TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ LỰA CHỌN, SỬ DỤNG CÁN BỘ 

Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, trong đó có nội dung lựa chọn, sử dụng cán bộ là tài sản vô giá mà Người để lại cho chúng ta. Ngày nay, những tư tưởng đó đã trở thành những bài học, những nguyên tắc trong công tác cán bộ của Ðảng.

Từ truyền thống “Dụng nhân như dụng mộc” của ông cha ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, khi nói đến bất kỳ công việc gì cũng nhấn mạnh vai trò của con người, của cán bộ. Bởi theo Người “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người cho rằng "Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt..., nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được" [1]. Tuy nhiên, để có “nguồn” cán bộ tốt “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”; “Nơi nào mà các cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt, thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển. Trái lại nơi nào cán bộ cấp trên không biết lựa chọn, dìu dắt, thì vẫn thiếu người mà công việc cứ luộm thuộm” [2]. Theo tư tưởng của Người: Cân nhắc và khéo dùng cán bộ, dùng đúng cán bộ là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, bởi vì không đánh giá, sử dụng đúng cán bộ sẽ dẫn đến sự lãng phí nhân tài là sự lãng phí lớn nhất của đất nước. Bởi "Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ". "Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được". "Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao". "Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế công việc nhất định chạy", "Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Ðảng. Như thế là có tội với Ðảng, có tội với đồng bào".

Người dạy: Muốn dùng cán bộ cho đúng còn phải hết sức khách quan, công tâm và phải chống tư tưởng “địa phương chủ nghĩa”, “óc bè phái”, “óc hẹp hòi”, “ai hẩu với mình dù họ nói không đúng cũng nghe, họ không có tài cũng dùng; còn ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ nói phải mấy cũng không nghe”...Và cuối cùng là cất nhắc cán bộ. Theo Người “Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay” [3]. Đối với cán bộ, chẳng những phải xem xét rõ ràng trước khi đề bạt, bổ nhiệm, mà sau khi đề bạt, bổ nhiệm còn phải tiếp tục bồi dưỡng, giúp đỡ họ để họ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 Người dạy chúng ta như thế và cũng đã làm đúng như thế. Vì vậy, mà biết bao trí thức với những tài năng, đức độ, có người được tin dùng và đãi ngộ ở ngoài nước nhưng với sự tin dùng và ân cần chỉ bảo, chăm sóc của Hồ Chí Minh đã tự nguyện dấn thân cùng dân tộc, mặc dù biết rằng phải ‘nếm mật, nằm gai” trong các cuộc chiến tranh ái quốc cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Và họ đã làm cho trang sử Việt Nam thêm rạng ngời; để vị thế dân tộc ngay càng cao trên trường quốc tế.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, từ ngày ra đời đến nay, Đảng ta luôn coi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng; coi đó là yếu tố sống, còn; là nhiệm vụ then chốt. Một trong những minh chứng cho điều đó, chỉ tính từ Đại hội VI đến nay, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 8 nghị quyết, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Ban Bí thư khoá VII đã chỉ đạo tiến hành tổng kết 20 năm xây dựng Đảng thời kỳ 1975-1995; Ban Bí thư khóa IX, XI chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới (1986-2006), 30 năm đổi mới (1986-2016) trong đó có công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, hai nghị quyết chuyên đề mở đầu cho hai nhiệm kỳ (2011-2016) và (2016-2020) đều bàn về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong đó tập trung: ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Với những quyết sách đó, cùng với việc kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nên công tác cán bộ của Đảng đã đạt được những kết quả quan trọng; Hầu hết cán bộ đảng viên đều có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.

Thực tiễn của cách mạng thế giới trong mấy thập niên vừa qua đã chỉ ra rằng: Đảng cầm quyền nếu không thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mình thì vai trò cầm quyền của Đảng sẽ bị lu mờ và tự đánh mất vai trò lãnh đạo.

Tại Hội nghị lần thứ bảy, BCH Trung ương Đảng khóa XII, diễn ra trung tuần tháng 5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu khai mạc khi nêu một số nội dung cần thảo luận về “Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp” đã yêu cầu: Cố gắng chỉ ra khâu đột phá là khâu nào? Đánh giá cán bộ hay sắp xếp, bố trí cán bộ? Khắc phục tình trạng "chạy chức, chạy quyền" hay "thân quen, cánh hẩu"? Chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực hay coi trọng cả hai? Vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp? Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai? Vướng mắc chính là ở chỗ nào? Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa? Chính sách tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết gắn bó với sự nghiệp là gì?...Những vấn đề trên sẽ được trả lời khi triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Để kết thúc bài viết này, xin nêu hai lời dạy của Người “Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ, chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”[4]; “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy”[5]

Thiết nghĩ, chỉ dẫn của Người mãi mãi là hành trang của tất cả chúng ta. Trí Ánh-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

[1] Trích bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, tháng 2/1947.

              [2] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5 , trang 139

[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, trang 281-282

   [4] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, tr.105.

  [5] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, tr.281.

973 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1047
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1047
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77055580