|
Các đại biểu cho rằng, cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với lũ, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét và các loại hình thiên tai. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Đó là yêu cầu được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác phòng chống thiên tai 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra vào hôm nay (1/7).
Trong 6 tháng qua, thiên tai đã làm 25 người chết, 31 người bị thương, thiệt hại về kinh tế là hơn 132 tỷ đồng. Theo dự báo, những tháng cuối năm thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp. Dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát trở thành thách thức lớn đối với công tác phòng chống thiên tai do vừa phải đảm bảo an toàn trước thiên tai vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhận định, mùa mưa bão năm nay số lượng cơn bão sẽ tương đương, mưa lũ có thể phức tạp hơn năm 2020.
"Lũ trên các hệ thống sông chính sẽ ở mức từ báo động 2 đến báo động 3. Lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sẽ đến sớm hơn so với những năm trước đây", ông Hoài thông tin.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với lũ, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét và các loại hình thiên tai. Trong đó, các địa phương phải có địa điểm sơ tán dân cụ thể, bám sát thông tin và diễn biến của thiên tai, quyết liệt trong chỉ đạo và ra quyết định kịp thời sơ tán dân những khu vực có nguy cơ cao nhưng phải đảm bảo an toàn phòng dịch tại những địa điểm sơ tán dân.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ, hiện nay sức chống chịu thiên tai của cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cao so với những năm trước, tuy nhiên so với yêu cầu và sự cực đoan của thiên tai thì sức chống chịu này còn rất thấp. Những cơ sở hạ tầng đặc biệt ở những vùng thiên tai diễn biến khốc liệt đã và đang được Nhà nước tiếp tục đầu tư. Các địa phương phải tranh thủ tối đa hạ tầng hiện có để giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai: Công sở, trường học… đều có thể là những công trình sơ tán dân mỗi khi bão, lũ lớn xảy ra. Cần thực hiện nghiêm các kịch bản phòng chống thiên tai của năm, “lấy phòng là chính”, trong đó phải xác định rõ các địa điểm có nguy cơ cao, sơ tán dân đến nơi an toàn. Khi thiên tai xảy ra phải lưu ý cả việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: "Thách thức lớn đối với công tác phòng chống thiên tai năm nay là dịch COVID-19. Khi di dân và sơ tán dân các địa phương phải xác định rõ ngay từ bây giờ những điểm nào có thể di dân đến mà không tập trung quá đông, phải chuẩn bị càng nhiều điểm càng tốt. Đây là vấn đề khó nhưng phải thực hiện, phải có kế hoạch phòng chống lây lan dịch bệnh khi thực hiện di dân".
Thứ trưởng cũng đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo thời tiết ở mức độ chính xác nhất có thể, qua đó đưa ra các cảnh báo và hạn chế tối đa việc di dân trong khi chưa thật sự cần thiết. "Có như thế chúng ta vừa giảm nhẹ thiệt hại khi xảy ra thiên tai cũng như phòng chống hiệu quả COVID-19".
Đỗ Hương