Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận thiên tài của cách mạng Việt Nam. Toàn bộ di sản tư tưởng của Người là một kho báu văn hóa của dân tộc, hàm chứa nhiều lĩnh vực rộng lớn và phong phú, đặc sắc và sáng tạo, rất trí tuệ và đậm chất nhân văn. Trong đó, tư tưởng về văn hóa, con người chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là vốn quý nhất, động lực, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến lời Di chúc cuối cùng, lúc là thầy giáo, khi là nhà báo, nhà vǎn, là Chủ tịch nước... Trong hàng ngàn bài viết và lời nói của mình, từ lá thư đầu tiên gửi cụ Phan Chu Trinh nǎm 1913, đến lời Di chúc cuối cùng, vấn đề tha thiết nhất và thống thiết nhất ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là các vấn đề của con người. Trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: Đầu tiên là vấn đề con người. Rõ ràng, đối tượng trung tâm trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới là xây dựng con người mới. Con người mới ở đây là mỗi một con người Việt Nam, là con người trong gia đình, trong xã hội, là người công dân của nước nhà, người đảng viên, người cán bộ của Đảng và Nhà nước, nói rộng ra là con người trên cả hành tinh của chúng ta. Cho nên, chiến lược con người là chiến lược số một, xây dựng con người mới trở thành vấn đề có ý nghĩa chiến lược.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi các vấn đề về con người, về giải phóng con người và về sự nghiệp trồng người là mục tiêu, là trách nhiệm vẻ vang, cao cả nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Vì vậy, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, Người yêu cầu phải tích cực, chủ động xây dựng con người mới phát triển toàn diện. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải mọi con người đều trở thành động lực mà phải là những con người được giác ngộ và tổ chức. Họ phải có trí tuệ và bản lĩnh, văn hóa, đạo đức, được nuôi dưỡng trên nền tảng truyền thống lịch sử và văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

Con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng, trước hết, là con người có lý tưởng sống cao đẹp, sống vì mọi người và có tinh thần đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng con người và xã hội loài người, đó là con người “hồng thắm”; thứ hai, là con người có đạo đức trung thực, thẳng thắn, liêm khiết, khiêm tốn, dũng cảm, đó là con người “có đức”. Để những con người “hồng thắm” và “có đức” này mang lại lợi ích cho mình và cho xã hội thì cần phải có sự hiểu biết, năng lực chuyên môn và thể hiện ở hành động, hiệu quả trong lao động cần cù sáng tạo, đó là con người “chuyên sâu” và “có tài”. Theo Người, “hồng thắm” và “chuyên sâu”, “có đức” và “có tài” phải được kết hợp chặt chẽ với nhau, quan hệ mật thiết với nhau. Người chỉ rõ: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nhà nước. Có đức không có tài, không giúp ích gì được ai”.

Như vậy, giữa “đức” với “tài”, “hồng” với “chuyên” trong tư tưởng Hồ Chí Minh phải gắn bó, kết hợp chặt chẽ nhau, bổ trợ nhau, hòa quyện với nhau, là cơ sở, điều kiện, tiền đề của nhau, thúc đẩy lẫn nhau, làm nên sự hoàn thiện trong nhân cách con người. Những con người hồng thắm, chuyên sâu, có đức, có tài, đó là những con người biết kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Những con người như vậy không phải tự nhiên có, mà là sản phẩm của một quá trình giáo dục, đào tạo và rèn luyện lâu dài, công phu.

Nội dung xây dựng con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”. Đó là những con người có mục đích và lối sống cao đẹp, có bản lĩnh chính trị vững vàng,  những con người của chủ nghĩa xã hội, có tư tưởng, tác phong và đạo đức xã hội chủ nghĩa và năng lực làm chủ. Xây dựng con người toàn diện bao gồm: Có ý thức làm chủ, tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa và tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”; Cần kiệm xây dựng đất nước, hăng hái bảo vệ Tổ quốc; Có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quốc tế trong sáng; Có phương pháp làm việc khoa học, phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; bồi dưỡng về năng lực trí tuệ, trình độ lý luận chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, sức khỏe.

Xây dựng con người phải bằng những phương pháp khoa học, cách mạng. Mỗi người tự rèn luyện, tu dưỡng ý thức, kết hợp chặt chẽ với xây dựng cơ chế, tính khoa học của bộ máy và tạo dựng nền dân chủ. Việc nêu gương, nhất là người đứng đầu, có ý nghĩa rất quan trọng. Hồ Chí Minh thường nói đến “tu thân, chính tâm” thì mới có thể “trị quốc, bình thiên hạ” (làm những việc có lợi cho nước, cho dân). Văn hóa phương Đông cho thấy “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Hồ Chí Minh thường nhắc lại những điều ấy trong khi bàn biện pháp xây dựng con người. Người nói rằng “lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau” là rất cần thiết và bổ ích. Biện pháp giáo dục có một vai trò quan trọng. Hồ Chí Minh nhắc nhở “hiền, dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Xây dựng con người mới trước hết cần tạo cho họ một nền tảng văn hóa mới vững chắc, nhất là đối với người cán bộ, đảng viên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân cách văn hóa của người cán bộ, đảng viên và những người lãnh đạo cách mạng phải gắn bó với Nhân dân, vừa phải làm gương mẫu cho Nhân dân noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng như là phẩm chất cốt lõi của nhân cách văn hóa ở cán bộ, đảng viên và các nhà lãnh đạo cách mạng. Như vậy, nhân cách văn hóa của người cán bộ, đảng viên và cán bộ lãnh đạo cách mạng của Đảng phải được nuôi dưỡng trong nguồn sữa của Nhân dân và phải tỏa sáng trong Nhân dân. Nếu tách rời mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo với Nhân dân thì không thể xây dựng được nhân cách văn hóa của họ.

Để giúp cán bộ, đảng viên và cán bộ lãnh đạo hoàn thiện được nhân cách văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh đến công tác chỉnh đốn Đảng. Tổ chức Đảng có vai trò đặc biệt trong việc rèn luyện, giáo dục, xây dựng nhân cách văn hóa cho từng cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng xây dựng tiêu chuẩn nhân cách văn hóa của người cán bộ, đảng viên và người lãnh đạo cách mạng. Người thường xuyên giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên thực hiện các tiêu chuẩn sau:

1. Suốt đời kiên quyết phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

2. Rèn luyện tư tưởng vô sản, sửa chữa tư tưởng sai lầm. Kiên quyết đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, không đứng chân trong chân ngoài.

3. Đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Biết đem lợi ích riêng của cá nhân phục tùng lợi ích chung của cách mạng.

4. Tuyệt đối chấp hành nghị quyết và kỷ luật của Đảng.

5. Liên hệ chặt chẽ với quần chúng.

6. Luôn luôn cố gắng học tập, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí mình.

Thực tiễn chứng minh, văn hóa, chính trị, cách mạng, đạo đức... thống nhất, hòa quyện với nhau từ chính mục đích sống và lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người tâm niệm: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là lý tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức và lý tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng các thuật ngữ người cách mạng, người chiến sĩ, con người mới, con người xã hội chủ nghĩa trong các giai đoạn lịch sử cụ thể và cũng đã nêu ra những tiêu chuẩn cho từng cộng đồng người khác nhau với những yêu cầu về đức, trí, thể, mỹ nhất định. Song bao trùm và chính xác vẫn là con người cách mạng. Bởi phạm trù cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất xúc tích, hàm chứa tính lý luận cao. “Cách mạng là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Người cách mạng cũng bao hàm ý nghĩa đó. Người cách mạng luôn biết làm cho mình mới hơn, tốt hơn chứ không phải là chủ thể hành động phá cái xấu, cái cũ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người đều có phần thiện, phần ác, có mặt mới, mặt cũ. Vấn đề ở chỗ mặt nào nhiều hơn và mỗi người phải phấn đấu sao cho những cái mới ngày càng nhiều, những cái cũ ngày càng ít. Quá trình hình thành con người mới là quá trình đấu tranh để xóa bỏ cái cũ, xây dựng cái mới từ thấp đến cao, từ chỗ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Xây dựng con người mới là công việc không đơn giản, nhiều khó khăn hơn bất kỳ công việc nào, không thể một sớm một chiều mà thành công được. Xây dựng con người là cả một “công trình” khoa học. Trước hết, đây là quá trình con người tự xây dựng mình là chính, không chỉ về mặt thể lực mà cả đời sống vật chất và tinh thần trong sự phong phú đa dạng của nó. Mặt khác, trong quá trình xây dựng con người mới thì bản thân con người vẫn phải tiến hành mọi hoạt động của mình, vẫn phải đi qua mọi thời kỳ sống của cuộc sống con người và đứng trước những đòi hỏi, yêu cầu luôn đổi mới của xã hội. Hơn nữa, để xây dựng được con người mới không phải chỉ giải quyết những vấn đề trực tiếp của con người mà còn phải giải quyết hàng loạt vấn đề của đất nước, của xã hội thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Xây dựng, phát triển văn hóa, con người có vai trò vô cùng quan trọng đối với mục tiêu phát triển và tiến bộ xã hội vì nó góp phần kiến tạo nền tảng tinh thần cho đất nước từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII ;Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, làm rõ quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng về phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới; Đại hội XIII của Đảng khẳng định vai trò, ý nghĩa đặc biệt của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030.

Bước vào thời kỳ mới, Quảng Trị cùng cả nước tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập quốc tế. Trong quá trình đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh xác định con người là nhân tố quyết định. Việc phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị là việc làm có ý nghĩa quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là giải pháp quan trọng, động lực thúc đẩy quá trình phát triển của tỉnh. Con người Quảng Trị vừa mang những phẩm chất chung của người Việt Nam như giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính nhưng nhưng ở con người Quảng Trị lại trở thành nổi bật như là một bản sắc rất đặc biệt, đó là: tình yêu nước, yêu quê hương, làng xóm sâu sắc, có tinh thần dũng cảm, quật cường, sẵn sàng xả thân chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Cùng với đó là tính thương người, sống có nghĩa tình, thủy chung và đôn hậu. Trong cuộc sống thì bộc lộ rõ tính cần cù, chịu thương, chịu khó, chịu khổ, lạc quan và có tố chất nghệ sĩ. Trong học hành thì luôn thể hiện tinh thần hiếu học, khát vọng vươn cao và có tố chất thông minh, tài trí. Trong ứng xử thì thật thà, bộc trực, ngay thẳng khí khái, tôn trọng và bảo vệ lẽ phải, vì nghĩa; hòa đồng với thế giới bên ngoài, có khát vọng giao hòa, hội nhập và tình đoàn kết quốc tế vô tư, trong sáng. Bên cạnh đề cập đến những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của con người Quảng Trị cần được phát huy trong thời kỳ mới, các nhà nghiên cứu cũng đã nêu ra những biểu hiện hạn chế trong tính cách con người Quảng Trị. Để giữ gìn, bồi đắp, phát huy hơn nữa những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị, cần khắc phục những hạn chế trong tính cách, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới, tình hình mới.

Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, nhân cách, tâm hồn. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Xây dựng và phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"; hình thành ý thức, lối sống tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu. Lê Như Tâm

333 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 950
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 950
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87035467