Từ quá khứ, Việt Nam không thiếu những lò bóng đá trẻ giàu chất lượng. Nhưng cùng sự xuống dốc của V-League cũng như các đội tuyển quốc gia, trong một thời gian dài, việc ươm mầm cho giới trẻ có vẻ như bị sao nhãng. Tư duy ăn xổi cùng việc nhập khẩu ồ ạt các cầu thủ ngoại là một nguyên nhân. Nhưng quan trọng hơn, các vấn đề về tài chính cũng như định hướng quy mô bóng đá trẻ đã trở thành lực cản không nhỏ đối với các địa phương cũng như cả VFF.

 

Trong vài năm trở lại đây, việc đầu tư cho thế hệ trẻ mới bắt đầu khởi sắc và gây được sự chú ý. Bắt đầu từ sự kết hợp đình đám giữa Hoàng Anh Gia Lai và Arsenal, một lò luyện chuyên nghiệp đúng nghĩa đã ra đời. Ngay từ những lứa đầu tiên, đội bóng phố Núi đã tạo ra một cơn sốt với những cái tên như Công Phương, Tuấn Anh, Văn Toàn... Tiếp theo đó, bóng đá trẻ Việt Nam bắt đầu tỏ rõ tiềm năng đáng nể khi cho ra lò một loạt những tên tuổi tỏa sáng từ cả nước. Không chỉ còn Hoàng Anh Gia Lai nữa, Hà Nội, Nghệ An, Bình Dương, Khánh Hòa, Viettel và PVF đã có những đầu tư nhảy vọt để xây dựng một nền tảng chắc chắn, thay vì tư duy xây nhà từ nóc. Ở phương diện nào đó, chiến tích của U15 Việt Nam tại Thái Lan chính là thành quả của một quá trình tích lũy và tạo dựng bài bản của bóng đá trẻ. Không có gì tự nhiên mà đến cả. Bên cạnh nỗ lực, mồ hôi và nước mắt, về tổng thể, thành công của các cầu thủ trẻ còn cho thấy tính định hướng chuyên nghiệp và nhận thức nhà nghề trong việc đào tạo thế hệ kế cận.

Trước khi giành chiến thắng trên chấm luân lưu trong trận chung kết với Thái Lan, đội bóng của HLV Vũ Hồng Việt đã đánh bại U15 Australia ở bán kết, đồng thời giữ kỷ lục toàn thắng trong suốt vòng bảng. Tiềm năng to lớn của những cầu thủ còn chập chững trước cánh cửa bóng đá chuyên nghiệp là có thật, chứ không phải may mắn. Chúng ta đã chứng kiến những trận đấu mà U15 Việt Nam thi đấu sòng phẳng và vượt qua những đối thủ có thể hình vượt trội, có kỹ năng chơi bóng rất bài bản. Ở trận chung kết, các cầu thủ trẻ của nước nhà thậm chí khiến nhiều người ngạc nhiên khi bình thản vượt qua sức ép rất lớn trên sân đối phương – điều ngay cả những đàn anh của họ cũng chưa chắc đã làm được. Người hâm mộ nước nhà có quyền tự hào về điều đó. Hy vọng về điều đó. Và các cầu thủ cũng xứng đáng có thêm nhiều cơ hội để tiếp tục thể hiện bản thân.

Không có chiến tích nào mà chiến binh chỉ trải bước trên hoa hồng. Chỉ một năm trước thôi, bóng đá Việt Nam đã nhận thất bại cay đắng khi đội tuyển U16 gục ngã trước Australia ở trận chung kết giải Đông Nam Á. Tuy vậy, những cố gắng không ngừng nghỉ từ các đội tuyển trẻ đã mang lại quả ngọt cho fan hâm mộ nước nhà, cũng như khiến giới chuyên môn quốc tế phải để mắt đến. Tái ngộ tại VCK U16 châu Á, Việt Nam đánh bại lại người Úc để vào tứ kết. Không lâu sau, tới lượt U19 nước ta hạ Bahrain ở bán kết giải vô địch châu Á để giành vé dự FIFA U20 World Cup. Đó thực sự là những thành công ngoài mong đợi. Nó cho thấy niềm tin về sự phát triển bóng đá trẻ là hoàn toàn đúng đắn. Cũng như việc xây dựng một lực lượng có chất lượng để chống lưng cho U23 hay cả tuyển Quốc gia là nhiệm vụ tối quan trọng với những người làm bóng đá.

Chiếc Cúp trên xứ Chùa Vàng sẽ là một động lực lớn mang đến sự tự tin cho thầy trò Vũ Hồng Việt trong thời gian tới. Và cuối năm nay, giải vô địch châu Á sẽ là nơi kiểm chứng tài năng thực sự của bóng đá trẻ nước nhà. Khi ấy, chúng ta không chỉ đối mặt với Thái Lan hay Australia, mà còn là những đối thủ tầm cỡ của châu lục. Thử thách vẫn còn rất nhiều ở phía trước, nhưng dù thế nào đi nữa, U15 Việt Nam cũng đã thành công trong việc góp phần cụ thể hóa giấc mơ bóng đá trẻ của chúng ta. Người hâm mộ chắc chắn sẽ vững tin vào điều đó, như họ đã từng tin vào các cầu thủ con cưng của U16, U19, hay U23 trong suốt nhiều năm qua./.

 

HC