UBTVQH bàn luận quy định ‘xoá tư cách chức vụ đã đảm nhận’ 

(Chinhphu.vn) – Sáng nay (17/4), tiếp tục Phiên họp thứ 33, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục cho ý kiến về Luật Cán bộ, công chức sửa đổi và Luật Viên chức sửa đổi.
 

 

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành Phiên họp.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc sửa đổi hai dự án luật này.

Theo Chính phủ, một trong những quy định được sửa đổi, bổ sung đối với Luật Cán bộ, công chức lần này là không quy định đối tượng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập là công chức (trừ đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và quản lý Nhà nước đã được Chính phủ quy định rõ), chế độ thi nâng ngạch và chuyển ngạch đối với công chức và viên chức, chế độ hợp đồng làm việc có thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới (viên chức sau hai lần ký hợp đồng có thời hạn thì sẽ được ký hợp động không xác định thời hạn), nâng thời hiệu về thời gian kỷ luật đối với công chức và viên chức sau khi đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu (từ 2 năm lên 5 năm), chính sách đối với người có tài năng…

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung mà Tờ trình của Chính phủ đã báo cáo UBTVQH. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ một số vấn đề, mục tiêu cụ thể đối với một số nội dung mà Chính phủ sẽ quy định chi tiết ở các Nghị định hướng dẫn thi hành.

Thu hút nhân tài: “Người tài tìm mình”, chưa có “mình tìm người tài”

Thảo luận về vấn đề thu hút nhân tài, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, cần thay đổi cách tư duy, tiếp cận đối với người tài của ta hiện nay. Nhiều người nói ở ta “người tài săn lùng chúng ta (cơ quan Nhà nước), còn những nơi khác thì cơ quan hoặc tổ chức đi săn lùng người tài”. Ông cho rằng, chúng ta cần chủ động tìm nhân tài chứ đừng để người tài đi tìm chúng ta vì họ có tài năng nên tự trọng và ngại thủ tục nhiêu khê

“Thu hút nhân tài là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhưng vấn đề là có chính sách thu hút người tài, có cơ chế chính sách cần thiết để phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài như thế nào?”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề cập.

Theo Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, việc phát hiện người tài còn yếu, chủ yếu là người tài lên nộp hồ sơ là chính, ít có chuyện đi tìm và phát hiện người tài hầu như không có. “Ngay như anh Phúc (Tổng Thư ký Quốc hội) có đi tìm và phát hiện nhân tài được đâu. Đa số là hồ sơ được trình lên và xem xét mà thôi”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển viện dẫn.

Bây giờ có thực trạng người tài không muốn làm công chức, viên chức vì lương thấp, bèo bọt, nếu có về làm thì để họ nuôi ước mơ mà thôi, còn thu nhập của họ là từ chỗ khác.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần phân biệt giữa nhân tài trong quản lý hành chính Nhà nước và nhân tài làm việc trong các cơ quan nghiên cứu khoa học, nghệ thuật để dễ có chính sách cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị được giao quyền tự chủ trong việc thu hút, trọng dụng và trả lương cho nhân tài trong khả năng và nguồn của đơn vị đó, nhất là với đơn vị sự nghiệp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần có quy định về khái niệm người tài là như thế nào? Phải giao cho một cơ quan làm đầu mối trong việc phát hiện và thu hút nhân tài. “Trước đây, ở Quảng Ninh cũng có giao cho một phòng của một cơ quan làm công việc phát hiện và thu hút nhân tài nhưng không biết lâu nay làm đến đâu, thu hút thế nào?”, ông Thanh nói.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nhìn nhận, năng lực của một người gồm 3 yếu tố: Tố chất, học tập và kinh nghiệm. Để đánh giá phải có môi trường, thế mạnh và yếu tố thúc đẩy để họ phát huy người tài. Cấp đánh giá người tài là ai? Nếu thủ trưởng cơ quan là người đánh giá thì ai sẽ đánh giá thủ trưởng đó và nhận xét của thủ trưởng đó với người tài?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

Băn khoăn quy định “xoá tư cách chức vụ đã đảm nhận”

Về việc kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải băn khoăn và đề nghị làm rõ khái niệm “xoá tư cách chức danh đã đảm nhiệm” của cán bộ công chức có vi phạm trong thời gian đảm nhận cương vị đó.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tán thành việc xoá “tư cách chức danh” đối với lãnh đạo vi phạm bị kỷ luật nhưng không xoá “tư cách pháp lý” mà người đó từng đảm nhiệm, vì có nhiều người ký nhiều hiệp định với nước ngoài, nếu không làm vậy sẽ “rối” cho chúng ta trong việc quản lý hiện nay.

Phân tích về quy định “xoá tư cách chức vụ đã đảm nhận”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ rõ, đối với người nghỉ hưu bị kỷ luật, qua rà soát cho thấy pháp luật hình sự, hành chính và dân sự đã có quy định rõ về việc xử lý rõ ràng. Tuy nhiên, kỷ luật mới là pháp lý, chính trị và đạo đức vì chịu áp lực của cử tri và xã hội.

Đồng tình với chủ trương của Chính phủ nhưng bà Nga đề nghị làm rõ hơn nữa việc “xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”. “Chúng ta chỉ có thể xoá cái đang tồn tại, hiện hữu, không thể xóa cái không còn nữa. Do đó, phải tìm một từ gì và nội dung ra sao chứ không thể xoá cái không còn nữa”, bà Nga băn khoăn.

Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị nên quy định theo hướng, sẽ xoá quyền lợi đang được hưởng từ các chức vụ ấy mang lại. Ví dụ nếu xoá tư cách bộ trưởng của ông A trong thời gian đã làm, thì các văn bản ông này đã ký nếu không bị pháp luật bác bỏ thì vẫn còn hiệu lực. Chỉ xoá quyền lợi bắt nguồn từ chức vụ đó mà khi về hưu người này được hưởng.

Về Dự thảo các quy định đối với người có tài năng, bà Nga cho rằng, có định lượng cụ thể để xác định người có tài năng là người như thế nào trong các quy định hiện hành.

Tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Hai luật lần này được sửa đổi theo các quy định của Đảng và mang tính chất dài hơi. Đối với những vấn đề chưa đưa vào quy định của luật và nhằm giải quyết những bất cập thì giao Chính phủ quy định chi tiết.

Vấn đề kỷ luật đối với người nghỉ hưu hoặc nghỉ việc, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Việc đưa thời hiệu xử lý 5 năm được lấy theo quy định thấp nhất của Đảng. Còn nếu cảnh cáo, cách chức thì các quy định của Đảng xác định thời hiệu xử lý đến 10 năm.

Việc quy định “xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giải thích, chúng ta chỉ xoá tư cách thời điểm chức vụ mà cán bộ đó đảm nhận nhiệm vụ gây ra sai phạm. Ví dụ, khi một người làm Chủ tịch tỉnh sai phạm thì xoá tư cách Chủ tịch thời điểm này. Còn trước hoặc sau đó, người này làm việc khác mà không vi phạm thì chức vụ đó không bị xoá. Đối với những quyền lợi của người bị kỷ luật do chức vụ đó đem lại sau khi nghỉ hưu cũng bị xử lý như “xoá tư cách đã đảm nhiệm”.

Lê Sơn

370 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1359
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1359
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76199472