|
Ảnh: VGP |
Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến cho rằng Luật đã quy định rõ thẩm quyền của HĐND tỉnh trong việc xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, HĐND các cấp quyết định chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương quy định tại Điều 17 của dự thảo Luật.
Dự án nhóm B, nhóm C phân cấp cho UBND như quy định tại Khoản 8, Điều 17 là phù hợp. Bên cạnh đó, HĐND các cấp có thẩm quyền quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn của cấp mình bao gồm: Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, danh mục và mức vốn ngân sách địa phương bố trí cho từng dự án.
Một số ý kiến cho rằng, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương nên ngoài việc xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, đề nghị bổ sung thẩm quyền của HĐND trong việc quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm B và nhóm C. Có ý kiến đề nghị quy định HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, B; phân cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm C cho UBND. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách kiến nghị UBTVQH cho tiếp thu theo đa số ý kiến về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm B, C.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, nói về đầu tư thì phải xác định ai là người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Chúng ta cần phải thống nhất rằng, cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là cơ quan quyền lực, cơ quan dân cử. Ở địa phương cơ quan quyết định chủ trương đầu tư là HĐND còn UBND triển khai, chấp hành thực hiện. HĐND mỗi năm họp 2 kỳ, quyết định những dự án phát sinh giữa 2 kỳ họp thì phải trình HĐND. Mới đây, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết trong đó có quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND. Do đó, không nên giao cho Thường trực HĐND quyết định chủ trương đầu tư những dự án cấp bách, quan trọng liên quan đến địa phương. Thẩm quyền này phải thuộc về cơ quan quyền lực ở địa phương, đại diện cho nhân dân, cần thiết thì HĐND có thể họp 2, 3 kỳ hay tiến hành họp bất thường để quyết định vấn đề này.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, thẩm quyền quyết định dự án nhóm A, B, C của địa phương phải thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND.
Phân loại tiêu chí dự án cho phù hợp với tình hình thực tiễn
Thảo luận về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 và tại Hội nghị đại biểu chuyên trách cho rằng, Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định tại Điều 11 về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công…
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Hơn nữa, tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng như hiện nay là không phát sinh vướng mắc trong thực hiện (cho đến nay chỉ có 2 dự án trình Quốc hội). Do đó, đề nghị giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia như Luật hiện hành.
Chính phủ và một số ý kiến cho rằng, để bảo đảm phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đồng thời, bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ có được áp dụng phù hợp trong dài hạn, đề nghị điều chỉnh mức vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia tăng gấp 2 lần so với quy định hiện hành (20.000 tỷ đồng).
Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách kiến nghị UBTVQH, xem xét cho tiếp thu theo đa số và xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 về nội dung này theo 2 phương án. Phương án 1: Giữ nguyên tiêu chí tổng mức đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia và các dự án nhóm A, B, C. Phương án 2: Điều chỉnh mức vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia tăng gấp 2 lần so với quy định hiện hành (20.000 tỷ đồng) và điều chỉnh tăng tương ứng đối với dự án nhóm A, B, C.
* Cũng trong chiều nay, UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Dự kiến kỳ họp diễn ra trong 20 ngày, từ 20/5-14/6.
Lê Sơn