Ứng dụng CNTT hiệu quả sẽ giảm trục lợi BHYT 

(Chinhphu.vn) – BHXH Việt Nam cần đặc biệt quan tâm ứng dụng CNTT vào công tác quản lý để phân tích, đánh giá và khắc phục những vấn đề tiêu cực như trục lợi quỹ BHYT. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng thông tuyến KCB BHYT, đáp ứng nhu cầu KCB của người dân được tốt hơn.

 

Đại diện Trung tâm CNTT giới thiệu về kết quả triển khai ứng dụng CNTT của ngành BHXH. Ảnh: VGP/Thu Cúc

Đây là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam tại Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT của BHXH Việt Nam.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh và Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cùng đại diện một số đơn vị nghiệp vụ thuộc BHXH Việt Nam đã giới thiệu với Trưởng Ban Dân vận Trung ương về Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT của Ngành.

Đại diện Trung tâm CNTT, Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT khu vực phía Bắc đã giới thiệu với Trưởng Ban Dân vận Trương Thị Mai về kết quả triển khai ứng dụng CNTT của ngành. Theo đó, toàn bộ ứng dụng CNTT ngành BHXH đã được triển khai theo kiến trúc Chính phủ điện tử, bước đầu đạt kết quả tích cực. Kết quả đó được ghi nhận khi BHXH Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng ứng dụng CNTT ở Việt Nam (Việt Nam ICT Index 2017).

Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, ngành BHXH đã triển khai đồng bộ nhiều hệ thống phần mềm quan trọng. Cụ thể, triển khai Bộ công cụ tập trung dữ liệu tại trung ương để quản lý 3 mảng nghiệp vụ quan trọng gồm: Thu, sổ thẻ và quản lý tài chính - tiến tới xây dựng hệ thống phần mềm tổng thể, thống nhất, đáp ứng hầu hết các yêu cầu nghiệp vụ khác. Trong đó, đã giúp quản lý, đồng bộ thông tin với khoảng 65 triệu người tham gia BHXH, BHYT (đạt 82%) và cấp mã số BHXH duy nhất cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT.

Trong năm 2016, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện xây dựng thành công CSDL của hơn 90 triệu người, với hơn 10 trường dữ liệu cơ bản. Đây là cơ sở để ngành hoàn thiện CSDL quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tiến tới hoàn thiện sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử trong năm 2018.

BHXH Việt Nam cũng tích cực xây dựng hệ thống trao đổi, tích hợp thông tin thống nhất, tạo môi trường làm việc điện tử thông suốt trong nội bộ ngành cũng như kết nối với các ngành khác như: Thuế, hải quan, KH-ĐT, tTài chính, LĐ-TB&XH, y tế, ngân hàng và cơ sở KCB...

Xây dựng, hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của ngành nhằm cung cấp các dịch vụ công cấp độ 3, 4. Tính đến nay, ngành cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho gần 500.000 đơn vị sử dụng lao động, giúp giảm thời gian giải quyết TTHC từ 335 giờ/năm xuống còn 45 giờ/năm, giảm từ 115 TTHC xuống còn 28 TTHC.

Theo kế hoạch, trước ngày 31/12/2017 sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống, cung cấp 20 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan khai thác hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, với hơn 28,6 triệu hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trong năm 2016, là 1 trong 3 đơn vị dẫn đầu khối bộ, ngành về mức độ giải quyết TTHC công qua mạng.

Hiện nay, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối với 99,6% cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc. Ngành đang tiếp tục phối hợp với ngành y tế chuẩn hóa danh mục sử dụng tại trên 12.000 cơ sở y tế, chuẩn hóa 12 triệu dữ liệu danh mục thuốc, vật tư y tế. Trong năm 2017, Hệ thống đã tiếp nhận gần 150 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT; đáp ứng yêu cầu cải tiến TTHC trong việc tổ chức KCB BHYT, nâng cao hiệu quả công tác giám định theo Nghị quyết 68/2013/QH13 của Quốc hội.

 

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và lãnh đạo BHXH, lãnh đạo Trung tâm CNTT. Ảnh: Thu Cúc/VGP

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trương Thị Mai nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của BHXH Việt Nam trong việc chỉ đạo, xây dựng và vận hành hệ thống CNTT - được coi là hệ thống tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Cũng theo bà Trương Thị Mai, BHXH Việt Nam cần chỉ đạo, định hướng để hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống CNTT, nhằm phục vụ công tác quản lý thực hiện chính sách BHXH theo 2 giai đoạn (2015- 2018 và 2018- 2021). Sau khi hoàn thiện, vận hành, cần kết nối với các bộ, ban ngành như: Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH... để nâng cao vai trò, tiện ích của hệ thống.

“Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng rằng, hệ thống CNTT của BHXH Việt Nam tiếp tục phát huy tác dụng, đảm bảo hoạt động thông suốt, đồng bộ, công khai, minh bạch, đáp ứng hầu hết các yêu cầu nghiệp vụ của Ngành và là cơ sở để xử lý nghiêm tình trạng tiêu cực, lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị BHXH Việt Nam cần đặc biệt quan tâm ứng dụng CNTT vào công tác quản lý để phân tích, đánh giá và khắc phục những vấn đề hạn chế, tiêu cực như vấn đề trục lợi quỹ BHYT. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng thông tuyến KCB BHYT, đáp ứng nhu cầu KCB của người dân được tốt hơn.

Thu Cúc

397 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 917
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 919
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87223300