Quảng Trị là một tỉnh thuần nông, tỷ trọng lao động nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 62% trong cơ cấu lao động việc làm của tỉnh, vì vậy, việc đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, gắn với xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trị có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Hiện nay, lực lượng thanh niên toàn tỉnh Quảng Trị hơn 125.000 người, chiếm 20,25% dân số và 30% lực lượng lao động của tỉnh. Thanh niên Quảng Trị đã và đang đóng vai trò, vị trí quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh nhà.
Xác định đồng hành cùng thanh niên về nghề nghiệp, việc làm là một trong những nhiệm vụ cơ bản của các tổ chức đoàn, nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, những năm qua, các hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được đẩy mạnh, góp phần tạo khí thế mới cho đoàn viên, thanh niên về lập thân, khởi nghiệp. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn tổ chức rà soát, lập hồ sơ đối với các hộ đoàn viên, thanh niên có nhu cầu thành lập mô hình phát triển kinh tế giải quyết việc làm, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH ) tỉnh giải ngân các nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời phổ biến cho đoàn viên thanh niên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn đã phối hợp với nhiều cơ quan đơn vị tổ chức được nhiều diễn đàn về phong trào khởi nghiệp như: Phối hợp với Sở Công thương tổ chức Diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp với thương mại điện tử”; bảo trợ cho LE Qinsiders tổ chức Chương trình thực tập sinh mùa hè, Hội thảo “Khi đam mê gặp nghề nghiệp”.... qua đó đã có hàng trăm đoàn viên, thanh niên được vay vốn để xây dựng mới các mô hình chăn nuôi heo, bò, dê, cá, tạo việc làm mới, mang lại thu nhập và tiếp tục nhân rộng trên địa bàn.
Trong hành trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn đặc biệt chú trọng việc tạo nguồn vốn cho thanh niên, chương trình cho thanh niên vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm đem lại những kết quả đáng khích lệ. Toàn tỉnh hiện có 180 tổ tiết kiệm vay vốn thanh niên, tổng dư nợ vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội qua Đoàn Thanh niên là hơn 263,5 tỷ đồng, giúp 6.460 hộ thanh niên được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh; giải ngân nguồn vốn vay theo chương trình 120 kênh Trung ương Đoàn với tổng dư nợ 1,1 tỷ đồng với 18 dự án tham gia. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ và Tài năng trẻ Trung ương Đoàn hỗ trợ 03 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh giúp đoàn viên, thanh niên triển khai thành công và mang lại hiệu quả, đồng thời nhân rộng thực hiện cho đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn đã đồng hành, tư vấn cho thanh niên các quy trình thành lập Tổ hợp tác, hợp tác xã, Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế giúp thanh niên tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về các thủ tục, vốn vay; huy động đoàn viên, thanh niên tham gia ngày công san lấp mặt bằng, vận chuyển vật liệu, xây dựng hàng rào, chuồng trại, nhà xưởng... Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và phát triển hơn 468 mô hình kinh tế trong thanh niên cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho thanh niên.
Với sự hỗ trợ, đồng hành của tổ chức Đoàn, bên cạnh những hướng đi truyền thống, thanh niên Quảng Trị cũng đã có nhiều mô hình khởi nghiệp mới, sáng tạo và có hiệu quả như: Mô hình Dịch vụ vệ sinh công nghiệp của đồng chí Lâm Hưng Thắng, xã Tân Liên (Hướng Hóa); mô hình trồng nấm sử dụng hệ thống phun sương tạo độ ẩm với quy mô 5.000 bịch nấm các loại như nấm sò, nấm nhĩ của đồng chí Trần Văn Phúc xã Gio Phong (Gio Linh); mô hình sản xuất tinh bột nghệ, ngũ cốc của đồng chí Trần Lan xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, mô hình trồng rau thủy canh của đồng chí Trần Anh Tuấn (Đông Hà)... Nhìn chung, các thanh niên trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã biết tận dụng các lợi thế về công nghệ thông tin, khả năng học hỏi, tiếp thu của tuổi trẻ để có những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới trên các lĩnh vực mới, tiếp cận nhanh các thị trường, nhạy bén với thị hiếu khách hàng, các mô hình này đã và đang giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn đoàn viên, thanh niên địa phương. Bên cạnh đó, toàn Đoàn đã thành lập 23 câu lạc bộ thanh niên, khởi nghiệp, làm kinh tế giỏi, tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế, qua đó tạo thêm môi trường để các đoàn viên, thanh niên học tập, chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau trong phát triển kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh về hàng hóa, sản phẩm, tạo sự liên kết bền vững trong triển khai các mô hình, dự án phát triển kinh tế tại các địa phương. Đây là những mô hình khởi nghiệp đại diện cho ý tưởng - sức sáng tạo, sự năng động, khát vọng làm giàu của tuổi trẻ Quảng Trị, được tổ chức đoàn hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thành công của các mô hình cũng là sự ghi nhận tích cực về vai trò đồng hành cùng thanh niên trong lĩnh vực lập thân, lập nghiệp của tổ chức đoàn.
Có thể nói, chưa bao giờ phong trào thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn Quảng Trị lại sôi nổi, mạnh mẽ và lan tỏa rộng khắp như hiện nay và thực tế cũng đã xuất hiện rất nhiều tấm gương tiêu biểu. Đặc biệt, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhất là, xu hướng phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang mở ra nhiều cơ hội cho thanh niên Quảng Trị.
Tuy nhiên có một thực tế đặt ra, hiện nay đa số thanh niên chưa hiểu đúng về khởi nghiệp và thiếu kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp. Cụ thể: ý tưởng mới, sáng tạo của thanh niên chưa nhiều. Hầu hết mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên hiện nay thường bắt đầu từ kinh nghiệm truyền thống, sản xuất theo khả năng tự có mà chưa quan tâm đến những sản phẩm, hàng hòa mà thị trường cần, nên đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra. Nhiều thanh niên muốn đầu tư phát triển kinh tế nhưng lại thiếu nguồn vốn, trình độ năng lực về nắm bắt, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế.… Những khó khăn, thách thức đó đã ảnh hưởng đến ước mơ khởi nghiệp của thanh niên; bởi muốn biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực trong cuộc sống không phải là điều dễ dàng. Do đó, hơn bao giờ hết rất cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp để kịp thời nâng đỡ, chắp cánh cho những đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo của tuổi trẻ. Bên cạnh những chính sách đúng đắn, thiết nghĩ chúng ta cần chú trọng giải pháp sau cơ bản sau:
Trước hết, các cấp bộ đoàn cần cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn và cộng đồng, nhất là, khuyến khích xu hướng khởi nghiệp bằng việc áp dụng, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, để từ đó thúc đẩy phong trào thi đua khởi nghiệp của thanh niên, nhất là ở nông thôn và tạo sự lan toả cổ vũ phong trào khởi nghiệp của người dân. Đặc biệt, căn cứ điều kiện kinh tế -xã hội và các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế của chính quyền địa phương để lựa chọn các giải pháp triển khai công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phù hợp và hiệu quả.
Thứ hai, làm tốt công tác hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên, huy động các nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và triển khai các mô hình phát triển kinh tế ở nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy nghề và tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ, giám sát, khuyến nghị, thúc đẩy việc xây dựng và thực thi các chính sách về nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên, giúp thanh niên tiếp cận nhanh nhất các nguồn vốn vay để lập nghiệp. Bên cạnh giải pháp về vốn, đề nghị các tổ chức đoàn, phối hợp các ngành liên quan tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng địa phương, chú trọng việc trang bị, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh. Mặt khác cần chú trọng bồi dưỡng kiến thức về pháp luật nói chung, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói riêng cho đoàn viên, thanh niên, những người có ý tưởng khởi nghiệp.
Thứ ba, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm và tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp, định kỳ tổ chức các diễn đàn khởi nghiệp để vừa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vừa định hướng cho thanh niên, từ đó vừa giúp thanh niên làm giàu, vừa phát huy sức trẻ góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Thứ tư, triển khai hiệu quả Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, một chương trình kết nối cộng đồng, tạo cơ hội, môi trường thuận lợi cho tuổi trẻ tiếp cận học tập, phát triển năng lực, thực hiện ước mơ, hoài bão và khát vọng vươn lên. Đặc biệt, cần hỗ trợ cho Đoàn thanh niên thành lập các trung tâm hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp nhằm tổ chức các hoạt động kết nối vốn, quỹ đầu tư; kết nối thanh niên đến với các doanh nghiệp khởi nghiệp khoa học, công nghệ; xây dựng, phát triển các dự án sáng tạo khởi nghiệp; kết nối, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, đóng góp ý tưởng, sáng kiến cho sự phát triển đất nước giữa thanh niên Việt Nam trong nước và ngoài nước thông qua các diễn đàn…Qua đó, sẽ làm tốt vai trò cầu nối hỗ trợ thanh niên tiếp cận chủ trương, chính sách, cơ hội trong quá trình khởi nghiệp.
Thứ năm, thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh các gương thanh niên khởi nghiệp thành công để nhân rộng các điển hình tiêu biểu làm hạt nhân dẫn dắt phong trào thanh niên khởi nghiệp. Mặt khác, về phía thanh niên, cần hưởng ứng và thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả, thiết thực cho hoạt động khởi nghiệp, chủ động tiếp cận chương trình, tích cực tham gia vào các hoạt động giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm và vận dụng những kiến thức được đào tạo tìm kiếm những ý tưởng kinh doanh để lập nên các dự án khởi nghiệp có giá trị thực tiễn cao.
Với các chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của tuổi trẻ, tin tưởng rằng trong thời gian tới, phong trào khởi nghiệp trong thanh niên Quảng Trị sẽ đạt được nhiều thành công góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hải Đăng