Đó là thông tin được cập nhật tại cuộc họp của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai với các đơn vị liên quan nhằm bàn giải pháp tiếp tục ứng phó với cơn bão số 9, diễn ra sáng 28/10.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, 7h sáng nay, bão số 9 đã giảm cấp, xuống còn ở mức cấp 12, giật cấp 15. Vào lúc 7h10, thực tế đo được tại đảo Lý Sơn, gió mạnh cấp 10, giật cấp 12.
Dự báo, sau 10h sáng nay, khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam gió mạnh lên, trong đó, mạnh nhất là trưa và đầu giờ chiều hôm nay. Đối với khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; vùng từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định gió cấp 12, giật cấp 14.
Về dự báo mưa, mưa trọng điểm hôm nay từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, sau đó sẽ dịch lên phía trên. Đặc biệt cũng lưu ý vùng nam Nghệ An, Hà Tĩnh mưa có thể lên tới 500-700mm.
|
Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: BT) |
Đại diện của Tổng cục Thủy sản tại cuộc họp cho biết, cập nhật về việc kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền, với 46 tàu của Bình Định về cơ bản đã ra khỏi vùng nguy hiểm của bão (trước đó, thống kê đến 5h sáng nay, 46 tàu này vẫn đang di chuyển khỏi vùng nguy hiểm). Tuy nhiên, đến nay, theo Tổng cục Thủy sản, ngoài 2 tàu của Bình Định bị chìm, còn tàu BĐ 98685TS hiện nay đang mất liên lạc.
Do vậy, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa cần chỉ đạo lực lượng tìm kiếm hai tàu của Bình Định bị chìm gồm tàu: BĐ96388 - TS, BĐ 97469 - TS và cập nhật về tàu BĐ 98685TS đang mất liên lạc.
Theo đại diện của lực lượng, bộ đội biên phòng, hiện nay đang có thêm 1 tàu thả neo do không di chuyển được. Đây là tàu đi tìm kiếm ngư dân của tàu BĐ96388 – TS nhưng không phát hiện được, lúc quay ra không di chuyển được, phải thả neo.
Về vấn đề tìm kiếm tàu cá gặp nạn, Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện nay đã điều động 2 tàu kiểm ngư từ Khánh Hòa ra để ứng cứu, dự kiến phải 16h sau mới tiếp cận được. Tuy nhiên, cũng cần xác định đây đang là khu vực gió rất mạnh, đi vào khu vực này rất nguy hiểm.
“Hiện nay còn 24 người đang còn lênh đênh trên biển, và còn 14 người nữa ở vị trí đấy nhưng chưa chắc đã an toàn. Bởi neo đậu thả dù cũng rất khó khăn. Do vậy, sau khi bão qua, cần huy động mọi khả năng, kể cả tàu của lực lượng biên phòng, tàu cá của dân và thông báo cho tàu khu vực xung quanh để tìm kiếm” – Đại tá Nguyễn Xuân Dũng nhấn mạnh.
Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị, cần tăng cường tối đa cho công tác tìm kiếm cứu nạn các tàu chìm, các tàu đang gặp khó khăn ở trên biển. Bố trí ứng trực tại khu vực bão đổ bộ để cứu nạn, cứu hộ các tàu và người dân khi có sự cố bất ngờ. Đồng thời, tổ chức quản lý thực hiện nghiêm việc cấm biển, các quy định cấm giao thông của Bộ Giao thông Vận tải.
Đối với khu vực trên đất liền, ông Nguyễn Văn Tiến đề nghị cần theo dõi cảnh báo mưa lớn trong vào sau bão để kịp thời thông tin đến cộng đồng và người dân. Kiểm tra đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của gió và mưa lớn. Sẵn sàng lực lượng cứu hộ trên đất liền để xử lý các tình huống, rà soát các phương án sơ tán dân khu vực vùng thấp trũng, nguy cơ cao ngập sâu, sạt lở đất.
Đi cùng với đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo ứng phó với cơn bão, cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để chính quyền cơ sở và người dân thực hiện nghiêm các biện pháp ứng phó, nhất là bảo đảm an toàn về người ở khu vực neo đậu tàu thuyền, lồng bè, khu tránh trú.
Đáng chú ý, cần tăng cường công tác thông tin qua hệ thống tin nhắn, để người dân chủ động ứng phó. Bố trí phương tiện ở các khu vực trọng điểm để xử lý kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, chỉ đạo vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình và cắt lũ cho hạ du./.