Đồng thời, khuyến khích liên kết các hợp tác xã có quy mô nhỏ thành các hợp tác xã quy mô lớn hoặc Liên hiệp hợp tác xã theo ngành nghề. Củng cố nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, mở rộng quy mô hoạt động, đổi mới công nghệ, tập trung phát triển các sản phẩm mặt hàng, ngành nghề truyền thống có thế mạnh.
Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã trong các lĩnh vực như hợp tác xã dịch vụ đời sống, hợp tác xã du lịch, hợp tác xã vệ sinh môi trường… nhằm đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng, cải thiện các điều kiện về văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh Tuyên Quang còn quyết định hỗ trợ hơn 27,7 tỷ đồng cho các hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản; trong đó, hơn 13,7 tỷ đồng hỗ trợ lãi xuất tiền vay vốn để các hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản tổ chức sản xuất hàng hóa; 8 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa; hơn 5,3 tỷ đồng hỗ trợ các hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản tổ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Tỉnh phấn đấu đến năm 2022, sẽ thành lập mới 200 – 250 tổ hợp tác; 80-100 hợp tác xã; 2 quỹ tín dụng nhân dân trở lên; có trên 50% hợp tác xã làm ăn có lãi…
Tỉnh Tuyên Quang hiện có 537 tổ hợp tác, 300 hợp tác xã, tạo việc làm cho hàng chục nghìn xã viên và lao động. Trong thời gian qua, các tổ hợp tác và hợp tác xã ở Tuyên Quang phát triển đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, luôn khẳng định được vai trò, vị trí của mình, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… ở địa phương.
Tuy nhiên, các tổ hợp tác và hợp tác xã trong tỉnh Tuyên Quang vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục. Số tổ hợp tác và hợp tác xã hoạt động hiệu quả còn thấp. Cụ thể, trong tổng số 159 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, chỉ có 47 hợp tác xã (chiếm hơn 29%) hoạt động có hiệu quả.
Cơ sở vật chất của các tổ hợp tác và hợp tác xã còn nghèo, thiếu vốn hoạt động, sức cạnh tranh yếu; nhân lực trình độ thấp; khả năng liên kết với nhau hạn chế, phát triển chưa bền vững; trình độ quản lý và điều hành của cán bộ quản lý hợp tác xã còn nhiều hạn chế; một số hợp tác xã được hình thành nhưng chưa phát huy được vai trò tác động đến việc phát triển kinh tế của địa phương, vai trò tập thể và tạo công việc làm cho người lao động.../.
Vũ Quang Đán/TTXVN