, nên chăng mỗi người cần suy nghĩ cân nhắc để có những lời nói việc làm thực sự có trách nhiệm với chính bản thân mình cũng như xã hội.
Quang Lê