UBTVQH cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 

(Chinhphu.vn) – Tại phiên họp thứ 24 diễn ra vào chiều 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Tờ trình về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho thấy, năm 2016, công tác quản lý, kiểm soát NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và Nghị quyết của Quốc hội. Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, điều hành dự toán NSNN từng bước có hiệu quả và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Tờ trình cũng chỉ rõ, tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng; Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định; việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ quyết toán NSNN năm 2016 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy, việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa năm 2016 chưa thực sự hiệu quả; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, chủ yếu tăng thu từ tài nguyên và đất đai; việc chậm cải cách chính sách thu cùng với giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện dẫn đến năm 2016 có 12 địa phương hụt thu cân đối khoảng 5.300 tỷ đồng.

Việc giao dự toán cho một số địa phương vượt quá khả năng thực hiện và hụt thu ngân sách Trung ương vẫn tiếp diễn trong năm ngân sách 2017. Việc cơ cấu lại chi ngân sách chậm nên tỷ trọng chi thường xuyên/tổng chi NSNN có xu hướng tăng (chi thường xuyên năm 2015 chiếm 62,3% tổng chi NSNN nhưng năm 2016 tăng lên mức 63,3%).

Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ, đây chính là hệ quả của việc chậm triển khai sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; kết quả kiểm toán tại 13 bộ, ngành và 47 địa phương cho thấy việc tinh giản biên chế chưa được triển khai có hiệu quả, trong khi đó giao biên chế công chức vượt số Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế; sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người...

Bên cạnh đó, hoàn thuế GTGT không đầy đủ, kịp thời, giao dự toán thu không sát, phân bổ, giao dự toán chi chưa đúng quy định, chi chuyển nguồn lớn… Một số nhiệm vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 chưa được đánh giá đầy đủ trong Báo cáo quyết toán NSNN năm 2016.

Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ, qua quyết toán thu NSNN năm 2016 còn hạn chế về: Chất lượng công tác dự báo; việc tính toán các yếu tố phát sinh ảnh hưởng tới nguồn thu trong năm chưa đảm bảo dẫn đến việc lập và giao dự toán thu chưa sát thực tế; một số khoản thu thực hiện vượt dự toán lớn song cũng có những khoản thu không đạt dự toán gây bị động trong điều hành ngân sách của cả Trung ương và địa phương.

Tổng thu NSNN năm 2016 vượt dự toán nhưng chủ yếu là tăng thu từ đất, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của các DNNN; trong đó chủ yếu tăng thu của NSĐP, còn NSTW thì hụt thu cân đối. Việc xác định và hoàn thuế GTGT chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế và làm cho việc xử lý hụt thu NSTW không phù hợp, tăng thêm bội chi NSNN. Công tác quản lý thu còn hạn chế nhất định, vẫn xảy ra tình trạng trốn thuế, thất thu ngân sách, nợ đọng thuế lớn.

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý thu tập trung thực hiện triệt để các giải pháp chống thất thu thuế, chống chuyển giá, đôn đốc thu hồi nợ đọng; thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế phát sinh; đồng thời, đề xuất giải pháp khoanh nợ, xóa nợ thuế không còn khả năng thu hồi, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về chi NSNN, bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo thẩm tra chỉ rõ những tồn tại, việc lập và giao dự toán chi đối với một số khoản chi chưa sát thực tế; vẫn còn tình trạng giao dự toán chậm; giao dự toán chi đầu tư phát triển chưa đúng đối tượng, chưa tuân thủ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.

Tổng chi NSNN vượt dự toán song một số nhiệm vụ chi quan trọng, đảm bảo cho phát triển bền vững lại không đạt dự toán như chi sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 91%, chi sự nghiệp y tế đạt 97,6%; tình trạng chi sai chế độ, sử dụng sai nguồn kinh phí ở các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư và cả trong điều hành ngân sách vẫn tái diễn.

Về quyết toán NSNN năm 2016, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016 như sau: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP (không bao gồm 81.852 tỷ đồng kết dư ngân sách địa phương)

Nguyễn Hoàng

338 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1008
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1008
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76391846