Chiến thắng 2-1 trước "Những chú hổ Mã Lai" chính thức đưa thầy trò huấn luyện viên Troussier vượt qua vòng đấu bảng SEA Games 32 với thành tích giành 9 điểm tuyệt đối sau 3 lượt trận (hiệu số +5). Vì vậy trên lý thuyết, trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Thái Lan ở lượt trận cuối bảng B diễn ra vào ngày 11/5 sắp tới chỉ còn mang ý nghĩa xác định ngôi đầu.
Tính chất "sinh tử" của trận đấu không còn nhiều khi hai đội cùng dắt tay nhau vào bán kết. Tuy nhiên, việc tránh Indonesia ở bán kết sẽ nằm trong toan tính của cả U22 Việt Nam và U22 Thái Lan bởi U22 Indonesia được đánh giá là đối thủ "khó nhằn" hơn nhiều so với đội còn lại của bảng A. Ngoài ra, yếu tố “kình địch” giữa hai nền bóng đá Việt-Thái cũng hứa hẹn "thổi lửa" vào màn đấu trí căng thẳng giữa hai huấn luyện viên.
Nhìn lại hành trình tại vòng bảng SEA Games 32 của U22 Việt Nam, chuyên gia Phan Anh Tú đánh giá cao tính kỷ luật chiến thuật và tinh thần quyết tâm mà tân huấn luyện viên Philippe Troussier đã "thổi" vào lối chơi của toàn đội.
"U22 Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Troussier đã có một khởi đầu tương đối 'bi quan' với chuỗi 5 trận không thắng trong các cuộc giao hữu. Tuy nhiên khi bước vào SEA Games 32, U22 Việt Nam đã có 'lột xác' ấn tượng, trở thành một đội bóng giàu tính kỷ luật, có tổ chức tốt, có ý thức tuân thủ đấu pháp chiến thuật cao, điều được thể hiện qua từng trận thắng với cấp độ khó tăng dần. Với mọi đội bóng trong quá trình chuyển giao và làm quen với một chiến thuật mới, không thể tránh khỏi một số trục trặc và những lỗi cá nhân, tuy nhiên tính kỷ luật và tinh thần thi đấu quyết tâm đã giúp các cầu thủ tạo được những mảng miếng chiến thuật phù hợp, từ đó phối hợp và tạo ra các tình huống ăn bàn rõ rệt," chuyên gia Phan Anh Tú nhận định.
[HLV Troussier khẳng định 'không muốn chọn đối thủ ở bán kết']
Cũng theo chuyên gia Phan Anh Tú, tính kỷ luật cao trong lối chơi của Đội tuyển U22 Việt Nam có thể là yếu tố "khắc chế" đối thủ U22 Thái Lan trong trận đấu tới, khi "Voi chiến" là đội bóng thể hiện lối chơi đậm chất kỹ thuật và có tính cảm hứng cao trong các pha phối hợp.
"Hành trình vào bán kết của U22 Thái Lan khép lại với những dấu ấn của một lối đá trơn tru. Huấn luyện viên Issara Sritaro sở hữu một đội hình đồng đều về kỹ thuật, các cầu thủ có khả năng điều tiết nhịp độ trận đấu rất tốt cùng với kinh nghiệm thi đấu dạn dày. Người Thái rất mạnh trong những pha phối hợp nhỏ, đánh trực diện vào hàng thủ đối phương. Đây sẽ là thử thách lớn cho bộ đôi trung vệ của U22 Việt Nam, những người đã mắc một số lỗi trong trận đấu với U22 Malaysia."
Tương tự U22 Việt Nam, U22 Thái Lan lựa chọn lối đá kiểm soát bóng. Nếu như U22 Việt Nam sở hữu chuỗi 21 đường chuyền liên tục trong trận gặp U22 Singapore, thì ở phút 49 trong trận gặp U22 Lào mới đây, U22 Thái Lan đã có chuỗi kiểm soát bóng ấn tượng với 50 đường chuyền liên tiếp, Teerasak Poeiphimai là điểm chạm cuối cùng khi tiền đạo này hoàn tất cú đúp để nâng tỷ số lên 4-0. "Voi chiến" đã kiểm soát trái bóng đến gần 2 phút đồng hồ trước khi Teerasak điền tên lên bảng tỷ số. Đáng chú ý, "dự bị hạng sang" cho Teerasak là Yotsakor Burapha cũng đã có được 3 bàn thắng tại SEA Games năm nay - con số thể hiện chiều sâu đội hình của U22 Thái Lan.
"Đối mặt với một đội bóng chơi 'đủng đỉnh' và mang nhiều cảm hứng nghệ sỹ như U22 Thái Lan, những miếng đánh phản công nhanh có thể là chìa khóa để giải quyết trận đấu. Hàng tiền vệ với những 'nghệ sỹ' chuyền bóng như Chanarong hay Airfan Doloh có thể sẽ không kịp lùi về hỗ trợ phòng ngự khi để mất bóng, khiến Thái Lan đối mặt với nguy cơ dính những đòn phản công," nguyên Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam nhận định.
U22 Thái Lan là đội bóng có tính cảm hứng cao trong lối chơi, tuy nhiên tuyến tiền vệ có thể không kịp lùi về hỗ trợ phòng ngự khi để mất bóng. (Ảnh nguồn: AFP)
Trước thềm trận đấu phân định ngôi đầu bảng, huấn luyện viên Issara Sritaro của U22 Thái Lan liên tiếp phải nhận những tin tức kém vui: Ngôi sao vừa từ nước ngoài trở về là Jonathan Khemdee đang bị ốm và khả năng trung vệ cao 1m91 này ra sân trong trận gặp U22 Việt Nam khá thấp. Tiếp đến, cơ hội ra sân của trung vệ đội trưởng Bukkoree Lemdee đang bị bỏ ngỏ, khi cầu thủ này dính chấn thương đầu sau pha va chạm với thủ môn đối phương ở trận thắng U22 Lào 4-1 ngày 7/5 vừa qua. Một trường hợp khác cũng trong "danh sách chờ" của U22 Thái Lan là Purachet Thodsanit, khi cầu thủ chạy cánh này bị chuột rút cả 2 chân trong trận đấu với U22 Lào.
Chia sẻ trước cuộc đấu với U22 Việt Nam, huấn luyện viên Issara Sritaro cho biết toàn đội muốn thắng để giữ ngôi đầu bảng B, song ông cũng nhấn mạnh việc U22 Thái Lan cần giữ sức cho các cầu thủ để chuẩn bị cho loạt đấu bán kết. Phải chăng đây là một đòn gió của vị chiến lược gia 43 tuổi nhằm "tung hỏa mù" trước thềm màn so kè đẳng cấp giữa hai đội bóng hàng đầu Đông Nam Á?
Cùng chia sẻ vị trí đầu bảng, U22 Thái Lan đương nhiên là thử thách "khó nhằn" nhất ở hành trình vòng bảng của "Binh đoàn Rồng Vàng." Tuy nhiên với một lối chơi kỷ luật và khoa học được thể hiện trong 3 trận đấu đầu tiên, thầy trò "Phù thủy Trắng" Philippe Troussier có cơ sở để tự tin khắc chế những điểm mạnh của U22 Thái Lan, qua đó nối dài chuỗi thành tích tốt trước đối thủ và hướng đến ngôi đầu bảng để có một hành trình thuận lợi tại SEA Games 32./.
Việt Anh (Vietnam+)