Tại kế hoạch đã đưa ra các mục tiêu cụ thể để triển khai Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 như sau: Đảm bảo 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương đều tổ chức phổ biến, thông tin rộng rãi các văn bản quy phạm pháp luật trước và sau khi được ban hành liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao với nội dung và hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật. Phấn đấu từ 90%-95% các chương trình đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc cho cán bộ, công chức, viên chức có nội dung phổ biến, cập nhật thông tin về chính sách pháp luật mới ban hành được tổ chức định kỳ hàng năm theo quy định của pháp luật. Phấn đấu hàng năm có từ 80% trở lên báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giảng viên dạy môn pháp luật được cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần thiết để tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật theo yêu cầu nhiệm vụ. Phấn đấu 100% các nhà trường đều triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa, có giáo viên, giảng viên dạy môn giáo dục công dân và môn pháp luật theo quy định. Phấn đấu 70% - 90% đối tượng đặc thù được phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên biệt theo quy định của pháp luật. Khuyến khích, huy động các tổ chức tư vấn pháp luật, tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý thực hiện tư vấn, hướng dẫn, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật miễn phí cho nhân dân; khuyến khích các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan báo chí xây dựng, duy trì chương trình, chuyên trang, chuyên mục về pháp luật; phấn đấu hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị đều lồng ghép, kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động chuyên môn, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hành chính, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Để thực hiện các mục tiêu này, tại kế hoạch cũng đưa ra các nội dung cần thực hiện như: Tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Chương trình; xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình. Rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật và các Kế hoạch tiếp tục thực hiện các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành. Khảo sát, đánh giá nhu cầu thông tin pháp luật để lựa chọn trọng tâm, trọng điểm; kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình. Bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí để triển khai thực hiện Chương trình và các Đề án, kế hoạch thuộc Chương trình.
Theo đó, Sở Tư pháp sẽ là đầu mối tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1163/QĐ-BTP của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai các nhiệm vụ được nêu trong kế hoạch. Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Hải Yến