Ủng hộ bỏ quy định “hộ gia đình sử dụng đất” 

(Chinhphu.vn) - Vấn đề "hộ gia đình sử dụng đất" gây nhiều tranh cãi, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này quy định theo hướng bỏ đối tượng là "hộ gia đình sử dụng đất" là phù hợp.
Ủng hộ bỏ quy định “hộ gia đình sử dụng đất”  - Ảnh 1.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM chủ trì hội thảo - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Đây là một trong những góp ý của bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 15/2.

Làm rõ quy định thu hồi, bồi thường, bố trí tái định cư

Cụ thể, theo bà Ung Thị Xuân Hương, một trong những nội dung được quan tâm lấy ý kiến là việc bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất. Dự thảo Luật quy định theo hướng bỏ đối tượng hộ gia đình sử dụng đất vì hiện nay việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất. Thay vào đó, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình.

"Việc này gây khó khăn khi công chứng. Nói hộ gia đình nhưng không biết hộ là ai? Có nơi xác định hộ khẩu tại thời điểm đó, có nơi xác định hộ khẩu hiện tại. Có người khiếu nại vì không có trong hộ khẩu nhưng cũng là thành viên trong hộ gia đình, cùng làm kinh tế… Chúng tôi ủng hộ dự thảo bỏ khái niệm "hộ gia đình sử dụng đất"",  Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM nêu ý kiến.

Liên quan đến vấn đề thu hồi, bồi thường đất và bố trí tái định cư, bà Ung Thị Xuân Hương kiến nghị, Dự thảo luật lần này cần thể chế hóa các quy định, các tiêu chí "tốt hơn nơi ở cũ" trong vấn đề bố trí tái định cư như diện tích nhà ở tối thiểu/người… Cùng với đó là thực hiện đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi.

Trong khi đó, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TPHCM  kiến nghị cần làm rõ các quy định liên quan đến thu hồi đất công, tức là đất do Nhà nước trực tiếp quản lý. Theo ông Trần Văn Bảy, nên có một chương riêng trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định quản lý nhà nước với đất công.

"Đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm. Một bộ phận cán bộ công chức chùn tay, không dám làm cũng vì điều này", ông Trần Văn Bảy nói.

Lãnh đạo Sở TN&MT TPHCM cho rằng, đất công đang được điều chỉnh trong các luật khác nhau, ngoài Luật Đất đai còn có Luật Quản lý tài sản công, Nghị định 167, Nghị định 67 sửa đổi… Nhưng có sự không tương thích, thậm chí xung đột giữa các luật liên quan nên nhiều cán bộ rất ngại khi phải xử lý vấn đề liên quan đến đất công.

Ủng hộ bỏ quy định “hộ gia đình sử dụng đất”  - Ảnh 2.

Bà Ung Thị Xuân Hương kiến nghị bỏ quy định đối tượng “hộ gia đình sử dụng đất”, thay vào đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ nên ghi tên của chủ hộ gia đình - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Ông Trần Văn Bảy nêu ví dụ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong đó có đất công nhưng không đưa vào giá trị cổ phần hoá. Doanh nghiệp cổ phần hoá sau này tiếp tục thuê lại đất của Nhà nước và theo pháp luật quy định, họ có thể trả tiền thuê một lần. Khi chuyển qua chế độ thuê một lần thì doanh nghiệp có đầy đủ quyền với đất, nghĩa là có quyền bán đất đó.

Thời gian qua, quan điểm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, xét xử chưa thống nhất trong cách giải quyết với sai phạm đất công. Có cơ quan nói là phù hợp Luật Đất đai, nhưng có đơn vị lại cho rằng như vậy là không đúng quy định xử lý tài sản công và đặt vấn đề vì sao không đấu giá…

Do vậy, ông Trần Văn Bảy kiến nghị, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này phải làm rõ những quy định quản lý nhà nước với đất công, không để tình trạng nêu trên phức tạp thêm.

Bổ sung quy định thu hồi đất phục vụ chỉnh trang đô thị

Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở TN&MT TPHCM nêu tình trạng cụ thể tại tuyến đường Phạm Văn Đồng ở TPHCM rất đẹp nhưng nhà cửa hai bên nhếch nhác vì các luật hiện hành không quy định thu hồi đất mở rộng biên.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT Thành phố, các luật hiện hành, kể cả Luật Đất đai, Luật Quy hoạch có đề cập đến thu hồi đất để mở rộng biên, như các dự án giao thông cho phép thu hồi mở rộng để chỉnh trang đô thị, nhưng các luật không đề cập đến khâu thu hồi đất. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này chỉ đề cập các dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư. Ông Trần Văn Bảy cho rằng, như vậy rất chung chung, phải xem lại, vì chưa bao quát được vấn đề.

"Vấn đề là giải quyết quyền lợi của người thu hồi đất như thế nào cho thoả đáng. Nếu luật quy định cụ thể thì Nhà nước thu hồi đất, mở rộng biên, chỉnh trang lại, giải quyết được quyền lợi của người bị thu hồi đất, Nhà nước có lợi, người dân có lợi", ông Trần Văn Bảy nói.

Băng Tâm

147 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 912
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 912
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87054247