Tư tưởng Hồ Chí Minh về “tự lực, tự cường là tiền đề của độc lập tự do” 

Vấn đề độc lập dân tộc và khát vọng tự do luôn là ý chí, khát vọng thường trực bao đời của người Việt Nam từ xưa đến nay. Từ “hòn đá thề” trên đỉnh núi Hy Cương, Phú Thọ nói lên ý chí, khát vọng Vua Hùng và Thục Phán về sự đoàn kết, thống nhất để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập đến Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đền nợ nước, trả thù nhà hay Triệu Thị Trinh hùng hồn khẳng định: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta”… đều khẳng định rõ điều đó.

Nối tiếp dòng chảy truyền thống của dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, vấn đề độc lập cho dân tộc và khát vọng tự do cho Nhân dân đã trở thành nguồn gốc của tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường. Chính ý chí tự lực, tự cường và khát vọng về quyền sống chân chính của dân tộc đã bồi đắp tư tưởng, sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và lan tỏa trong mọi giai tầng xã hội Việt Nam. Nói cách khác, chủ nghĩa yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước “đàng hoàng”, “to đẹp” đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đặt nền móng cho sự phát triển tư tưởng Mác xít ở Việt Nam, tạo ra những điều kiện căn bản, tiên quyết đưa đến những thành công của các mạng nước nhà.

Sau nhiều năm chứng kiến nền độc lập của dân tộc bị xâm phạm, Nhân dân ta “một cổ hai tròng” chịu nhiều lầm than, cực khổ, bị chà đạp, áp bức, các phong trào yêu nước lần lượt nổ ra nhưng đều thất bại, Nguyễn Tất Thành dù rất ngưỡng mộ và kính trọng lòng yêu nước dũng cảm, kiên cường của các bậc tiền bối, nhưng với tấm lòng yêu nước sâu sắc, sự trăn trở về vận mệnh dân tộc, bằng sự hiểu biết của bản thân, đã sớm nhận ra con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc mà cần thiết phải có con đường mới, phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để giành lại độc lập, tự do. Và ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral La Touche De Tréville của Pháp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (lúc ấy mới 21 tuổi), lấy tên mới là Văn Ba đã rời Sài Gòn bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, mang theo khát vọng cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Điều này sớm đã thể hiện tư tưởng, ý chí tự lực, tự cường và một khát vọng lớn, mang tầm nhìn thời đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Luận cương của Lênin đã giúp Người giải đáp những vấn đề cơ bản về con đường giải phóng dân tộc mà Người tìm kiếm bấy lâu. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Trong quá trình tìm đường cứu nước cũng như lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn đề cao ý chí tự lực, tự cường, tự lực cánh sinh và coi đó là phương châm hành động của cách mạng Việt Nam, nhờ đó, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vĩ đại.

“Tự lực, tự cường” nghĩa là gì?

Hiểu theo nghĩa gốc, "tự lực" có nghĩa là dựa vào sức mình để sống và làm việc, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào người khác; "tự cường" có nghĩa là tự làm cho mình mạnh lên, không chịu thua kém người khác, dân tộc khác, thường được dùng với nghĩa dành cho tổ chức, dân tộc, đất nước. Nói cách khác, “tự lực, tự cường” là tự mình lo công việc của mình, gây dựng sức mạnh cho mình, khộng lệ thuộc, không phụ thuộc không ỷ lại ngồi chờ. Đó cũng chính là những phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người, mỗi dân tộc vì chứa đựng trong đó lòng tự trọng, ý chí vươn lên và khát vọng khẳng định bản thân. Tự lực và tự cường có thể đồng thời biểu thị ý chí, năng lực của cá nhân, tổ chức và quốc gia, dân tộc. Trong đó, sự tự lực và tự cường của từng cá nhân sẽ góp phần quan trọng vào việc hình thành sự tự lực và tự cường của tập thể, đất nước, dân tộc.

Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường

Là người tìm đường và dẫn đường cho dân tộc, Hồ Chí Minh luôn đề cao ý chí tự lực, tự cường. Người cho rằng tự lực, tự chủ là phẩm chất, quyền lợi mang "tính người" và nếu con người không có quyền tự chủ thì không còn là con người nữa. Người đã viết: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do/ Mỗi việc, mỗi lời không tự chủ/ Để cho người dắt tựa trâu bò”. Nổi bật trong tư tưởng về ý chí tự lực tự cường của Người là một số nội dung chính sau đây:

Thứ nhất, ý chí tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế.

Nếu hầu hết các đảng cộng sản ở Châu Âu đều có quan điểm rằng, cách mạng ở các thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng ở các nước tư bản (chính quốc), cách mạng ở các nước thuộc địa không thể thắng lợi khi cách mạng vô sản ở chính quốc chưa thắng lợi thì Nguyễn Ái Quốc không tán thành quan điểm đó. Người cho rằng, với ý chí, khát vọng đấu tranh mãnh liệt, bất khuất vì độc lập, tự do, cách mạng ở các nước thuộc địa (trong đó có Việt Nam) hoàn toàn có thể chủ động giành thắng lợi, không phụ thuộc việc cách mạng ở chính quốc có thắng lợi hay không. Tuy nhiên, Người cũng chỉ rõ mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng ở thuộc địa và cách mạng ở chính quốc. Người ví mối quan hệ đó như hai cánh của một con chim. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, vạch trần bản chất của chủ nghĩa tư bản thực dân giống con đỉa có hai vòi, một vòi bám vào giai cấp vô sản ở các nước tư bản, vòi kia hút máu các dân tộc thuộc địa, Người khẳng định muốn tiêu diệt nó, phải cắt cả hai cái vòi, muốn vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng chính quốc.

Thứ hai, ý chí tự lực, tự cường là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

Ý chí tự lực, tự cường trong tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã giúp Người thấy rõ sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc chân chính, bao gồm chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn của các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên chống đế quốc, thực dân. Từ thực tế xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Người đã nhận định: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”. Theo Người, nhân tố mang tính quyết định của cách mạng giải phóng dân tộc chính là sức mạnh của toàn dân tộc. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927), Người viết: “chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”. Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” nhưng “phải củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới”. Người nhấn mạnh vấn đề có tính nguyên tắc: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”.

Ở một nước thuộc địa như Việt Nam, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp trở thành vấn đề sống còn. Trong cuộc đấu tranh đó, chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc được coi là nền tảng căn bản, có thể huy động, tập hợp được hết thảy các giai tầng xã hội đoàn kết trên một mặt trận, đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như bảo vệ vững chắc nền độc lập đó.

Thứ ba, ý chí tự lực, tự cường là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng.

Điều kiện trước hết là phải có một Đảng cách mệnh, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Chính vì thế, mùa xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên do Người soạn thảo. Sự ra đời của Đảng đánh dấu bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong tiến trình cách mạng dân tộc, trở thành nhân tố tiên quyết, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dẫn dắt, tập hợp và lãnh đạo nhân dân từng bước đấu tranh, chuẩn bị các điều kiện mọi mặt, đưa tới sự thành công của cách mạng.

Ngày 28/01/1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Tại Hội nghị TW 8, Người cùng TW Đảng quyết định những vấn đề lớn của cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, xử lý đúng đắn đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, quyết tâm giành cho được độc lập dân tộc; chỉ ra các nhiệm vụ quan trọng, cần kíp để chuẩn bị các điều kiện đảm bảo sự thắng lợi của cách mạng, như: xây dựng lực lượng cách mạng; căn cứ địa cách mạng; tập dượt cho quần chúng đấu tranh, xác định phương pháp đấu tranh; chuẩn bị bộ máy tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ chín muồi và dự kiến các công việc sau khi giành được chính quyền.

Nhờ có sự chủ động, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt,chỉ trong vòng 15 ngày Cách mạng tháng Tám (1945) diễn ra mau lẹ, ít đổ máu, giành thắng lợi hoàn toàn trên cả nước, đập tan chế độ thực dân thống trị nước ta hơn 80 năm, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót nghìn năm, khai sinh nền dân chủ cộng hòa, mở ra một kỉ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, kỉ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thứ , ý chí tự lực, tự cường là đặc biệt chú trọng, phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Nhân dân” là phạm trù cao quý nhất. Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Khi thời cơ cách mạng chín muồi (8/1945), Người đã gửi Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa trong cả nước: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”. Hay thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), Người cũng đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”… Sức mạnh toàn dân được huy động và hiện diện to lớn, tạo nên thành công vĩ đại của CM Việt Nam.

Thứ năm, ý chí tự lực, tự cường là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyết tâm bảo vệ và giữ vững độc lập dân tộc, “nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”, thể hiện rất rõ khi Tổ quốc bị lâm nguy, khi dân tộc phải đương đầu với những kẻ thù có sức mạnh kinh tế - quân sự vào hàng cường quốc thế giới, chống lại âm mưu áp đặt chế độ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc thực dân. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.Trong cuộc đối đầu lịch sử giữa dân tộc Việt Nam và đế quốc Mỹ, Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”; hay: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Có thể khẳng định, theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, tự lực, tự cường là tiền đề của độc lập tự do.

Thực tế đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa đã giúp Hồ Chí Minh hiểu rằng: Công cuộc giải phóng phải là công cuộc "tự giải phóng" chứ không thể trông chờ vào thiện chí hay sự bố thí, rộng lượng của những kẻ cướp nước. Vì thế, lên án chủ nghĩa thực dân bao nhiêu thì Người cũng quyết liệt bấy nhiêu trong việc kêu gọi Nhân dân các dân tộc bị áp bức tiến hành cuộc đấu tranh tự giải phóng: "Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em".Trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm hoạt động quốc tế, Người luôn nhấn mạnh: Việc giải phóng của ta phải do ta tự làm lấy chứ không thể trông mong vào lực lượng bên ngoài. Tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi vào tháng 8/năm 1945, Người đã kêu gọi đồng bào "đem sức ta mà giải phóng cho ta". Sức mạnh như "triều dâng, thác đổ" của tinh thần dân tự giải phóng đã mang lại nền độc lập thiêng liêng cho Tổ quốc. Thắng lợi này thể hiện việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin ở một nước thuộc địa, khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, tinh thần, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân tộc theo tư tưởng của Bác. Tư tưởng tự lực, tự cường, chủ động chuẩn bị chu đáo các điều kiện cách mạng tiếp tục được phát triển và khẳng định trong các giai đoạn cách mạng sau, đưa tới thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945- 1954), kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975), trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước (1975- nay), đặc biệt trong 35 năm đổi mới (1986- nay).

Từ kinh nghiệm và bài học thực tế của Việt Nam và thế giới, Người đã rút ra kết luận: "Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập". Với vị thế của một nguyên thủ Quốc gia, Hồ Chí Minh tìm mọi cách để duy trì sự độc lập, tự chủ của nhân dân Việt Nam. Người nói: "Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào", kể cả sự can thiệp của các đồng minh. Khi động viên toàn dân tích cực tham gia và ủng hộ kháng chiến vì nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc, Người nói rõ: "Mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do".

Trong quan hệ quốc tế cũng vậy, Người luôn coi đoàn kết quốc tế là chiến lược trọng yếu của Đảng nhưng Người hiểu rằng, muốn tăng cường đoàn kết quốc tế thì trước hết phải tăng cường nội lực dân tộc, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh; nếu không có thực lực thì không thể nói gì đến ngoại giao, càng không thể mong muốn sự bình đẳng, độc lập, tự chủ mà "chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy". Khi Việt Nam đánh Mỹ và nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và Trung Quốc, Hồ Chí Minh vẫn kiên trì nhắc nhở cán bộ và Nhân dân: "Các nước bạn ta, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc ra sức giúp đỡ ta một cách vô tư, khẳng khái, để chúng ta có thêm điều kiện tự lực cánh sinh”chứ không phải để ta sinh ra tật ỷ lại, trông chờ vào người khác.

Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới “tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường”, ngoài tiềm lực kinh tế, khát vọng phát triển của toàn dân tộc thì ý chí tự lực, tự cường chính là điều kiện cốt lõi để đất nước ta bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế. Việc phát huy ý chí tự lực tự cường vốn là nét đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam đã được Hồ Chí Minh phát triển lên một tầm cao mới tiếp tục cho thấy giá trị và soi đường cho dân tộc Việt Nam trong hành trình tiến tới “sánh vai với các cường quốc năm châu” như khát vọng lớn lao mà Người đã kí thác lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Minh Huyền

20638 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1230
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1230
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87177917