|
Ảnh: VGP/Thu Cúc |
Phát biểu tại Hội nghị KH&CN toàn quốc ngành Đo đạc và Bản đồ ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Phương Hoa cho biết, đây là lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức trên quy mô toàn quốc, tạo diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý hoạt động đo đạc, bản đồ, viễn thám và các ngành có liên quan trao đổi, báo cáo thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ đo đạc và bản đồ toàn quốc trong giai đoạn vừa qua.
Đồng thời Hội nghị sẽ tổng kết đánh giá các thành tựu của ngành đo đạc, bản đồ và định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của ngành trong thời gian tới phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ, chiến lược phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030 tạo nền tảng để ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định, hoạt động đo đạc và bản đồ là hoạt động điều tra cơ bản, đặc biệt quan trọng, làm nền tảng để triển khai các nghiên cứu khoa học về trái đất, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; phục vụ quy hoạch, quản lý lãnh thổ, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, góp phần nâng cao dân trí. Thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ được sử dụng rộng rãi trong hoạt động hàng ngày của đời sống xã hội.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học, nhà quản lý đã tổng kết những kết quả nổi bật trong hoạt động khoa học, công nghệ.
Đáng chú ý là việc nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tọa độ, độ cao quốc gia trên quan điểm hiện đại có kết nối với Hệ quy chiếu động quốc tế (ITRF); nghiên cứu, ứng dụng và khai thác hiệu quả công nghệ định vị vệ tinh toàn cầu (GNSS); nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đo trọng lực tuyệt đối độ chính xác cao nhằm hoàn thiện mạng lưới trọng lực quốc gia.
Đặc biệt, đã đạt được những thành tựu về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đo vẽ ảnh số, công nghệ LiDAR trong thành lập bản đồ địa hình, bản đồ địa chính, mô hình số độ cao; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đo sâu chùm tia trong đo đạc, thành lập bản đồ địa hình đáy biển; nghiên cứu ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, kết quả nghiên cứu đã được áp dụng trong hai dự án lớn của Chính phủ: Dự án xây dựng hệ thống dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1/2000, 1/5000 ở các khu vực kinh tế trọng điểm, khu vực thành phố và Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1/10.000 phủ trùm toàn quốc; nghiên cứu các nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.
Một hoạt động nổi bật khác là tiếp nhận và khai thác Trạm thu ảnh viễn thám thuộc Hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại Việt Nam.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng, hiện nay thế giới đang nỗ lực chuyển từ giai đoạn “điện tử” sang giai đoạn “thông minh”, lĩnh vực trắc địa và bản đồ có vai trò khá lớn từ nhu cầu của con người, nhưng từ lịch sử công nghệ đã không cho phép thỏa mãn được nhu cầu đặt ra. Kể từ khi công nghệ thông tin và công nghệ vệ tinh được vận hành, lĩnh vực này mới tạo được bước phát triển mạnh mẽ, tiệm cận được tới việc thỏa mãn các nhu cầu đặt ra. Bước sang thế hệ “thông minh”, lĩnh vực trắc địa bản đồ đã khẳng định được vai trò và có nhiệm vụ chính là sản xuất thông tin không gian, thời gian, tạo dựng hạ tầng thông tin cho phát triển.
TS Trần Bình Trọng, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết một số định hướng nghiên cứu chính về khoa học công nghệ bản đồ đến năm 2025. Cụ thể, nghiên cứu cơ sở khoa học để hoàn thiện thể chế, pháp luật về đo đạc bản đồ, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật trong đo đạc và bản đồ.
Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu cơ bản về Trái đất bằng phương pháp đo đạc và bản đồ tiên tiến, hiện đại gồm: nghiên cứu chuyển dịch vỏ trái đất phục vụ dự báo, cảnh báo tai biến thiên nhiên và các hiện tượng cực đoan, nghiên cứu xây dựng mô hình địa động lực phần đất liền, vùng biển Việt Nam và lân cận.
Đồng thời, nghiên cứu phát triển ứng dụng chuyển giao công nghệ cao để phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ứng dụng các thành tựu mới của công nghệ ảnh số, công nghệ quét LiDAR, công nghệ viễn thám, GIS, GNSS...
Đặc biệt, đẩy mạnh nghiên cứu để xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến việc thu nhận, lưu trữ, cập nhật, tích hợp và chia sẻ dữ liệu không gian địa lý, phát triển ứng dụng, khai thác hiệu quả hạ tầng dữ liệu không gian địa lý.
TS Nguyễn Đại Đồng, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho rằng, để tránh được sự tụt hậu về công nghệ, giữ trình độ ngang tầm khu vực về công nghệ đo đạc bản đồ cần phải có chính sách đầu tư hợp lý, đồng bộ từ phương tiện đến các trang thiết bị, phần cứng, phần mềm khảo sát, xử lý số liệu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Sự thay đổi công nghệ như công nghệ định vị vệ tinh, công nghệ số đã và đang làm thay đổi phương pháp thu nhận, xử lý thông tin và sử dụng sản phẩm đo đạc và bản đồ ngày càng chính xác, nhanh chóng, thúc đẩy kết nối vạn vật trên cơ sở dữ liệu không gian địa lý.
Thu Cúc