Từng bước chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước 

(ĐCSVN) - Tổng nhu cầu thức ăn tinh của toàn ngành chăn nuôi Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn, chiếm phần nhỏ với khoảng 35% tổng nhu cầu. Do đó, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một con số rất lớn với khoảng từ 20-22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

 

 Sản xuất thức ăn phục vụ chăn nuôi của nước ta còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (Ảnh minh họa: B.T)

Phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong giai đoạn 2015 - 2020, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước tương đối ổn định, thậm chí có thời điểm giảm dần. Tuy nhiên giá bắt đầu tăng và tăng liên tục từ tháng 10/2020 đến nay, trong đó giá ngô và giá khô dầu đậu tương tăng cao nhất.

Đến tháng 3/2022 là thời điểm giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao nhất, giá ngô và bã ngô tăng 80-95% so với thời điểm chưa tăng giá (năm 2019); khô dầu đậu tương tăng khoảng 71%, thức ăn bổ sung tăng 46-50%. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng 33-40%. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt tăng mạnh trong các tháng đầu năm 2022 do hạn chế nguồn cung, căng thẳng giữa Nga và Ukraine, giá nông sản thế giới đã thiết lập mặt bằng giá mới, trong đó có mặt hàng lúa, gạo của Việt Nam.

Đến thời điểm tháng 8/2022, giá ngô giảm 20,6%, khô dầu đỗ tương giảm 16%, cám gạo chiết ly giảm 20,3% so với tháng 3/2022. Mặc dù vậy, mức giá này vẫn cao hơn so với tháng 8/2021 tương ứng là 2,5%; 11,7% và 8,5%. Giá thức ăn thành phẩm tháng 8 chưa giảm nhiều do doanh nghiệp vẫn đang sử dụng giá nguyên liệu cao được nhập ở các tháng trước đó.

Trong khi đó, hiện nay, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá…) của toàn ngành chăn nuôi của Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu dùng cho chăn nuôi lợn và gia cầm. Để đáp ứng nhu cầu này, nước ta cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh, trong khi trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn/năm (chiếm khoảng 35% tổng nhu cầu), số còn lại từ nguồn nhập khẩu (chiếm khoảng 65%).

Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu khoảng 20-22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm (bao gồm cả nguyên liệu dùng cho thủy sản). Cụ thể, năm 2021 nhập khẩu 22,3 triệu tấn (tương ứng 9,1 tỷ USD), trong đó nhiều nhất là ngô (9,7 triệu tấn); khô dầu đỗ tương (5,6 triệu tấn), lúa mỳ và cám khoảng 2 triệu tấn và các loại khác.

Trong 8 tháng năm 2022, ước tính đã nhập khẩu 12,34 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tương đương 5,97 tỷ USD (giảm 26,3% về số lượng và 3,2% về giá trị ). Sản lượng nguyên liệu nhập khẩu giảm do giá nguyên liệu thế giới tăng nên các doanh nghiệp đã sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước nhiều hơn (tấm gạo, cám gạo và sắn) để thay thế nguyên liệu nhập khẩu.

Việc phải nhập khẩu một số lượng lớn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi do so với thế giới, sản lượng ngô, đậu tương của Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,4% và 0,02%) chưa kể chất lượng và năng suất thấp đã làm giá ngô sản xuất trong nước khó cạnh tranh với giá ngô thế giới. Bên cạnh đó, mặc dù có lợi thế về sản xuất gạo và gạo có thể thay thế một phần ngô làm thức ăn chăn nuôi mà không ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng chăn nuôi, tuy nhiên, khi thay thế ngô bằng thóc, gạo, hiệu quả kinh tế đã giảm tới 33,2% do giá thóc, gạo cao hơn giá ngô. Để có thể thay thế ngô bằng thóc, gạo một cách có hiệu quả thì giá thóc, gạo phải thấp hơn giá ngô tối thiểu 2,7- 26,4%.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có một số sản phẩm, phụ phẩm từ quá trình chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm (mỡ cá, bột cá,…) làm thức ăn chăn nuôi, nhưng số lượng không đáng kể. Đối với chất phụ gia và thức ăn bổ sung (vitamin, axit amin), Việt Nam phải nhập khẩu tới 80% do nước ta không có công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ nhỏ không thu hút được đầu tư, mà chỉ sản xuất được một lượng nhỏ thức ăn bổ sung khoáng, chế phẩm vi sinh và thảo dược.

Nhìn chung, khó khăn lớn nhất là năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

 Quy hoạch để chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt sang trồng cây thức ăn chăn nuôi là một trong những giải pháp để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu (Ảnh: B.T)

Từng bước chủ động nguồn nguyên liệu trong nước

Để từng bước giảm thiểu sự phụ thuộc của việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, theo Cục Chăn nuôi, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước. Từ đó, đa dạng hóa nguồn cung, giảm bớt sự phụ thuộc vào một số nguyên liệu truyền thống và giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Bên cạnh đó, cân đối khẩu phần ăn cho chăn nuôi tối ưu nhất; sử dụng chất phụ gia trong sản xuất thức ăn chăn nuôi hiệu quả hơn; quản trị tốt nguyên liệu, giảm tối đa chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến của thị trường nguyên liệu thế giới để có chiến lược mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dữ trữ. Áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ số trong sản xuất và quản lý để giảm các chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Đối với các cơ sở chăn nuôi, áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong chăn nuôi về chuồng trại, thiết bị, con giống, quản trị để nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi. Tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại chỗ để làm thức ăn chăn nuôi (thức ăn xanh, phụ phẩm nhà bếp, nhà hàng)…

Với các cơ quan quản lý, tiến hành cải cách hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong hoạt động kiểm dịch, kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Đồng thời, thông tin, dự báo kịp thời về giá và thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước và thế giới. Tăng cường kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi khi giá nguyên liệu tăng để kịp thời ngăn chặn thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả chăn nuôi.

Về giải pháp lâu dài, Cục Chăn nuôi cho rằng, cần nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước. Trong đó, quy hoạch để chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt sang trồng cây thức ăn chăn nuôi (ngô, sắn…). Khuyến khích doanh nghiệp tổ chức sản xuất trồng ngô, sắn theo hình thức hợp tác xã, trong đó, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thu mua ngô, sắn của nông dân với giá ổn định. Tăng cường mối liên kết giữa cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi với cơ sở xay xát, kinh doanh thóc gạo để thu mua tấm, cám gạo làm thức ăn chăn nuôi.

Quy hoạch và khuyến khích xây dựng cơ sở chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm… để tạo điều kiện cho việc thu gom và chế biến các nguồn phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, nghiên cứu sản xuất giống lúa năng suất cao, giá thành hạ làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích áp dụng hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào thu gom, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, có chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ sản xuất các nguyên liệu trong nước như chế phẩm probiotic, enzym, thảo dược, các loại khoáng đa lượng,… Đặc biệt là chính sách khuyển khích xây dựng vùng trồng cây thức ăn chăn nuôi (ngô lấy hạt, ngô sinh khối, trồng cỏ….) như: hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua hạt giống; có chính sách nguồn vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thu mua, dự trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khi nguồn cung thế giới biến động,…/.

 
BT
481 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 933
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 933
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87080698