UBTVQH xem xét dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường 

(Chinhphu.vn) – Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) được xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 25 của UBTVQH diễn ra vào sáng 12/7.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Tờ trình của Chính phủ về dự án Nghị quyết về Biểu thuế BVMT nêu rõ mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết là: Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách tài chính về BVMT và cơ cấu một bước nguồn thu NSNN. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân hạn chế dùng hàng hóa khi sử dụng gây tác hại đến môi trường; khuyến khích việc sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, khắc phục những hạn chế về mức thuế BVMT hiện hành của một số hàng hóa; phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT. Động viên hợp lý đóng góp của xã hội vào NSNN để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi cho BVMT.

Báo cáo thẩm tra Dự án Nghị quyết về Biểu thuế BVMT của Ủy ban Tài chính-Ngân sách (TCNS) cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi và mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết về thuế BVMT như Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, để bảo đảm tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT và làm căn cứ để UBTVQH xem xét thông qua Nghị quyết, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn một số nội dung là: Tác động đến hiệu quả của nền kinh tế nói chung và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người dân nói riêng và chỉ số giá tiêu dùng; công tác tuyên truyền, phản ứng của dư luận xã hội trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học và các đối tượng bị tác động; việc sử dụng nguồn tăng thu từ thuế BVMT cần được ưu tiên bố trí để xử lý, khắc phục hậu quả môi trường như thế nào.

Về hồ sơ Dự án, Ủy ban TCNS cho rằng, hồ sơ Dự án Nghị quyết đã bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết, Báo cáo đánh giá tác động, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, bản tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương.

Ủy ban TCNS cũng nêu lên những vấn đề cụ thể còn có ý kiến khác nhau liên quan đến điều chỉnh mức thuế đối với xăng, dầu, than đá; thời hạn hiệu lực của Nghị quyết...  

Theo đó, về điều chỉnh mức thuế đối với xăng, dầu: Đối với mặt hàng xăng, dự kiến điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng từ mức 3000 đồng/lít lên mức 4000 đồng/lít. Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc BVMT, khuyến khích sử dụng tiết kiệm và tiến tới sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%, dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4% và để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, đề nghị cân nhắc việc tăng thuế suất thuế BVMT đối với xăng.

Đối với mặt hàng dầu mazut: Dự kiến dầu mazut điều chỉnh tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít. Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, vì theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 thì nguồn nhiên liệu sử dụng sản xuất điện trong nước từ năm 2020 không còn dầu mazut. Các ngành công nghiệp như sản xuất kính, sứ... cũng phải thực hiện lộ trình chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu khác thay thế dầu mazut theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dầu mazut vẫn là đầu vào của một số ngành sản xuất hàng hóa, việc điều chỉnh tăng thuế suất ở mức trên 100%, tương đương mức tăng là 1.100 đồng/lít là cao, tác động đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. Do đó, đề nghị tăng thuế suất đối với dầu mazut ở mức thấp hơn.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

 

Đối với mặt hàng dầu hỏa: Dự kiến đề nghị tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.700 đồng/lít. Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, mức tăng thuế suất đối với mặt hàng dầu hỏa như Tờ trình của Chính phủ là quá cao và đột ngột, có thể gây ảnh hưởng nhất định đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân tại vùng sâu vùng xa chưa có điện.

Do đó, Bộ Tài chính đã báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh mức tăng mức thuế BVMT đối với dầu hỏa từ mức 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít. Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với phương án điều chỉnh này. Có ý kiến đề nghị tăng điều chỉnh tăng lên 1.500 đồng/lít. Có ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ đề nghị tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.

Về điều chỉnh mức thuế đối với than đá, theo Tờ trình của Chính phủ, dự kiến đề nghị tăng mức thuế đối với than antraxit từ mức 20.000 đồng/tấn lên mức 30.000 đồng/tấn; tăng mức thuế đối với than nâu, than mỡ và than đá khác từ mức 10.000 đồng/tấn lên mức 15.000 đồng/tấn. Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với mức tăng thuế BVMT đối với than như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng việc khai thác than còn thiếu hiệu quả, thất thoát lớn. Bên cạnh việc khai thác làm ô nhiễm nguồn nước, đất đai và hủy hoại môi trường rừng; trong quá trình sử dụng, than đá cũng là nguồn thải khói bụi độc hại và các chất thải rắn với mức độ gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn xăng, dầu.

Có ý kiến đề nghị tăng mức thuế đối với than antraxit từ mức 20.000 đồng/tấn lên mức 35.000 đồng/tấn vì mặt hàng này gây ô nhiễm cao hơn các loại than khác, trong khi mức tăng thuế lại thấp hơn. Có ý kiến khác đề nghị tăng mức thuế BVMT đối với than lên mức trần trong khung thuế BVMT là 50.000 đồng/tấn, vì đây là loại hàng hóa có tác động lớn nhất đến môi trường, nhiều nước trên thế giới đang dần hạn chế hoặc loại bỏ sử dụng sản phẩm này.

Về thời hạn hiệu lực của Nghị quyết, theo Báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết sau 45 ngày kể từ ngày ký, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng đầu năm tăng cao nhất trong nhiều năm qua (bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% và dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4%). Đồng thời, ngày 1/9, chuẩn bị vào năm học mới nhiều địa phương sẽ thực hiện lộ trình tăng mức học phí các cấp.

Do đó, để góp bảo đảm khả năng điều tiết giá cả hàng hóa vào cuối năm, đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát do Quốc hội đề ra và các tác động chính trị, xã hội khác, thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết cần được xem xét và cân nhắc cho phù hợp.

Sau khi nghe các báo cáo, thảo luận, phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ Tài Chính, các cơ quan hữu quan tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp, tiếp tục tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình UBTVQH xem xét, quyết định.

Nguyễn Hoàng

619 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2128
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 2128
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76243893