Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và thực hiện an sinh xã hội 

Hồ Chí Minh không trực tiếp sử dụng khái niệm “an sinh xã hội” trong các bài nói, bài viết của Người, song nội dung tư tưởng về các vấn đề an sinh xã hội thì được thể hiện từ rất sớm và dần hoàn thiện, trở thành một hệ thống hoàn chỉnh trong quá trình nhận thức và hành động của Người.

Từ đó, Hồ Chí Minh cho rằng, với tư cách là chủ thể lãnh đạo, quản lý xã hội, Đảng và Nhà nước cần thông qua hệ thống chính sách để giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến con người, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đặc biệt, trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người đã căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”, trong đó có những đối tượng “yếu thế”.

Điều đặc biệt là, ngay từ rất sớm và nhất quán trong suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh luôn quan niệm an sinh xã hội là quyền con người. Cách tiếp cận quyền con người đối với an sinh xã hội là cách tiếp cận hiện đại, độc đáo, đặc sắc và có giá trị vượt trước thời đại của Hồ Chí Minh. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội, con người sinh ra có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc; bên cạnh đó, trong xã hội hiện đại, con người còn có nhiều quyền chính trị, dân sự khác. Đó không chỉ là các quyền bất khả xâm phạm mà trách nhiệm, tính chính đáng của các nhà nước văn minh, tiến bộ, là phải bảo vệ, bảo đảm cho các quyền đó được thực thi một cách đầy đủ và rộng rãi, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao trong tiến trình phát triển xã hội. Thực chất của an sinh xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là bảo vệ, đảm bảo quyền con người.

Nhìn một cách khái quát, tư tưởng của Người về an sinh xã hội bao gồm các nội dung chủ yếu như sau: (i) Về mục đích của an sinh xã hội; (ii) Về đối tượng của an sinh xã hội; (iii) Về nội dung xây dựng và thực hiện an sinh xã hội.

Với mục tiêu vì con người, hướng tới đối tượng là mọi con người, vì thế, nội dung xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng rất toàn diện. Có thể kể đến những chính sách chủ yếu, đó là: Chính sách lao động và việc làm, Chính sách xoá đói giảm nghèo, Chính sách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Chính sách đối với người có công với cách mạng.

Về chính sách lao động và việc làm, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải “làm sao cho nhân dân có công ăn việc làm” để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Muốn vậy, “chính quyền và quân đội nhân dân phải bảo vệ cho nhân dân làm ăn yên ổn” và “phải tuyên truyền rộng khắp các chính sách khuyến khích sản xuất”. Trong quá trình đất nước từng bước chuyển đổi sau khi giành được chính quyền, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải ra sức khôi phục lại kinh tế: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, vận tải” nhằm tạo ra công ăn việc làm cho nhân dân lao động theo nguyên tắc “công và tư đều được chiếu cố, chủ và thợ đều có lợi. Các bạn công nhân hăng hái sản xuất. Bà con công, thương hăng hái kinh doanh”. Vì vậy, trong quan điểm Hồ Chí Minh, chính sách lao động và việc làm giữ vị trí, vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống của Nhân dân và khẳng định trách nhiệm của chủ thể lãnh đạo, quản lý xã hội trong việc tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Ngược lại, đối với các tầng lớp nhân dân, người dân cũng phải luôn nhớ rằng: “lao động là một nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người công dân đối với Tổ quốc. Ai cũng phải tuỳ khả năng mình mà tự nguyện tự giác tham gia lao động, góp phần xây dựng nước nhà”.

Về chính sách xoá đói, giảm nghèo, hơn ai hết, Hồ Chí Minh thấu hiểu trình độ phát triển của xã hội Việt Nam do các chính sách lạc hậu dưới triều Nguyễn, cũng như các chính sách bóc lột của thực dân, đế quốc, và sự tàn phá mà chiến tranh gây ra. Chế độ mới ở Việt Nam phải đối mặt với một “gia tài nghèo nàn, lạc hậu”, trong đó: “người nghèo khổ thì nhiều, người no ấm thì ít”. Để xoá đói, giảm nghèo, trong bối cảnh các nguồn lực kiệt quệ, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Người yêu cầu phải thực hiện: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”.

Về chính sách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Hồ Chí Minh xác định, sức khoẻ là vốn quý nhất của con người, là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của mọi công việc. Người từng nói: Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ... Dân cường thì quốc thịnh. Người đã ban hành Sắc lệnh số 29/SL (ngày 12/3/1947) tạo cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm ốm đau, tai nạn, chăm sóc sức khỏe. Sự quan tâm của Hồ Chí Minh tới sức khỏe, coi trọng y tế dự phòng đã đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển bảo hiểm y tế toàn dân ở Việt Nam sau này. Sức khoẻ quan trọng là như thế, cho nên Hồ Chí Minh luôn coi trọng quyền bình đẳng trong việc được bảo vệ sức khoẻ của mọi người dân. Người dân phải được bình đẳng về quyền được khám chữa bệnh, được nằm viện điều trị khi cần, được hưởng thuốc theo bệnh và được sử dụng các phương pháp điều trị phù hợp.

Về chính sách đối với người có công với cách mạng, quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ là dù trong hoàn cảnh nào cũng giúp họ từng bước ổn định và nâng cao dần đời sống vật chất, tinh thần. Người thường xuyên nhắc các cơ quan và các đoàn thể phải thực hiện thật tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh và các gia đình có công với cách mạng; phải có những việc làm thiết thực để đến ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công; “tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”, giúp họ ổn định cuộc sống, có cơ hội tham gia vào các hoạt động của xã hội và góp phần vào việc xây dựng đất nước.

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và thực hiện chính sách xã hội, có một điểm rất sâu sắc, cần đặc biệt chú ý, đó là nhân dân vừa là đối tượng, vừa là chủ thể trong xây dựng và thực hiện chính sách. Triết lý của Hồ Chí Minh là: “Đem sức ta giải phóng cho ta”, theo đó, nhân dân trước hết phải có ý thức là chủ và năng lực làm chủ đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, đối với xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội nói riêng. Từ đó, trong xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, Người chủ trương: “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Đối với nhà nước, hay rộng hơn là cả hệ thống chính trị, ngoài vai trò trực tiếp là chủ thể chính sách, còn phải chú trọng “giác ngộ” và “tổ chức”, phải chú trọng nâng cao ý thức và năng lực là chủ và làm chủ của Nhân dân, để biến quá trình chính sách an sinh xã hội trở thành sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Đối với Nhân dân, Hồ Chí Minh lưu ý: “Chúng ta là những người lao động làm chủ nước nhà. Muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ. Chúng ta học tập chính là để có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới - trước hết là tổ chức nền sản xuất mới. Bởi vậy, ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động, mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình”, trên cơ sở đó không chỉ là đối tượng thụ hưởng, mà còn hoàn thành tốt vai trò là chủ thể của quá trình chính sách an sinh xã hội. Lệ Thu

 

544 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 850
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 850
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87002516