Từng bước chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước 

(ĐCSVN) - Việc giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đã gây nhiều khó khăn, làm tăng chi phí cho sản xuất chăn nuôi, khi đây là yếu tố chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất. Do đó, ngành chăn nuôi đang nỗ lực tìm các giải pháp để từng bước chủ động trong lĩnh vực này.

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2015 - 2020, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước tương đối ổn định, thậm chí có thời điểm giảm dần. Tuy nhiên, giá bắt đầu tăng liên tục từ tháng 10/2020 đến nay, trong đó giá ngô và giá khô dầu đậu tương tăng cao nhất. Tháng 3/2022 là thời điểm giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao nhất. Giá ngô và bã ngô tăng 80-95% so với thời điểm chưa tăng giá (năm 2019); khô dầu đậu tương tăng khoảng 71%, thức ăn bổ sung tăng 46-50%; giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng 33-40% so với thời điểm chưa tăng giá.

Tính bình quân 11 tháng năm 2022, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc, cụ thể: ngô hạt 8,867 nghìn đồng/kg (tăng 14,5%), khô dầu đậu tương 14,513 nghìn đồng/kg (tăng 14,2%), lysine 40,480 nghìn đồng/kg (tăng 15,7%),… Nhìn chung, giá bình quân các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với năm 2021, tăng từ 7-27%, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc.

Việc giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trung bình 11 tháng năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể: thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt từ 60kg đến xuất chuồng khoảng 13 nghìn đồng/kg (tăng 14,5%); thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu 12,790 nghìn đồng/kg (tăng 12,8%); thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng 13,532 nghìn đồng/kg (tăng 14,2%),…

Ngành chăn nuôi phấn đấu từng bước chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước (Ảnh minh họa: B.T).

Từng bước chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước

Cũng theo Cục Chăn nuôi, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá…) của toàn ngành chăn nuôi của Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu dùng cho chăn nuôi lợn và gia cầm. Để đáp ứng nhu cầu này, nước ta cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh, trong khi sản xuất trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn/năm (chiếm khoảng 35% tổng nhu cầu), số còn lại từ nguồn nhập khẩu (chiếm khoảng 65%).

Các sản phẩm chính của ngành trồng trọt có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi gồm: 42,8 triệu tấn thóc; 4,6 triệu tấn ngô hạt; 10,5 triệu tấn sắn tươi; 65,4 nghìn tấn đậu tương. So với thế giới, sản lượng ngô, đậu tương của Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,4% và 0,02%) chưa kể chất lượng và năng suất thấp đã làm giá ngô sản xuất trong nước khó cạnh tranh với giá ngô thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam lại có lợi thế về sản xuất gạo (chiếm 8,4% sản lượng của thế giới). Ngoài ra, Việt Nam cũng có một số sản phẩm, phụ phẩm từ quá trình chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm (mỡ cá, bột cá,…) làm thức ăn chăn nuôi nhưng số lượng không đáng kể.

Đối với chất phụ gia và thức ăn bổ sung (vitamin, axit amin), Việt Nam phải nhập khẩu tới 80% do nước ta không có công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ nhỏ không thu hút được đầu tư, mà chỉ sản xuất được một lượng nhỏ thức ăn bổ sung khoáng, chế phẩm vi sinh và thảo dược.

Trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao, ngày 21/10/2022, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản số 7047/BNN-CN gửi Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục xem xét, đề xuất Chính phủ giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0%; thuế nhập khẩu ngô giảm từ 5% xuống 2%; thuế nhập khẩu lúa mỳ giảm từ 3% xuống 0%; ưu đãi thuế cho những doanh nghiệp sản xuất ở vùng kinh tế xã hội khó khăn,…

Để từng bước chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước, theo Cục Chăn nuôi, về giải pháp trước mắt, đối với doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để đa dạng hóa nguồn cung, giảm bớt sự phụ thuộc vào một số nguyên liệu truyền thống và giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Cân đối khẩu phần ăn tối ưu nhất, quản trị tốt nguyên liệu, giảm tối đa chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Theo dõi sát diễn biến của thị trường nguyên liệu thế giới để có chiến lược mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dữ trữ.

Đối với các cơ sở chăn nuôi, áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong chăn nuôi về chuồng trại, thiết bị, con giống, quản trị để nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi; tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại chỗ để làm thức ăn chăn nuôi (thức ăn xanh, phụ phẩm nhà bếp, nhà hàng)…

Đối với các cơ quan quản lý, cải cách hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong hoạt động kiểm dịch, kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Thông tin, dự báo kịp thời về giá và thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước và thế giới. Tăng cường kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi khi giá nguyên liệu tăng để kịp thời ngăn chặn thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả chăn nuôi.

Về lâu dài, Cục Chăn nuôi cho rằng, cần quy hoạch để chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt sang trồng cây thức ăn chăn nuôi. Khuyến khích doanh nghiệp tổ chức sản xuất trồng ngô, sắn; tăng cường mối liên kết giữa cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi với cơ sở xay xát, kinh doanh thóc gạo để thu mua tấm, cám gạo làm thức ăn chăn nuôi.

Khuyến khích phát triển sản xuất protein từ côn trùng để thay thế một phần nguyên liệu giàu đạm nhập khẩu; xây dựng cơ sở chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm… để tạo điều kiện cho việc thu gom và chế biến các nguồn phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi. Nghiên cứu sản xuất giống lúa năng suất cao, giá thành hạ làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu chi phí trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cho rằng, cần nâng cao năng lực hệ thống bốc dỡ và vận chuyển, hệ thống kho cảng và logictics, Ngoài ra, xây dựng chính sách khuyến khích áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào thu gom, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ sản xuất các nguyên liệu trong nước như chế phẩm probiotic, enzym, thảo dược,…; chính sách khuyến khích xây dựng vùng trồng cây làm thức ăn chăn nuôi (ngô lấy hạt, ngô sinh khối, trồng cỏ….); chính sách nguồn vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thu mua, dự trữ nguyên liệu khi nguồn cung thế giới biến động./.

 

 
B.T
275 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 591
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 591
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77514382