Tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 

Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là trang sử vàng chói lọi trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam nói chung và của nhân dân các nước nước thuộc địa trên toàn thế giới ở thế kỷ 20. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm lên sự kiện lịch sử trọng đại này là sự chỉ đạo sáng suốt và đúng đắn về phương hướng tác chiến cùng sự động viên quân dân rất kịp thời của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện và lâu dài”, từ 1946 đến 1953 quân dân ta đã dần giành thế chủ động trên khắp các chiến trường còn quân Pháp bị đẩy vào thế phòng ngự bị động và sa lầy ở Đông Dương. Trong khi đó tình hình chính trị, xã hội tại nước Pháp ngày càng rối ren, phức tạp đã đẩy nền kinh tế của nước Pháp lâm vào khủng hoảng trầm trọng, các phong trào đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh Đông Dương của nhân dân Pháp ngày càng lan rộng, mâu thuẫn trong giới cầm quyền Pháp ngày càng gay gắt. Trước tình hình trên, giới cầm quyền hiếu chiến Pháp chủ trương dựa vào sự viện trợ của Mỹ nhiều hơn để tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, nhằm tìm cho nước Pháp “một lối thoát danh dự” ra khỏi cuộc chiến tại Việt Nam. Được sự hậu thuẫn của Mỹ, tháng 5/1953, chính phủ Pháp cử tướng Henri Nava sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Sau khi nghiên cứu thực trạng chiến trường Đông Dương và căn cứ vào ý đồ chính trị của Pháp cùng thái độ của Mỹ đối với cuộc chiến tranh Đông Dương, tướng Nava vạch ra một kế hoạch quân sự mang tên “Kế hoạch Nava” với hy vọng trong một thời gian ngắn sẽ giành một thắng lợi quyết định về quân sự, xoay chuyển tình thế cuộc chiến ở Đông Dương, chuyển bại thành thắng. Theo kế hoạch Nava, phần tác chiến gồm hai bước và hoàn thành trong 18 tháng. Bước 1, từ thu - đông 1953 đến xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược ở Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam, tập trung binh lực xây dựng lực lượng cơ động chiến lược mạnh. Bước 2, từ thu - đông 1954, dồn toàn bộ lực lượng ra Bắc, chuyển sang tiến công chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng nhằm kết thúc chiến tranh.

Trước tình hình trên, cuối tháng 9/1953, tại bản Tỉn Keo, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa cuộc họp Bộ Chính trị bàn và quyết định kế hoạch tác chiến Đông - Xuân (1953-1954). Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị hai phương án. Phương án thứ nhất: địch tập trung lực lượng ở đồng bằng Bắc Bộ, uy hiếp vùng tự do của ta, thì ta cần tập trung toàn bộ hay phần lớn chủ lực ta ở đồng bằng, tranh thủ tiêu diệt một bộ phận quân địch, phối hợp đẩy mạnh chiến tranh du kích, bảo vệ vùng tự do trong một thời gian. Sau khi địch bị tổn thất đến mức độ nhất định, vùng tự do của ta được củng cố, lúc đó ta sẽ tuỳ tình hình để chủ lực hoạt động ở vùng đồng bằng hoặc điều động đi hướng khác. Phương án hai: địch tập trung số lượng ở đồng bằng Bắc Bộ, chiến trường đồng bằng lại có nhiều thuận lợi cho địch, ít thuận lợi cho chủ lực ta tác chiến; sử dụng chủ lực ở đó chỉ có thể thu được những thắng lợi có hạn, mà lại có thể bị tiêu hao lực lượng.

Quyết tâm của Tổng Quân uỷ là chọn phương án thứ hai, với chủ trương: chưa nên đánh vào đồng bằng ngay mà phải phá tan âm mưu tập trung binh lực của địch để tạo điều kiện tác chiến tương đối lớn. Ta sẽ đưa một bộ phận chủ lực lên hoạt động ở Tây Bắc và đề nghị các đồng chí Pha-thét Lào cùng phối hợp với bộ đội ta hoạt động tại những chiến trường địch sơ hở để buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó. Trong khi đó, ta sẽ đẩy mạnh chiến tranh du kích tại tất cả chiến trường sau lưng địch, đặc biệt tại đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời, giấu một số đơn vị chủ lực mạnh tại những vị trí cơ động để kịp thời tiêu diệt địch khi chúng đánh ra vùng tự do. Lúc này, do ta còn phải tiếp tục nghiên cứu để nắm được những điều cụ thể trong âm mưu mới của địch nên phương châm chỉ đạo tác chiến là cơ động, linh hoạt. 

Tháng 11/1953, Nava cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, xương sống của “Kế hoạch Nava”. Lực lượng của địch ở đây lên tới 16.000 quân, bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 03 tiểu đoàn pháo binh, 01 tiểu đoàn công binh, 01 đại đội xe tăng, 01 đại đội xe vận tải, 01 phi đội máy bay thường trực cùng nhiều vũ khí hiện đại của Pháp và Mỹ nhằm làm bàn đạp chiếm lại Tây Bắc, khống chế chiến trường Lào, đồng thời giữ quân chủ lực ta ở Việt Bắc để quân Pháp rảnh tay hoạt động ở đồng bằng Bắc Bộ và đánh chiếm Liên khu 5. Hy vọng duy nhất của Nava là ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một cứ điểm quân sự mà cùng với các Bộ trưởng, tướng lĩnh Pháp và nhiều tướng lĩnh Mỹ đã nhiều lần tới kiểm tra cứ điểm Điện Biên Phủ, kể cả Phó Tổng thống Mỹ Níchxơn, đều hết lời ca ngợi và tuyên truyền đây là “một cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm, không thể công phá”.

Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác nhận định tình hình chiến sự Đông Xuân 1953 - 1954 và thống nhất chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, đòn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Người chỉ rõ "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được". Cũng trong cuộc họp quan trọng này, Người cùng Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận.

Ngày 05/01/1954, trước khi lên đường ra trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Bác Hồ ở Khuổi Tát. Bác hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?” Đại tướng trả lời: Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị. Bác động viên: “Tổng tư lệnh mặt trận, “tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau.”

Khi chia tay, Người dặn dò Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Trong hồi ký, Vị tư lệnh chiến dịch “cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng nề.”

Ngày 12/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số cán bộ cùng đến sở chỉ huy thì được biết phía ta và cố vấn đã thống nhất sẽ nổ súng mở màn chiến dịch vào ngày 20/01, với phương châm là “Đánh nhanh giải quyết nhanh” trong vòng 3 đêm 2 ngày.

Lúc này, dù chưa đồng tình với cách đánh nhanh nhưng tại hội nghị phổ biến nhiệm vụ, Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp vẫn ân cần căn dặn mọi điều để cán bộ biết phương hướng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ theo phương hướng kế hoạch đã phổ biến. Còn ông xác định cần tiếp tục suy nghĩ để nắm chắc tình hình thực tế hơn nữa và tìm thêm những yếu tố có thể dẫn đến giành thắng lợi bằng cách đánh nhanh hay không?.

Điều Đại tướng trăn trở không chỉ vì những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn “Chiến dịch này rất quan trọng, chỉ được đánh thắng, không chắc thắng thì không đánh,” mà còn vì trách nhiệm trước xương máu của chiến sỹ. Nếu chiến dịch không thắng, hơn bốn đại đoàn chủ lực bị thương vong lớn thì tiền đồ cuộc kháng chiến sẽ ra sao, vị thế của đoàn ngoại giao ta tại Giơnevơ sẽ thế nào!.

Sau này, những băn khoăn này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện trong hồi ký: “Từ hội nghị Thẩm Púa tới khi đưa pháo vào trận địa đối với tôi là một thời gian rất dài. Nhiều đêm thao thức. Suy tính, cân nhắc rất nhiều lần, vẫn chỉ tìm thấy rất ít yếu tố thắng lợi. Tôi căn dặn các phái viên đi nắm tình hình, thấy bất cứ điều gì đáng chú ý đều phải báo cáo kịp thời. Mọi người đều phản ánh tinh thần chuẩn bị chiến đấu rất cao của cán bộ, chiến sỹ. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói với tôi: trong quá trình chiến đấu, sẽ phải đột phá liên tục ba lần mới vào được trung tâm.

Nhưng đây chỉ là sự tính toán công việc phải làm. Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ, đảm nhiệm mũi thọc sâu, hoàn toàn giữ im lặng. Sang ngày thứ chín, hai ngày trước khi nổ súng, đồng chí Phạm Kiệt, Cục phó Cục Bảo vệ, theo dõi việc kéo pháo ở phía Tây, đề nghị gặp tôi qua điện thoại. Anh Kiệt nhận xét: “Pháo của ta đều đặt trên trận địa dã chiến, địa hình rất trống trải, nếu bị phản pháo hoặc máy bay đánh phá sẽ khó tránh tổn thất. Một số pháo vẫn chưa kéo được tới trận địa”.

Sau khi lùi thời gian mở màn chiến dịch đến ngày 25-01-1954, rồi lùi thêm một ngày đến 26-01 với lý do khó khăn trong việc kéo pháo vào, chưa đảm bảo sức khoẻ…, sáng ngày 26-01, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp - đã nêu rõ quyết định của mình: tạm hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại từ đầu để đánh theo phương châm “Đánh chắc tiến chắc”. 

Thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc” được coi là sự kiện kịch tính nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp, điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời chỉ huy của mình.

Trải qua vài giờ trao đổi, với tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm cao, cuối cùng tập thể Đảng ủy cũng tán thành với sự thay đổi này và nhất trí cho rằng, thay đổi phương châm tác chiến là một quyết tâm rất lớn, là thể hiện cụ thể sự quán triệt tư tưởng chỉ đạo đánh chắc thắng của Trung ương. 

Do tính chất tối quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ nên Bác dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, động viên quân và dân ta từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch. Ngay khi các đơn vị ta tiến lên Tây Bắc, Người đã gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ: “Thu – Đông năm nay, các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào bị giặc đè nén. Năm ngoái, các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch, đã thắng lợi to. Bác rất vui lòng... các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh... Bác và Chính phủ chờ tin thắng lợi để khen thưởng các chú”.

Ngày 22/02/1954, Tổng Tư lệnh ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, toàn thể các đơn vị, các binh chủng kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch. Lời kêu gọi phát ra, bộ đội ta hăng hái khoét núi, đào hầm, kéo pháo vào trận địa, đánh chiếm các cứ điểm Hồng Cúm, sân bay Mường Thanh. Giữa lúc đó có thư của Bác Hồ: “Các chú ra trận, nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự đã thu được nhiều thắng lợi. Bác tin chắc rằng, các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to - Bác hôn các chú”. Lời động viên kịp thời của Người đã biến thành hành động thực tế của cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ.

Sau khi hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, đúng 17g5 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tiến công địch, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Vào 17g55 phút ngày 07/5/1954, tướng Đờ Cát và cả Ban Tham mưu địch bị bắt. Vào nửa đêm ngày 7/5/1954, toàn bộ quân địch ở cứ điểm cuối cùng Hồng Cúm xin đầu hàng.

56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh thắng lợi tại Hội nghị Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Ngay sau ngày giành chiến thắng, tức là ngày 08/5/1954, Bác đã viết thư “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen cán bộ, chiến sĩ dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bước đầu. Chúng ta không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để đấu tranh độc lập thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự, ngoại giao đều phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”.

Gần 70 năm trôi qua (07/5/1954-07/5/2023), chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam quật cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo, là niềm tin của các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do. Để có được chiến công lẫy lừng đó, chính là nhờ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác không chỉ theo dõi sát sao tình hình ngoài trận địa để đưa ra những phương châm, chiến lược chỉ đạo đúng đắn mà còn quan tâm, săn sóc và cổ vũ, động viên kịp thời các cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đang chiến đấu vì độc lập tự do của nước nhà. Người đã truyền cho các chiến sĩ ta một ý chí quyết chiến quyết thắng, một nghị lực, một sức mạnh phi thường, một niềm tin sắt đá để quân và dân ta vượt qua khó khăn hiểm nguy giành thắng lợi hoàn toàn. Đặc biệt, chỉ với lời Bác động viên: “Tổng tư lệnh mặt trận, “tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền”, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên giáp đã đươc thể hiện rõ khi chuyển phương châm tác chiến sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định này đã làm nên thắng lợi lịch sử, kết thúc thành công sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Chính vì vậy, khi trả lời một chính khách nước ngoài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hồ Chí Minh là một nhà chiến lược thiên tài, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam". Còn Đại tướng Henri Nava, người đối đầu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trận Điện Biên phủ cũng thừa nhận: “Phía Việt Nam chiến thắng là đúng. Vì trong suốt 9 năm chiến tranh, họ chỉ có 1 người chỉ huy quân sự duy nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và 1 người chỉ huy chính trị cao nhất là Hồ Chí Minh”. Trong khi đó, phía Pháp có tới 20 Chính phủ, 7 Tổng tư lệnh, 8 Cao ủy thay nhau liên tiếp chỉ huy ở Đông Dương mà vẫn thất bại”. Thu Hà

 

1004 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 769
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 769
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87030312