BÀI 1
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ HÒA BÌNH
Khi nghiên cứu tư tưởng của Chủ tịch Hồ chí Minh về hòa bình, GS, TSKH, Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của dân tộc, là kết tinh của văn hóa Việt Nam. Tư tưởng của Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đối ngoại mang đậm dấu ấn truyền thống ngoại giao của dân tộc, đó là tư tưởng hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển giữa các dân tộc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chiến sĩ cách mạng kiên cường trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và cũng là biểu tượng của hòa bình và tình hữu nghị. Người là một trong số ít lãnh tụ cách mạng nhận thức được sự chuyển biến của thời đại sẽ làm thay đổi quan hệ giữa các quốc gia dân tộc trên phạm vi toàn cầu. Người coi đấu tranh thiết lập quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia, chống lại mọi sự áp đặt, thống trị bất công của các “nước lớn” cũng là sự hoàn chỉnh của công cuộc giải phóng dân tộc.
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh mang đậm dấu ấn truyền thống ngoại giao của dân tộc, đó là tư tưởng hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển giữa các dân tộc. Xuất phát từ tình thương yêu con người, quý trọng sinh mạng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách ngăn chặn xung đột vũ trang, tận dụng mọi khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Đối với Người, việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp cuối cùng. Ngay cả khi bắt buộc phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ đất nước, Người vẫn tìm mọi cách nhằm cứu vãn hòa bình. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư cho Chính phủ và nhân dân Pháp, cho tướng lĩnh, binh sĩ quân đội Pháp và những kiều dân Pháp ở Việt Nam, cho các chính phủ, các nhà hoạt động chính trị, văn hóa và nhân dân các nước. Nội dung thư vừa tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, vừa kêu gọi đàm phán hòa bình. Người không bỏ lỡ cơ hội nào để hòa giải với Pháp.
Năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra sôi động trên khắp cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã sáng lập ra Ủy ban Hòa bình Việt Nam nhằm góp phần vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình của Việt Nam và mở rộng quan hệ với phong trào hòa bình thế giới. Đây là một trong những tổ chức nhân dân đầu tiên của Việt Nam do đích thân Bác Hồ là Chủ tịch danh dự đầu tiên.
Trải qua 74 năm hoạt động, cùng với sự thăng trầm của lịch sử, Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc củng cố tinh thần đoàn kết của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân Việt Nam và kêu gọi những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cũng đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, bảo vệ công lý, chống chiến tranh xâm lược.
Chính vì thế, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trước đây và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của đông đảo bạn bè trên toàn thế giới, thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân đa dạng, phong phú và sáng tạo. Đó là một trong những nhân tố quan trọng giúp chúng ta làm nên những thắng lợi huy hoàng, có được độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc và một Việt Nam như ngày hôm nay.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam luôn nêu cao ngọn cờ hòa bình, đưa ra nhiều sáng kiến hòa bình, đồng thời đẩy mạnh hoạt động ngoại giao làm cho dư luận thế giới thấy được thực chất của tình hình Việt Nam, bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc và luận điệu hòa bình giả dối2 của chúng. Giáo sư Vũ Minh Giang viết: “Ở Hồ Chí Minh, độc lập cho dân tộc mình đồng thời là độc lập cho tất cả các dân tộc; giải phóng dân tộc để giải phóng xã hội và giải phóng loài người. Con đường Hồ Chí Minh đi từ độc lập dân tộc đến chủ nghĩa xã hội - đến “thế giới đại đồng” theo tư duy hiện đại cũng là logic của con đường lương tri dân tộc đến lương tri thời đại để đạt tới sự hài hòa cá nhân, dân tộc và nhân loại”.
Theo Hồ Chí Minh, hòa bình là lợi ích của tất cả các dân tộc, do đó phải đấu tranh cho hòa bình trên thế giới được bền vững, “giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta. Vì lợi ích của nhân dân lao động khắp thế giới là nhất trí”(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.273).
Đối với Người, ai làm gì mang lại lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta đều là kẻ thù... Phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân “Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn” (Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.256).
Đối với các đế quốc đem quân xâm lược Việt Nam, Hồ Chí Minh phân biệt nhân dân với các Chính phủ cầm quyền, thúc đẩy phong trào phản chiến của nhân dân các nước này, cô lập lực lượng hiếu chiến. Trong tư tưởng và mọi hoạt động ngoại giao, Hồ Chí Minh luôn thấm nhuần đạo lý của cha ông “Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” (Nguyễn Trãi). Chúng ta bất khuất, kiên cường chống chiến tranh xâm lược nhưng luôn mở cánh cửa cho quân viễn chinh rút khỏi Việt Nam. Khi đã đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, chúng ta vẫn đại lượng mở lòng hiếu sinh tha cho quân xâm lược trở về quê cũ trong bình yên để tránh đổ máu thêm cho hai dân tộc.
Đối với bạn bè và đồng chí, Người luôn xây đắp tình cảm “vừa là đồng chí vừa là anh em” và tinh thần quốc tế trong sáng. Đối với Người - một người dân mất nước, bị nô lệ thì giá trị tinh thần lớn nhất là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Nhiều năm từng làm nghề lao động cực nhọc, từng nếm cảnh lao tù đày đọa, Người có mối đồng cảm thương xót sâu sắc đối với số phận của tất cả các dân tộc bị áp bức. Vì vậy, ngay khi bước vào cuộc đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh đã thực hiện được sự kết hợp giữa đấu tranh giải phóng dân tộc mình với đấu tranh “giải phóng những người bị áp bức khỏi các lực lượng thống trị, thực hiện tình yêu thương và bác ái” (Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.491).
Hồ Chí Minh gắn bó với dân tộc mình, đồng thời cũng dành những tình cảm thắm thiết với mọi dân tộc trên thế giới, luôn luôn ủng hộ những cuộc đấu tranh yêu nước và cách mạng bất cứ ở đâu, quan tâm chí tình tới bạn bè quốc tế, chăm sóc ân cần mọi số phận con người bằng những việc làm cảm động và thiết thực. Người là hiện thân của tinh thần “Quan san muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em” và lý tưởng “Người với người là bạn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo truyền thống hòa bình hữu nghị của dân tộc Việt Nam ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Người đã chỉ đạo xây dựng đường lối ngoại giao theo tinh thần giương cao ngọn cờ độc lập và hòa bình, tập hợp các lực lượng tiến bộ thành một mặt trận quốc tế ủng hộ Việt Nam. Đó là những chủ trương đường lối đúng đắn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, góp phần phá vỡ âm mưu của các đế quốc lớn muốn biến chiến tranh xâm lược Việt Nam thành cuộc xung đột giữa hai hệ tư tưởng, qua đó vạch trần thủ đoạn tàn bạo và những luận điệu xuyên tạc của các đế quốc lớn.
Có thể khẳng định rằng, tư tưởng hòa bình, hữu nghị luôn thường trực trong con người Hồ Chí Minh. Ngay cả khi phải tiến hành cuộc đấu tranh một mất một còn với bọn đế quốc, thực dân để giành độc lập dân tộc, Người cũng luôn luôn tìm kiếm mọi cơ hội đối thoại, đàm phán nếu có thể để né tránh một cuộc chiến bạo lực, phi nghĩa.
Để vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc hiện nay, nhất là trên lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao với mục đích quan trọng là tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, chúng ta cần nghiên cứu sâu những khía cạnh và biểu hiện cụ thể trong hoạt động đối ngoại thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng, trong đó văn hóa hòa bình là xuyên suốt, bao trùm. Thu Thủy (còn tiếp)
-------------------------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 397
2. Kẻ cướp, kẻ đi xâm lược thường đeo cái mặt nạ đạo đức giả là “khai hóa”, “giúp đỡ”...để che giấu bản chất ăn cướp và giết người. Xin trích dẫn một câu hỏi của nhà báo W. Bơcsét và câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Hỏi: Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Đin Raxcơ đã nhiều lần tuyên bố là cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam là do một “sự xâm lược” hoặc “can thiệp” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đin Raxcơ cũng nói rằng “mọi việc sẽ ổn thoả” nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tôn trọng Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Ý kiến của Chủ tịch về vấn đề này như thế nào?
Trả lời: Tất cả những lời tuyên bố của giới cầm quyền Mỹ về cái gọi là “sự xâm lược” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào miền Nam Việt Nam đều hoàn toàn là bịa đặt. Trái lại, toàn thế giới đều thấy rõ chính đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược. Đế quốc Mỹ đã đưa vào miền Nam Việt Nam hàng vạn binh sĩ Mỹ, hàng chục vạn tấn vũ khí tối tân, hàng nghìn máy bay, xe tăng, hàng trăm tấn bom napan và thuốc độc để giết hại đồng bào miền Nam chúng tôi. Chính đế quốc Mỹ và tay sai đã nhiều lần phái bọn biệt kích gián điệp ra hòng phá hoại miền Bắc chúng tôi.
Còn về chuyện “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không tôn trọng Hiệp định Giơnevơ” thì thật là đổi trắng thay đen nếu không muốn nói là ông Đin Raxcơ đã bịa đặt. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ từ ngày ký kết cho đến nay. Trái lại, Mỹ đã không tôn trọng Hiệp định Giơnevơ và ngay từ lúc chữ ký chưa ráo mực đã tích cực hành động phá hoại Hiệp định ấy. Nguyên nhân chủ yếu của cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam ngày nay là do Mỹ đã vi phạm Hiệp định Giơnevơ một cách có hệ thống, đã ngăn cản việc tiến hành cuộc tổng tuyển cử trong cả nước vào tháng 7 năm 1956, phá hoại công cuộc hoà bình thống nhất đất nước chúng tôi. Mỹ đã đem một lực lượng quân sự hùng mạnh và dùng bọn bù nhìn tiến công vào nhân dân miền Nam Việt Nam không có vũ trang. Đó là những sự việc rõ rệt mà ông Đin Raxcơ không thể chối cãi. Đó là những nguyên nhân thực sự của tình hình gay go hiện nay ở miền Nam Việt Nam. Nếu Chính phủ Mỹ đã tôn trọng điều cam kết của mình là sẽ không “dùng sức mạnh hay đe doạ dùng sức mạnh” thì đã không có chiến tranh ở miền Nam Việt Nam” ( Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 303).