Tỷ nợ xấu vay đóng tàu theo Nghị định 67 là 33% 

(Chinhphu.vn) – Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về chủ trương cho vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, khi nhiều tàu vỏ thép đang nằm bờ, nợ xấu cao, ngư dân bỏ cuộc.

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo động lực cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, nhiều tàu vỏ thép dừng hoạt động, nhiều tàu không bảo dưỡng, không đăng kiểm trở lại khi đến hạn, nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng. Đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân của tình trạng, đề nghị Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng nêu rõ giải pháp nào để các ngân hàng thu được nợ, tránh trục lợi chính sách.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay hiện nay tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 khoảng 10.500 tỷ đồng và nợ xấu hiện nay là 33%. 

Từ cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động báo cáo Thủ tướng có chỉ đạo các bộ, ngành, cùng với các địa phương liên quan để triển khai các biện pháp.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thẩm quyền của mình tiến hành các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước và nợ lãi sau, thực hiện cơ chế hỗ trợ để chuyển đổi chủ tàu.

Tuy nhiên, trước những diễn biến tình hình nợ xấu còn tiếp tục phát sinh, cuối tháng 10/2019, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các bộ, ngành, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tới đây sẽ phải tham mưu cho Chính phủ để phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá gắn với nguồn lợi thủy sản, các nhóm nghề và ngư trường khai thác, hướng dẫn ngư dân và các địa phương để tổ chức lại sản xuất, hoạt động khai thác một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng đã có từ cuối năm 2018. Trong đó, tập trung phối hợp với ngành ngân hàng để rà soát các trường hợp. Những trường hợp bất khả kháng thì tiếp tục hỗ trợ để cùng với ngành ngân hàng cơ cấu lại nợ. Những trường hợp khác có biểu hiện ỷ lại, chây ỳ thì cũng phối hợp với ngành ngân hàng để tiến hành thu hồi nợ.

“Đối với ngành ngân hàng, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu. Đặc biệt, có các giải pháp để xử lý chênh lệch giữa giá trị thực tế của tàu được định giá lại và dư nợ của chủ tàu cũ ở thời điểm bàn giao. Hướng dẫn bổ sung các giải pháp để hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận lại toàn bộ khoản nợ vay, bao gồm cả nợ quá hạn và nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Các giải pháp này đòi hỏi các bộ, ngành, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố và ngành ngân hàng sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới để triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu./.

 

                                                                                 Nguyễn Hoàng

300 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1333
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1333
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88989582