|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Tờ trình của Chính phủ về nội dung này cho biết, tổng số kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 Quốc hội quyết định là 60.000 tỷ đồng.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 cho các bộ, ngành và địa phương là 47.313,632 tỷ đồng, đạt 78,85% kế hoạch. Lũy kế giải ngân vốn nước ngoài năm 2019 ước đến ngày 30/11/2019 là 14.586,61 tỷ đồng, bằng 24,31% kế hoạch Quốc hội quyết định và bằng 30,89% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2018 đạt tỷ lệ tương ứng là 35,41% và 38,65%), trong đó một số bộ, ngành và địa phương giải ngân vốn nước ngoài cao như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Chính sách xã hội, TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, cũng có một số bộ, ngành và địa phương giải ngân thấp như Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình…
Kết quả giải ngân vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm có sự chênh lệch rất lớn giữa các bộ, ngành và địa phương, có nơi đạt tỷ lệ giải ngân cao nhưng cũng có nơi tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí một số bộ, ngành và địa phương chưa phân bổ được hết kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 cho các dự án.
Nguyên nhân chủ yếu là do có sự khác biệt trong công tác đấu thầu giữa thủ tục trong nước và nhà tài trợ, giải phóng mặt bằng còn chậm, năng lực ban quản lý một số dự án còn hạn chế, vốn đối ứng không đáp ứng đủ nhu cầu, công tác xây dựng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài chưa được các bộ, ngành và địa phương quan tâm, xây dựng kế hoạch không sát với khả năng thực hiện….
Trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành và địa phương, căn cứ khoản 2 Điều 75 Luật Đầu tư công, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép: Điều chỉnh giảm 4.812,524 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 của 3 bộ và 7 địa phương do không phân bổ chi tiết cho các dự án. Điều chỉnh tăng 4.812,524 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 cho 3 bộ: Công an, Quốc phòng, Lao động-Thương binh và Xã hội và 27 địa phương để bố trí cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt và các dự án được bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 tại Nghị quyết số 784/NQ-UBTVQH14 ngày 11/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tờ trình của Chính phủ cho biết, tại văn bản số 102/UBTVQH14-TCNS ngày 26/4/2017 về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn còn lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu chưa phân bổ 9.015 tỷ đồng dự kiến để cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét số vốn này sau khi cơ cấu lại VDB.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 31/7/2019 phê duyệt “Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2019-2021”.
Trong Đề án tái cơ cấu này, ngân sách nhà nước sẽ không cấp vốn điều lệ cho VDB nhưng phải bố trí để thanh toán phần ngân sách nhà nước còn bố trí thiếu cho nhiệm vụ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của VDB đến ngày 31/12/2018.
Để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án cơ cấu lại Ngân hàng, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép phân bổ 9.015 tỷ đồng (vốn trong nước là 6.515 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 2.500 tỷ đồng) trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho VDB làm cơ sở bố trí kế hoạch vốn hằng năm để thanh toán phần ngân sách nhà nước còn bố trí thiếu cho nhiệm vụ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của VDB.
Thảo luận về nội dung trên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với tờ trình của Chính phủ; cho rằng, việc bổ sung kế hoạch cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 có tiến độ giải ngân tốt là hợp lý, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, tránh việc bị nhà tài trợ nước ngoài cắt giảm vốn, kết thúc Hiệp định khi chưa hoàn thành dự án, do đó nhất trí với đề xuất của Chính phủ và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất các thủ tục theo đúng quy định.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nhiều chương trình, dự án đã được ký kết từ giai đoạn trước nhưng vẫn chưa được bố trí đủ nguồn kế hoạch trong giai đoạn 2016-2020. Số vốn nước ngoài thuộc dự toán năm 2019 còn lại chưa giao cho các bộ, ngành và địa phương để phân bổ chi tiết cho các dự án còn lớn, do đó, đề nghị Chính phủ làm rõ hơn lý do cụ thể của việc chưa giao số vốn còn lại này, đồng thời rà soát kỹ lưỡng, bao quát hết các nhu cầu cần điều chỉnh, bổ sung trên thực tế để tránh tình trạng điều chỉnh nhiều lần, làm chậm tiến độ giải ngân.
Đối với việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho VDB, đa số ý kiến đề nghị giao Chính phủ rà soát, chịu trách nhiệm về việc quyết định phân bổ, giao vốn cho VDB, về tính chính xác của số liệu mà ngân sách nhà nước cần cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của VDB để thực hiện phân bổ vốn theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm đúng nguyên tắc cân đối được nguồn ngân sách trong năm 2020, quản lý, sử dụng vốn hiệu quả, đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Nguyễn Hoàng