Đó là thông tin được các nhà khoa học chia sẻ tại hội thảo “Ứng dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trông công tác thiết kế, quản lý dự án” do Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng tổ chức ngày 31/3, tại Hà Nội.

Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng phát biểu tại hội thảo - ảnh: HM

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Bùi Chí Hiếu, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng cho biết: Hội thảo là một trong những hoạt động ý nghĩa của tuổi trẻ Bộ Xây dựng hưởng ứng năm Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo của Trung ương Đoàn; hưởng ứng Tháng thanh niên 2018 và hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Bộ Xây dựng.

Cũng theo Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng: Mô hình thông tin công trình BIM mở ra một kỷ nguyên mới và là một cuộc cách mạng hóa trong thiết kế, thi công, quản lý, vận hành dự án xây dựng. Dự án xây dựng áp dụng mô hình thông tin công trình BIM sẽ giúp tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian thực hiện, nâng cao chất lượng công trình và cải tiến quá trình vận hành, bảo trì công trình.

Tuy nhiên, việc áp dụng BIM ở Việt Nam còn nhiều khó khăn và thách thức trong việc xây dựng cơ chế chính sách, tiếp cận công nghệ BIM trên thế giới và thiếu nguồn nhân lực ứng dụng BIM.

Trong khuôn khổ Hội thảo, với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và ngoài nước, các đoàn viên thanh niên Bộ Xây dựng, các sinh viên và thầy giáo đến từ các trường đại học, các cơ quan doanh nghiệp đang hoạt động trên lĩnh vực doanh nghiệp, đã thảo luận đưa ra những nhận định, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và đưa ra những giải pháp trong quá trình ứng dụng BIM trong thiết kế và quản lý dự án.

Tại hội thảo, các đại biểu cho biết: BIM đã được áp dụng tại một số dự án đầu tư xây dựng tại Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia. Tiêu biểu như một số dự án lớn như tập đoàn VinGroup, Vietinbank, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc,… Các dự án tiêu biểu áp dụng BIM có hiệu quả như dự án Park Hill 6, Vietinbank Tower, cảng Cửa Lò, cầu Thủ Thiêm 2, khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 – Đồng Nai,… Qua khảo sát tại một số dự án cho thấy, ứng dụng BIM đã giúp chủ đầu tư rút ngắn tiến độ, tiết kiệm chi phí thông qua việc tối ưu hóa và xử lý trước các khó khăn trong giai đoạn thi công.

Tuy nhiên, những dự án đầu tư xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, các chủ đầu tư đều chưa sẵn sàng cho việc ứng dụng BIM trong thiết kế, quản lý dự án vì nhiều rào cản trong đó rào cản lớn nhất là nhiều nội dung hướng dẫn về BIM chưa được đưa vào trong các văn bản pháp lý sẽ gây khó khăn cho các đơn vị tư vấn hoặc chủ đầu tư trong quá trình phê duyệt thiết kế, phê duyệt dự toán, tổng mức đầu tư hay quyết định đầu tư…

Các đại biểu chia sẻ việc ứng dụng BIM trong thực tế - ảnh: HM

TS. Tạ Ngọc Bình, Viện Kinh tế Xây dựng cho biết: BIM là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành Xây dựng nên việc bỏ lỡ cơ hội đẩy mạnh triển khai áp dụng BIM trong ngành Xây dựng Việt Nam sẽ dẫn đến nguy cơ về tụt hậu, mất khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, với mục tiêu phát triển và ứng dụng những tiến bộ khoa học trong ngành xây dựng trong nước nói chung và thúc đẩy việc áp dụng BIM tại Việt Nam nói riêng, ngày 22/12/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 2500/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Áp dụng mô hình thông tin công trình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.

Để BIM được ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam, các nhà khoa học cho rằng cần phải có định hướng để rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng, bảo trì công trình để các chủ đầu tư áp dụng thuận lợi BIM trong thiết kế, thi công, quản lý dự án, quản lý vận hành công trình; đào tạo nguồn nhân lực với từng vị trí liên quan đến BIM; Nhà nước ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách và các nguồn khác theo quy định của pháp luật cho việc tuyên truyền phổ biến BIM…/.

Hoàng Mẫn