Thứ nhất, cần tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về mục tiêu giảm nghèo bền vững được nêu trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận,… của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn”, Chỉ thị số 05- CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Nghị quyết số 160/NQ-CP, ngày 22/12/2021 của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, Quyết định số 90/QĐ-TTg, ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, ngày 19/4/2022 của Chính phủ về quy định cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia,…Tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giảm nghèo bền vững đến năm 2030, đó là hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; giải quyết đất sản xuất, đất ở phù hợp, tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ các huyện nghèo, xã nghèo, vận động hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo. Huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, tích cực vận động doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục hỗ trợ, đóng góp nguồn lực; huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững,…tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập và hỗ trợ tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn; tăng nguồn vốn chính sách; tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động, chính sách trợ giúp pháp lý; ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích hợp các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương giai đoạn 2021-2030.
Thứ hai, cần làm rõ những thành tựu nổi bật, kết quả trong công tác giảm nghèo bền vững như: Các chương trình, chính sách, cơ chế, pháp luật về giảm nghèo được Chính phủ ban hành, triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương đã tạo sự thống nhất trong hành động, sự đồng thuận trong xã hội; địa bàn khó khăn, vùng biên giới, hải đảo được đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo; thu nhập của người nghèo được nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện; đặc biệt nhận thức của người nghèo, hộ nghèo đã dần thay đổi, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của cộng đồng và Nhà nước. Tuyên truyền Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là một trong những quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Đồng thời phân tích, chỉ rõ những hạn chế của công tác giảm nghèo, như một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quyết liệt triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, còn nguy cơ tái nghèo; chênh lệnh mức sống giữa các vùng, miền, khu vực chưa thu hẹp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đời sống của người dân còn khó khăn.
Thứ ba, thông tin những vấn đề thời sự trong nước và quốc tế; kiến thức khoa học - kỹ thuật phục vụ đời sống dân sinh, nhất là những kiến thức giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi mô hình kinh tế.
Thứ tư, cần tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau”; mô hình, sáng kiến giảm nghèo hiệu quả; biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo, những tấm gương vượt khó vươn lên thoát nghèo.
Thông qua tuyên truyền, khơi dậy ý chí chủ động, nỗ lực vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo; đồng thời huy động các nguồn lực trong xã hội chung tay hỗ trợ, chia sẻ với những hộ nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang ven biển, nơi biên giới, hải đảo,… góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Lệ Thu