UBTVQH giám sát việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do 

(Chinhphu.vn) - Tại phiên họp thứ 49 diễn ra vào chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên".

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên", Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Phó Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA. Trong số 13 FTA đã ký kết, có 12 FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam thuộc phạm vi của chuyên đề giám sát, bao gồm 1 FTA thế hệ mới là Hiệp định CPTPP đã được Quốc hội phê chuẩn trong năm 2018; Hiệp định EVFTA có hiệu lực đối với Việt Nam từ 1/8/2020 không thuộc phạm vi giám sát của chuyên đề này.

Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các Châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế-thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.

Từ 1995 đến nay, Quốc hội đã thông qua 19 luật, bộ luật, nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 01 nghị quyết; Chính phủ đã ban hành 45 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 quyết định; Bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành 76 thông tư để thực hiện các FTA.

Riêng đối với CPTPP là FTA thế hệ mới, Chính phủ đã tiến hành rà soát pháp luật và đề xuất sửa đổi, bổ sung 12 văn bản bao gồm: 8 luật, 3 nghị định, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị ban hành mới là 5 VBQPPL bao gồm: 4 nghị định và 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP, có 15 nhóm cam kết được quy định áp dụng trực tiếp và 7 luật được sửa đổi, bổ sung theo lộ trình cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.

“Các FTA mà Việt Nam là thành viên có độ phủ rộng 60 nền kinh tế với tổng GDP khoảng 90% GDP toàn thế giới. Qua 25 năm, việc tham gia và thực thi các FTA đã tác động nước ta hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá cao, mở rộng xuất nhập khẩu, thu hút nguồn vốn FDI, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp, tạo việc làm mới, tăng thu ngân sách, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân”, ông Nguyễn Văn Giàu phát biểu.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu, việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo những rủi ro và thách thức, nhất là năng lực cạnh tranh để tác động tăng trưởng kinh tế, có thể rủi ro đối với doanh nghiệp trong nước; thách thức về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như lao động, công đoàn, môi trường.

Về nguyên nhân khách quan, Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang phát triển, còn hạn chế về năng lực cạnh tranh. Xu hướng các nước đối tác, nhất là các nền kinh tế phát triển, ngày càng lồng ghép các điều khoản có “tiêu chuẩn cao” trong các FTA...

Về chủ quan, mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn về việc thực hiện các nội dung cam kết của FTA, nhưng do hạn chế về nguồn lực và thiếu sự quan tâm thích đáng, các hoạt động này chưa bao phủ hoàn toàn các nhóm đối tượng liên quan đến việc thực hiện các FTA. Một số cơ quan, tổ chức, địa phương chưa coi trọng việc xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các cam kết trong các FTA. Sự kết nối và phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình thực thi các FTA còn chưa thực sự chặt chẽ...

Từ những kết quả đã đạt được, những thách thức đặt ra trong quá trình thực thi FTA, Đoàn giám sát đã đề xuất một số kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành...

Cụ thể, đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là: Thực hiện quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xem xét, phê chuẩn các FTA; tham gia từ công tác chuẩn bị và quá trình đàm phán ký kết các FTA, bảo đảm những FTA song phương và đa phương có nội dung quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 và khoản 1 Điều 29 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 phải được trình Quốc hội phê chuẩn; tăng cường giám sát công tác tổ chức thực hiện, kết quả, tác động của việc thực hiện các FTA, nhằm khai thác các lợi thế của FTA mang lại, cũng như hạn chế rủi ro, đảm bảo sự thành công, hiệu quả.

 

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Đối với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết FTA theo lộ trình đã cam kết, việc sửa đổi, bổ sung các VBQPPL hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp và người dân.

Tiếp tục thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố và phát triển các thị trường theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành: để tận dụng tối đa những lợi ích từ các FTA, cần tiến hành đánh giá mức độ cạnh tranh của các ngành để trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh cho những ngành có lợi thế cạnh tranh và định hướng điều chỉnh sản xuất cho các các ngành, doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh. Cần có chính sách thúc đẩy nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong tất cả các ngành của nền kinh tế thông qua tiếp cận công nghệ nguồn tốt hơn.

Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm. Tăng cường thúc đẩy hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi đoàn các cấp, diễn đàn doanh nghiệp hai bên giữa Việt Nam với các nước đối tác trong các FTA nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thông tin và khai thác cơ hội từ các thị trường này tốt hơn.

Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia để từ đó thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu môi trường trong nước và nâng cao sức cạnh tranh, uy tín doanh nghiệp khi tham gia hội nhập quốc tế.

Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo cơ chế một cửa nhằm cải cách công tác cấp các loại giấy phép liên quan cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp giấy phép, giảm chi phí xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa.

Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo để hỗ trợ cho quá trình đổi mới công nghệ quốc gia.

 Các cơ quan thực thi của Chính phủ thường xuyên tham vấn với các Hiệp hội, VCCI để nắm bắt các khó khăn, xử lý kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp. Chính phủ cần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm, giới thiệu hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường đối tác FTA.

Nguyễn Hoàng

282 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 987
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 987
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87179270