Tư vấn sản phẩm giảm cân không giấy phép cho Cục trưởng Cục ATTP 

(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, sản phẩm bảo vệ sức khỏe Bà Dung được giới thiệu giảm cân đang được giao bán trên thị trường hiện nay chưa có giấy phép của cơ quan quản lý. Người dân cần thận trong khi dùng sản phẩm này.

 

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhận được cuộc gọi tư vấn về sản phẩm bảo vệ sức khỏe Bà Dung ngay trong cuộc họp. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Ngay trong cuộc họp với báo chí ngày 8/3, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã nhận được một cuộc điện thoại tư vấn về sản phẩm bảo vệ sức khoẻ Bà Dung có tác dụng giảm cân.

Theo nội dung cuộc tư vấn, cô nhân viên cho biết, cơ sở sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khỏe giảm cân Bà Dung có địa chỉ tại Chương Mỹ, Hà Nội.

Với chiều cao 1m70 và cân nặng 85kg, “khách hàng” (chính là Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm) được tư vấn sẽ giảm được 15 kg trong thời gian ngắn để có chiều cao, cân nặng cân đối.

Cô nhân viên này cũng khẳng định với “khách hàng” là sản phẩm Bà Dung đã được ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm ký công bố sản phẩm. 

Ngay sau đó, “khách hàng” đã phản hồi lại cô nhân viên tư vấn rằng cô đang nói chuyện với Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm và Cục không công bố xác nhận sản phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng giảm cân tên Bà Dung tại địa chỉ Chương Mỹ, Hà Nội. Ngay lập tức, cô nhân viên đã tắt máy điện thoại.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, trước đây có duy nhất sản phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng giảm cân Bà Dung đăng ký tại Cục An toàn thực phẩm, nhưng hiện nay, sản phẩm này đã thu hồi giấy phép lưu hành. Vì vậy, sản phẩm bảo vệ sức khỏe Bà Dung hiện nay bán trên thị trường có tác dụng giảm cân như nhân viên tư vấn trên là giả. Người dân cần lưu ý, khi nghe những quảng cáo như trên, cần xác minh lại xem sản phẩm đó đã có xác nhận của cơ quan quản lý hay chưa, bằng cách đăng nhập vào website của Cục An toàn thục phẩm, Bộ Y tế. 

Theo ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 1.700 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe với khoảng trên 4.000 sản phẩm đang tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, ước tính có khoảng 50% thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay là giả, không theo công bố. 

Để siết chặt tình trạng này, từ tháng 7/2019, theo quy định mới, tất cả các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đạt chứng nhận GMP. Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, sẽ chỉ có khoảng 200-300 doanh nghiệp hiện nay sẽ đạt chứng nhận GMP trong tháng 7 tới./.

Thuý Hà

263 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1322
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1322
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76221313