TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC VÀ SỰ VẬN DỤNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY 

Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và của dân tộc Việt Nam, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Người luôn hết sức coi trọng khơi dậy, phát động phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Người coi đây là một trong những biện pháp căn bản để tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước chứa đựng những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhất là trong phong trào thi đua yêu nước hiện nay.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước ta đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, trong đó có nạn giặc đói, giặc dốt hoành hành, giặc ngoại xâm tìm mọi cách để lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ, trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, BCH Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó xác định “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”. Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” động viên đồng bào, chiến sỹ phát huy truyền thống yêu nước thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước. Lời kêu gọi của Bác với những ngôn từ vừa gần gũi, dễ hiểu, đã nêu bật ý nghĩa mục đích thi đua, mục tiêu thi đua, lợi ích thi đua. Bác còn phân tích một cách sâu sắc những vấn đề liên quan đến thi đua yêu nước, từ bản chất thi đua, nội dung thi đua, cách thức thi đua, mức thi đua, ý nghĩa thi đua, lực lượng thi đua, động lực thi đua, bản chất của thi đua, tính chất của thi đua yêu nước. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người có sức lan tỏa sâu rộng lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân. Để thực hiện thắng lợi phong trào thi đua yêu nước, Người đã đặt ra yêu cầu: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua”. Để phong trào thi đua lao động có tác dụng thiết thực, Bác kêu gọi: “Mọi ngành, mọi người, mọi tổ chức phải ra sức thi đua, phải thực hiện khẩu hiệu: nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Phải chống tư tưởng bảo thủ, chống tác phong quan liêu, chống lãng phí. Người còn nói: “Thi đua là đoàn kết. Trong phong trào thi đua chúng ta thấy có đủ các dân tộc: Kinh, Thổ, Mán, Mường, đủ các tín ngưỡng: lương có, giáo có, đủ các tầng lớp công, nông, binh, sỹ, đủ các người già, trẻ, gái, trai, tất cả đều nhằm vào mục đích chung: tăng gia sản xuất và diệt giặc lập công”. Ngày 17-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 83/SL thành lập Viện Huân chương. Ngày 1-6-1948, Người ký sắc lệnh 195-SL thành lập Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương để vận động, đôn đốc thi đua và phổ biến kinh nghiệm trong toàn quốc. Lời kêu gọi Thi đua ái quốc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Từ đó, phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh đã góp phần giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn hiện nay. Thi đua yêu nước có ý nghĩa quan trọng và to lớn, ngày 4/03/2008 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là “Ngày Truyền thống thi đua yêu nước” đây là dịp để Nhân dân đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, ngày 15/5/2016 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Khắc sâu lời dạy của Người về thi đua yêu nước, trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc trong lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu đến thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng an ninh, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng chính quyền. Học tập và làm theo tấm gương của Người, trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, các cơ quan, đơn vị, địa phương, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh đã chủ động phát động, tổ chức các phong trào thi đua, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm qua đó tạo động lực, khí thế mạnh mẽ, lôi cuốn mọi người hăng hái thi đua lao động sản xuất. Nổi bật là các phong trào thi đua như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong Công an nhân dân có phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “ Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”…Các phong trào thi đua đã trở thành động lực quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Nhờ thực hiện tốt các phong trào thi đua, nền kinh tế tỉnh nhà đã có sự tăng trưởng ổn định; tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 7,21%, tăng 1,21% so với nhiệm kỳ trước và cao hơn bình quân chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 53 triệu đồng/năm, gấp 1,55 lần năm 2015. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 5 năm 2016-2020 đạt 13.434 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, tạo bước chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng đổi mới và phát triển. Có thể khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước do Người phát động đã ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và có giá trị thực tiễn to lớn, từ thực tiễn của hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Trong thời gian tới, để phong trào thi đua yêu nước trong Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh tiếp tục hoàn thành mọi nhiệm vụ đề ra, đưa công việc thi đua gắn với công việc hàng ngày của mỗi người, mỗi ngành, mỗi cấp như lời Bác dạy, cần tập trung thực hiện tốt một số công việc chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua-khen thưởng. Luôn xác định thi đua-khen thưởng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Phong trào thi đua phải có mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp cụ thể từng đối tượng, từng ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong năm năm tới. Thi đua cần bám sát hơn nữa nhiệm vụ chính trị chủ yếu, các khâu đột phá, giải quyết những nhiệm vụ khó, vấn đề nổi cộm, bức xúc của tỉnh; trọng tâm góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững, chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện tốt an sinh xã hội, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

Hai là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong toàn tỉnh về phong trào thi đua yêu nước, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua khen thưởng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết các nhiệm vụ khó khăn, bức xúc, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị  trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII của Đảng, nhân rộng các phong trào thi đua, các điển hình tiên tiến, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương.

Ba là, cần xây dựng kế hoach cụ thể để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong các phong trào thi đua. Phong trào thi đua phải khơi dậy được tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, tính tích cực chính trị - xã hội của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế. Tạo động lực để người người thi đua, ngành ngành thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp nhằm xây dựng bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Tích cực thực hiện phong trào thi đua trong toàn Đảng bộ, các lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thi đua khen thưởng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tăng cường củng cố tổ chức bộ máy và cán bộ theo hướng gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng có phẩm chất, năng lực, kịp thời tham mưu, đề xuất về công tác thi đua khen thưởng.

Năm là, cùng với đẩy mạnh các phong trào thi đua, cần tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá và có những hình thức khen thưởng hợp lý. Bác Hồ đã từng nói: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”, biểu dương, khen thưởng phải kịp thời, công tâm và đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả kinh tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo. Tăng cường công tác tuyên truyền những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhất là các nhân tố mới để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng. Xuân Ngọc

                             

                              

1513 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 695
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 695
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76406773