Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo. 


Thông tin trên được bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng chia sẻ tại Hội thảo quốc tế về “Phát triển xã hội chuyển đổi số tại Đà Nẵng”. Hội thảo do trường Đại học Đông Á và Học viện kỹ thuật công nghiệp cao cấp Nhật Bản (AIIT) phối hợp tổ chức tại thành phố Đà Nẵng ngày 26/3.

Theo bà Hậu, Hội thảo lần này là cơ hội để lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ tiếp thu, bổ sung thêm các cách nhìn từ các chuyên gia về ứng dụng công nghệ số để có cơ sở đề xuất lãnh đạo thành phố các phương án chiến lược xây dựng thành phố thông minh trong thời gian tới.

Trước đó, trong phát biểu mạc Hội thảo, ThS. Lương Minh Sâm – Phó hiệu trưởng Đại học Đông Á nhấn mạnh: Chuyển đổi số đang là xu hướng của toàn cầu, đây là vấn đề sống còn cho các tổ chức doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; quá trình chuyển đổi số đang có sự vận động mạnh mẽ, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, tài chính, giao thông vận tải, nông nghiệp, du lịch... Với Đà Nẵng – một địa phương đang tích cực triển khai xây dựng thành phố thông minh thì việc ứng dụng các thành tựu công nghệ, thông tin truyền thông là một thành tố quan trọng.

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ những bài nghiên cứu hữu ích về công nghệ số và ứng dụng của công nghệ số trong xây dựng thành phố thông minh. Trong đó, đáng chú ý là bài phát biểu với chủ đề “Triển vọng chiến lược về quản lý thành phố mới ở châu Á” - GS. Mitsuhiro Maeda - chuyên gia về Quan hệ Quốc tế và Khoa học thông tin xã hội, Học viện kỹ thuật công nghiệp cao cấp Nhật Bản (AIIT) đã có những chia sẻ tổng quan về các mô hình quản lý đô thị mới và xây dựng thành phố thông minh tại một số quốc gia ở châu Á. Với phát biểu này, GS. Mitsuhiro Maeda đã đặc biệt nhấn mạnh đến tiến trình phát triển đô thị thông qua hiện đại hoá như: xây dựng bước đầu, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế và cơ sở hạ tầng đô thị, cạnh tranh giữa các thành phố và quản lý thành phố mới thông qua mô hình lấy con người làm trọng tâm để phát triển ICT, xây dựng lối sống thông minh, xây dựng thành phố nhỏ gọn và nâng cao các dịch vụ công ích.

Theo GS. Mitsuhiro Maeda, hiện nay việc xây dựng thành phố thông minh ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thì cũng cần phải chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực, đầu tư các thiết chế văn hóa, các dịch vụ công ích xã hội. Việc xây dựng thành phố thông minh cũng cần tính đến việc xây dựng các đô thị vệ tinh. GS. Mitsuhiro Maeda cũng chia sẻ về các mô hình xây dựng thành phố thông minh tại các địa phương của Nhật Bản.

“Một thành phố thông minh cần phải được xây dựng xoay quanh các yếu tố như: công dân đô thị, công nghệ, cơ sở vật chất, các dịch vụ y tế, chính quyền địa phương, nguồn năng lượng, công nghệ di động. Trong đó cần phải lấy yếu tố con người làm trung tâm”- GS. Mitsuhiro Maeda chia sẻ về mô hình quản lý đô thị mới.

Trong phát biểu với chủ đề: “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trong kỷ nguyên số”, chuyên gia Masaatsu Yoshihara đến từ Công ty NTTDATA Wave, đơn vị trực thuộc tập đoàn viễn thông lớn nhất Nhật Bản NTT đã chỉ rõ: Vai trò của công nghệ thông tin (CNTT) đã thay đổi để đáp ứng yêu cầu từ doanh nghiệp. Đến nay, ngành CNTT đã trải qua bốn giai đoạn gồm: giai đoạn 1.0 (1950-1980) là thời kỳ sơ khai của máy tính; giai đoạn 2.0 (1980-1995) là thời kỳ tối ưu hóa chi phí; giai đoạn 3.0 (1995- 2010) là giai đoạn tăng cường chức năng của CNTT và giai đoạn 4.0 (từ 2000-nay là giai đoạn CNTT phục vụ cho quá trình toàn cầu hóa). Hiện nay, ngành CNTT đang phải đối mặt với các giai đoạn mới như: giai đoạn 5.0 về chuyển đổi kỹ thuật số và giai đoạn 6.0 về chuyển đổi nền tảng kinh doanh kỹ thuật số.

Đối với từng giai đoạn, chuyên gia Masaatsu Yoshihara cũng chỉ rõ những tác động đến kinh doanh và kinh tế cũng như đề xuất các mô hình nguồn nhân lực cần thiết cho từng giai đoạn. Với giai đoạn 5.0 về chuyển đổi kỹ thuật số - giai đoạn mà chúng ta đã và đang phải đối mặt, ông Masaatsu Yoshihara cho rằng chuyển đổi kỹ thuật số là tạo cải thiện đáng kể trải nghiệm của khách hàng hoặc tạo chuyển đổi mô hình kinh doanh thành hoàn toàn mới bằng cách sử dụng các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến.

“Ở giai đoạn 5.0 này, mô hình nguồn nhân lực cũng cần xoay quanh các hình thức như: Kiến trúc sư kinh doanh để xem xét khái niệm về mô hình kinh doanh thông qua sử dụng công nghệ tiên tiến;điều phối viên kỹ thuật số để kết nối giữa kinh doanh với CNTT và Kiến trúc sư vận hành để xây dựng hệ thống, đảm bảo rằng các hoạt động chạy ổn định. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới; bây giờ người làm CNTT phải được tham gia vào khía cạnh kinh doanh để tạo ra khách hàng hay mô hình kinh doanh với nhau. Do đó, việc phát triển các kỹ năng về CNTT và Kỹ thuật số cũng như các kỹ năng phi CNTT/Kỹ thuật số là rất cần thiết”- ông Masaatsu Yoshihara cho biết.

 

Các đại biểu chia sẻ, trao đổi tại Hội thảo.


Chia sẻ với Hội thảo, ThS. Dương Công Danh – Khoa Tài chính Kế toán Đại học Đông Á cho rằng trong báo cáo với chủ đề: “Chuyển đổi kỹ thuật số tại thành phố Đà Nẵng” đã khẳng định: “Để xây dựng thành phố thông minh, Đà Nẵng cần bám sát các tiêu chí theo trục: Thấu hiểu – Hành động – Thích nghi để tổ chức thực hiện các công việc liên quan. Trong đó, “thấu hiểu” để làm rõ mục đích của công nghệ kỹ thuật số và cân nhắc về các rủi ro; “Hành động” để quản lý các dịch vụ đô thị, có những phương án cho các rủi ro, kích thích sự phát triển kinh tế địa phương và phát triển các mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và công dân và cuối cùng là “Thích nghi” để chuyển đổi thành một tổ chức kỹ thuật số.

“Có rất nhiều tranh cãi rằng việc xây dựng thành phố thông minh cần phải theo kịp các tiến bộ về công nghệ và nhận định này dường như chỉ là một chiều. Để làm được điều này, cần có một sự tiếp cận hội nhập đến Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, điện toán phân tán và các công nghệ khác. Do đó, việc xây dựng thành phố thông minh theo các tiêu chí như trên cũng là một giải pháp cần cân nhắc”- ThS. Dương Công Danh đề xuất.

Cũng tại Hội thảo, ThS. Lương Anh Tuấn – Công ty FPT Software khi nói về chủ đề “Hành trình chuyển đổi số ở tập đoàn FPT” đã đề cập đến các lĩnh vực như: Chuyển đổi kỹ thuật số trong công nghiệp, tài chính, công nghệ ô tô và OpenFPT – một chương trình của FPT nhằm tiến tới việc thúc đẩy việc chia sẻ, và kết nối các công nghệ và kết quả nghiên cứu của FPT (và các công ty thành viên) ra ngoài cộng đồng. Theo ThS. Lương Anh Tuấn, những năm qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã và đang tích cực triển khai các bước để sớm xây dựng một thành phố thông minh. Trong đó, xây dựng một thành phố thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ số là một yếu tố vô cùng quan trọng nhưng cũng đầy thách thức vì hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn còn chưa thực sự đồng bộ, việc số hóa dữ liệu vẫn còn diễn ra hạn chế.

 

 

Đình Tăng