Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số bộ, ngành hữu quan.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đã thảo luận về những nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến mô hình, hệ thống giáo dục đại học; tự chủ đại học; phát triển hệ thống trường tư thục; quản lý nhà nước đối với các trường đại học...
Một số ý kiến đề nghị cần quy định rõ ràng, mạch lạc hơn mô hình, hệ thống cơ sở giáo dục đại học; phân biệt rõ khái niện đại học, trường đại học, học viện; làm rõ địa vị pháp lý của các loại hình, mô hình trường.
Đồng thời, quy định rõ nội dung, mức độ, lộ trình, thời gian, các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ phù hợp với điều kiện, năng lực của từng cơ sở giáo dục đại học ở từng loại hình, khu vực và gắn với đổi mới quản trị đại học. Tăng cường kiểm định, công khai chất lượng đào tạo và làm rõ các yêu cầu, nội dung, phương thức thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học.
Trong phát triển hệ thống trường tư thục, một số ý kiến đề nghị xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch nhằm khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học; có chính sách phù hợp để nâng cao số lượng và chất lượng các trường tư thục; quy định rõ trách nhiệm của nhà trường trong phát triển hệ thống đại học tư thục, tạo sự công bằng, bình đẳng giữa các trường công lập và tư thục.
Về quản lý nhà nước, một số ý kiến đề nghị xác định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước trong điều kiện thực hiện tự chủ các trường đại học và tách bạch giữa quản lý nhà nước và quản trị của cơ sở giáo dục đại học.
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc, trách nhiệm, dày công tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật và đến nay dự án Luật đã nhận được sự đồng thuận cao và UBTVQH cũng đồng thuận trình dự án Luật ra kỳ họp thứ 6 tới của Quốc hội để thông qua.
Đề cập đến các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị dự án Luật cần làm rõ hơn các loại hình cơ sở giáo dục do nhà nước quản lý đầu tư; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học; phân cấp và giao quyền tự chủ cho các trường đại học; vai trò của các Hội đồng trường; vấn đề học phí đại học; chất lượng đào tạo đại học; tiêu chuẩn giáo viên;...
“Sau phiên họp này, chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa đối với dự án Luật, sau đó xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và trình ra kỳ họp thứ 6 để xin ý kiến Quốc hội thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu./.
Nguyễn Hoàng