TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ HÒA BÌNH - Ý NGHĨA DÂN TỘC VÀ THỜI ĐẠI, GIÁ TRỊ VẬN DỤNG VÀO SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC HIỆN NAY 

Hòa bình luôn là mong ước, là khát vọng thường trực và hiện hữu của nhân loại, là đích đến trong mọi hành trình và là sợi dây để kết nối toàn cầu. Giải thích về nguồn gốc của khát vọng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”1. Có thể nói, tư tưởng hòa bình của Hồ Chí Minh - người chiến sĩ hòa bình quốc tế chân chính - đã được hình thành từ rất sớm và Người luôn kiên định theo đuổi tư tưởng này trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình.

BÀI 3. Ý NGHĨA DÂN TỘC VÀ THỜI ĐẠI CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ HÒA BÌNH - GIÁ TRỊ VẬN DỤNG VÀO SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC HIỆN NAY

   Biểu hiện nỗi bật nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình là trong ứng xử văn hóa khi quan hệ với các nước và đối với kẻ thù xâm lược.

Tiếp thu truyền thống dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng hòa hiếu, hòa bình, đề cao văn hóa đối thoại trong quan hệ với các nước, kể cả với kẻ thù xâm lược1. Năm 1923, nhà báo Liên Xô Ô-xíp Man-đen-xtam, đã nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai... Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”2. Văn hóa của tương lai mà Ô-xíp Man-đen-xtam nói đến chính là văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh, là sự kết tinh hoàn hảo nhất tinh hoa của văn hóa phương Đông và phương Tây, các giá trị truyền thống và hiện đại của nhân loại3.

Tư tưởng về văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh đã đi trước thời đại và tỏa sáng mạnh mẽ. Tháng 9-1981, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã công bố “Ngày Quốc tế Hòa bình” dành cho việc kỷ niệm, củng cố những lý tưởng hòa bình, và năm 1982, đã quyết định lấy Ngày 21-9 là Ngày Quốc tế hòa bình. Ngày 13-9-1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động về văn hóa hòa bình. Những nội dung này đã được phản ánh trong văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh cả trong tư tưởng và hành động thực tế.

Những năm gần đây, thế giới và khu vực chứng kiến những diễn biến nhanh, phức tạp, chứa đựng các yếu tố bất an, bất định, bất ngờ, tác động đa chiều đến môi trường an ninh và phát triển của các quốc gia, trong đó có nước ta. Nhiều nước và khu vực trên thế giới phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và bất ổn. Đặt trong bối cảnh đó, những giá trị nhân văn cao đẹp của văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh càng tỏa sáng, soi đường cho Việt Nam xây đắp hòa bình, giải quyết những vấn đề của quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam thời gian tới là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại;... chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”4, nhằm mục tiêu “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc”(38). Về nhiệm vụ đối ngoại, Đại hội khẳng định, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại. Do đó, có thể thấy:

Một là, giữ vững môi trường hòa bình ổn định và bảo vệ độc lập, chủ quyền là hai trong năm nhiệm vụ của ngoại giao Việt Nam. Để thực hiện hai nhiệm vụ trên, cần sử dụng các công cụ khác nhau, như chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, luật pháp, văn hóa, tư tưởng, “sức mạnh cứng”, “sức mạnh mềm”...

Hai là, văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh là một nguồn “sức mạnh mềm” của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển tư tưởng của nhân loại về một nền hòa bình bền vững. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân loại cần chung tay xây dựng một thế giới hòa bình vì đó là một khát vọng vĩnh hằng. Tuy nhiên, đó phải là “một nền hòa bình chân chính”, “trong độc lập tự do”, “bình đẳng, bác ái”, “xây trên công bình và lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh”, “phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da”, “là điều cần thiết phải có để một dân tộc mong muốn kết bạn với dân tộc khác”. Cùng với đấu tranh cho hòa bình, phải kiên quyết chống chiến tranh xâm lược, chiến tranh đế quốc, chiến tranh phi nghĩa. Người cho rằng, đấu tranh và ủng hộ phong trào đấu tranh giành và bảo vệ quyền dân tộc cơ bản, giành và bảo vệ công bằng, bình đẳng, dân chủ trong quan hệ quốc tế chính là tạo ra nền tảng để xây dựng một trật tự quốc tế mới bảo đảm cho hòa bình trên thế giới. Đó chính là những yếu tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nhân loại trong tương lai5.

Ba là, Việt Nam đã thực hiện thành công Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020 và đã ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, với mục tiêu là sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời dùng các biện pháp ngoại giao để tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước6.

Để văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh tiếp tục là nguồn lực tinh thần vô giá, tiếp sức cho Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ hòa bình và xây dựng tương lai tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam cũng như nhân dân thế giới, cần tiếp tục lưu ý các vấn đề sau:

Thứ nhất,  tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh đó, văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh là vấn đề tương đối mới, do đó cần tiếp tục được nghiên cứu sâu, nhất là việc vận dụng trong thực tế.

Thứ hai, “sức mạnh mềm” Việt Nam là sự đóng góp tư tưởng nhân loại về một nền hòa bình bền vững, vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành chiến lược ngoại giao công chúng đóng vai trò hết sức quan trọng, trong đó văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh phải được coi là một trong các vấn đề trọng tâm của ngoại giao công chúng. Ngoại giao công chúng không hẳn là ngoại giao văn hóa. Ngoại giao công chúng là phương thức ngoại giao đa chủ thể, sử dụng các phương tiện truyền thông đa dạng, nhằm tác động đến tình cảm, suy nghĩ của công chúng nước ngoài, tạo hình ảnh đẹp, hiệu ứng tích cực về đất nước mình, qua đó tác động tới chính sách, quan hệ ngoại giao với chính phủ nước ngoài. Ngoại giao công chúng bao trùm cả ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế, thông tin, tuyên truyền đối ngoại... Ngoại giao công chúng cũng là thành tố tạo nên “sức mạnh mềm” của quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng đầu tiên cho ngoại giao công chúng ở Việt Nam - đó chính là “ngoại giao tâm công” - ngay từ những ngày đầu tiên khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, nhờ đó đã giành được sự ủng hộ quý báu của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới và các tổ chức quốc tế đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao văn hóa - một trong ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam - quảng bá văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh ở trong nước và nước ngoài. Năm 2020, Việt Nam đã tổng kết 10 năm Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”. Thành tựu có nhiều, dư địa còn lớn, cần tiếp tục triển khai chương trình này trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm, giúp hình thành nên những giá trị trường tồn. Đây là hoạt động có ý nghĩa vô cùng lớn, thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, nhất là ở các dân tộc thuộc địa; đồng thời, tôn vinh, đề cao lý tưởng cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Người về một thế giới hòa bình, bình đẳng, hạnh phúc.

Thứ tư, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bằng biện pháp tổng hợp và chống bạo lực, chiến tranh phi nghĩa.

Thứ năm, sau những năm tháng chiến tranh, hòa bình có ý nghĩa và giá trị đặc biệt sâu sắc đối với Việt Nam, vì vậy việc xây dựng văn hóa hòa bình ngay trong lòng nhân dân cũng đóng vai trò không nhỏ. Ngày nay, hòa bình không chỉ bao hàm độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia mà còn là môi trường bền vững, an ninh con người, xã hội công bằng, hòa thuận, lối sống nhân văn. Tác động hai mặt của phát triển kinh tế, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đang đặt ra thách thức về giá trị sống và quan hệ xã hội, dẫn đến tình trạng bạo lực gia tăng. Mặt khác, hướng tới một xã hội văn minh nhân ái đòi hỏi đẩy lùi bạo lực, đặt ra yêu cầu về giáo dục để trở thành một công dân tốt, góp phần vì mọi người và xã hội. Phấn đấu cho văn hóa hòa bình là phấn đấu vì chất lượng và ý nghĩa của cuộc sống. Hưởng ứng Ngày Quốc tế hòa bình của Liên hợp quốc (ngày 21-9), nhiều địa phương ở nước ta, như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... đã tổ chức “Ngày hòa bình, phi bạo lực”, được đông đảo người dân tham gia. Đó cũng là tư tưởng văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh cần tiếp tục nhân rộng.

Hòa bình luôn là mong ước, là khát vọng thường trực và hiện hữu của nhân loại, là đích đến trong mọi hành trình và là sợi dây để kết nối toàn cầu. Văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh là “sức mạnh mềm” Việt Nam. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ độc lập, chủ quyền là hai nhiệm vụ đối ngoại quan trọng được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Triển khai mạnh mẽ, hiệu quả Chiến lược ngoại giao văn hóa, Chiến lược ngoại giao công chúng đến năm 2030, mà văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại trên./. Thu Thủy

-------------------------------

1. Vũ Dương Huân: “Ngoại giao Hồ Chí Minh: Giá trị dân tộc và thời đại”, Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, số tháng 2-2020
2. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc Việt Nam và bầu bạn quốc tế, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 106
(36) Nguyễn Phương Nga: “Văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh và ý nghĩa thời đại”, Trang thông tin điện tử Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội,  https://haufo.hanoi.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/view_content/3690068-van-hoa-hoa-binh-ho-chi-minh-va-y-nghia-thoi-dai.html, ngày 8-5-2020
3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr. 161 - 162
4.  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. I, tr. 161
5. Phạm Hồng Chương: “Hồ Chí Minh với sức mạnh mềm Việt Nam”, Tạp chí Tuyên giáo điện tử,  http://tuyengiao.vn/theo-guong-bac/ho-chi-minh-voi-suc-manh-mem-viet-nam-111411, ngày 2-5-2018
6. Xem: Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-2013-QD-TTg-2021-phe-duyet-Chien-luoc-Ngoai-giao-Van-hoa-den-2030-496071.aspx

262 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1028
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1028
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87099503