Tự phê bình và phê bình cho đúng - Một việc làm khó và nhạy cảm 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình, phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau, là công cụ quan trọng nhất để xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Đoàn kết trong Đảng là đoàn kết thống nhất từ trong tư duy, nhận thức, lý tưởng đến hành động cách mạng hàng ngày”.

Đối tượng là con người, nên tự phê bình và phê bình là việc làm khoa học và nghệ thuật. Có số ý kiến cho rằng, con người tâm lý chung là thích được khen, khó chấp nhận lời chê, nên việc tự phê bình và phê bình cho đúng là vô cùng nhạy cảm và thực sự khó khăn. Tự phê bình về mình có khi là dễ, nhưng có khi cũng khó, vì phải đấu tranh với bản thân, với cái tôi, lòng tự trọng; sợ mất thể diện, mất uy tín, mấy ai dám dũng cảm thừa nhận khuyết điểm, cái sai, cái non kém của mình. Tự phê bình mình đã khó, phê bình đồng chí mình càng khó khăn hơn, sợ bị đụng chạm, bị “trả đũa” cho nên im lặng cho an toàn. Trong phê bình, không ít trường hợp người ta chọn cách là “lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng” (như nội dung 27 biểu hiện theo NQTW4 khóa XII đã chỉ rõ). Vì vậy, thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình chính là đấu tranh với  mình đầy khó khăn, phức tạp, nhưng đấu tranh để đi đến đoàn kết thống nhất trong tổ chức Đảng, góp phần cho Đảng ngày càng vững mạnh. Vì vậy, tự phê bình và phê bình được xem là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hoạt động trong điều kiện càng nhiều khó khăn, càng nhiều va chạm, đòi hỏi thử thách càng lớn, thì con người khó tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm và càng dễ gặp nhiều hiềm khích, ích kỷ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Tự phê bình để nhận rõ và gạt đi những bụi bẩn cũng “như công việc tắm gội, rửa mặt hàng ngày” không thể thiếu được. Theo Người: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Thực hiện phương châm đó, trong quá trình phát triển, Đảng ta đã có rất nhiều sự kiện thể hiện sự dũng cảm, bản lĩnh trong tự phê bình và phê bình. Khi có những sai lầm mắc phải, Đảng ta đã dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và thực hiện sửa chữa nó có hiệu quả; thậm chí có những cán bộ, đảng viên tự mình nhận trách nhiệm và xin từ chức.

Dù trong hoàn cảnh của cuộc kháng chiến đầy gian khổ, khốc liệt, nhưng các cuộc sinh hoạt chi bộ gắn với tự phê bình và phê bình vẫn thực hiện nghiêm túc. Mỗi đảng viên mong đến kỳ sinh hoạt chi bộ để được biết thông tin, nhận nhiệm vụ mới, chia sẽ khó khăn, vất vã...trong sản xuất, công tác và chiến đấu, hơn nữa là được đồng chí mình phê bình, góp ý thiện chí xây dựng, giúp mình mau tiến bộ. Chi bộ trở thành tổ ấm, sau đợt tự phê bình và phê bình, tình đồng chí, đồng đội càng ngày càng mật thiết, quý trọng nhau. Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng được xem là hành động cách mạng, cử chỉ văn hóa, vì lợi ích và sự nghiệp chung của Đảng và dân tộc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bao nhiêu năm hoạt động bí mật, dù bị bọn thực dân khủng bố gắt gao và Đảng ta gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Đó là vì Đảng ta khéo dùng cái vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình”.

Bước vào giai đoạn cách mạng mới hiện nay, trước yêu cầu của công tác xây dựng đảng, nhiều tổ chức đảng (TCĐ) thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình, góp phần cũng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ đảng, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Song, bên cạnh đó còn có không ít tổ chức đảng chất lượng tự phê bình và phê bình thấp, mang tính hình thức. Trong tự phê bình của đảng viên thiếu tính tự giác, mặt hạn chế, khuyết điểm nêu chung chung, ví như: “ thiếu chủ động trong tham mưu”; “thực hiện kế hoạch đôi khi còn chậm”, “ít đi cơ sở”, “thiếu mạnh dạn trong phê bình”.....Có ý kiến cho rằng, đi sâu nhiều hạn chế, khuyết điểm khác nào “vạch lá cho người xem lưng”,“ thưa ông tôi ở bụi này”, hoặc là để so sánh mức độ tự kiểm điểm của người khác để soi vào mình... Trong việc phê bình có biểu hiện “dĩ hòa vi quý”, dẫn đến thiếu chính kiến, làm ngơ trước những thiếu sót, khuyết điểm của người khác. Hoặc là phê bình thì chủ yếu nói về thành tích và ưu điểm....Khi phê bình có trường hợp nói không hết nhẽ, chưa “thấu tình, đạt lý”  nên đồng chí mình khó tiếp thu, sinh ra mặc cảm, thù hằn; hoặc sợ phê bình sẽ đụng chạm “nhóm lợi ích”, bị cô lập, trù dập, kết quả là mất phiếu bầu, phiếu thăm dò khi đề bạt, xét thi đua, khen thưởng... Không ít trường hợp khi phê bình lãnh đạo thì tâng bóc thành tích, kiểu như: đồng chí có tầm nhìn xa, kiên quyết và bản lĩnh, được đào tạo cơ bản, giữ vững nguyên tắc, hòa đồng với anh em... nêu khuyết điểm thì: Tôi "mong đồng chí giữ gìn sức khỏe, phân công, phân cấp mạnh hơn; mong đồng chí sắp xếp thời gian khoa học, dành thời gian đi cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn anh em được nhiều hơn; mong đồng chí quan tâm hơn tới bộ phận phục vụ...".  Phê bình lãnh đạo là vậy, nhưng khi phê bình đồng chí khác thì xoi mói mang tính “bới lông, tìm vết”, công kích, “hạ bệ’ nhau. Hoặc khi mình có khuyết điểm, vi phạm thì tìm cách “dàn xếp” thông đồng nhau cho ổn thỏa... Nhưng sự thật, sau một thời gian, ở đó năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng bị giảm sút, tình trạng tiêu cực, mất dân chủ, chia bè kéo cánh xãy ra, có nhiều đơn thư tố cáo, qua kiểm tra mới phát hiện ra khuyết điểm, vi phạm, gây tổn thất không nhỏ về cán bộ và uy tín của tổ chức Đảng.

Từ thực trạng đó, để tự phê bình và phê bình trong Đảng có hiệu quả, trước hết phải nhận thức đúng vị trí, vai trò, mục đích, yêu cầu của việc tự phê bình và phê bình, đồng thời chúng ta cần nắm vững những nguyên tắc cơ bản trong tự phê bình và phê bình sau đây:

Một là: Tự phê bình và phê bình phải trên tinh thần xây dựng, với mục đích là để giúp nhau tiến bộ, vì vậy động cơ phải trong sáng, trên “tình đồng chí thương yêu nhau”. Bác Hồ nhắc nhở chúng ta là “phải sống với nhau có tình có nghĩa”, nên  không lấy phê bình để công kích, áp đặt khuyết điểm cho nhau. Khi phê bình phải chân thành, thẳng thắn, thắm tình đồng chí trên tinh thần xây dựng, không có dụng ý xấu, không thiên tư, thiên kiến, không chen động cơ cá nhân, không có sự trả thù, trù dập.

Hai là, Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau, đã là con người thì ai cũng có những khuyết điểm và ưu điểm. Vì vậy, phê bình phải đúng lúc, đúng chỗ nhằm phát huy ưu điểm và đồng thời phải khắc phục được những khuyết điểm, sai lầm. Chỉ nói cái xấu, mạt sát nhau là sai lệch, nhưng cổ vũ ưu điểm không đúng mức sẽ trở thành tâng bốc, nịnh hót nhau. Điều này đòi hỏi người phê bình phải suy nghĩ thật kỹ về điều mình sắp nói, không thêm bớt ưu, khuyết điểm, càng khách quan bao nhiêu càng mang lại hiệu quả bấy nhiêu. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét.

Ba là, Phải coi tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi người. Không nên coi phê bình, tự phê bình là “có vấn đề”, là ghê gớm, nặng nề, căng thẳng, cũng không làm hời hợt, chiếu lệ; phải có thái độ khen chê đúng mức, giúp cho người có khuyết điểm sửa chữa; đồng thời có tác dụng giúp người khác thấy đó để đề phòng, tránh gặp khuyết điểm tương tự. Theo Hồ Chí Minh, “Người mắc khuyết điểm hôm nay, ngày mai chưa chắc đã mắc khuyết điểm. Người hôm nay chưa mắc khuyết điểm chưa chắc ngày mai cũng không mắc khuyết điểm”.

Bốn là: Tự phê bình và phê bình cần có phương pháp tốt, phải “thấu tình đạt lý” mới mang đến hiệu quả thiết thực. Phương pháp phê bình là phải chân thành, dân chủ, thẳng thắng, trung thực. Tự phê bình và phê bình  phải được tiến hành trong tổ chức, chứ không phải gặp đâu nói đó. Tự phê bình thì phải tự đặt mình vào vị trí của người khác để phê bình mình. Trong khi phê bình, người đứng đầu phải gương mẫu và rất công minh, tạo được chỗ dựa tin cậy, khơi dậy được không khí dân chủ, thẳng thắn để ai cũng có thể nói rõ chính kiến của mình, không phải “việc bé xé ra to”, đó cũng là nguyên nhân của sự mất đoàn kết nội bộ.

Năm là: Tự phê bình và phê bình phải có thái độ chân tình cầu thị, nói đúng ưu điểm và khuyết điểm, phê bình phải đúng lúc, có hoàn cảnh thích hợp; người được góp ý phê bình không chủ quan, bảo thủ, không tự ái cá nhân, quanh co, từ chối hoặc lặng im bỏ ngoài tai tất cả, coi thường tập thể, coi thường tổ chức. Đồng thời, chi bộ phải thường xuyên giúp đỡ, động viên để tránh cho người bị phê bình “nản chí, oán ghét” người phê bình.

Sáu là, Cần đổi mới nội dung, hình thức tự phê bình và phê bình. Nội dung tự phê bình và phê bình phải là những vấn đề cụ thể, sát thực đối với đời sống hằng ngày cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên. Cách thức tiến hành phải mềm dẻo, khéo léo. Nghị quyết TƯ 4 khóa XII nêu 27 biểu hiện suy thoái cần được ngăn chặn, đẩy lùi, đây chính là nền tảng, cơ sở để phê bình và tự phê bình, mỗi cán bộ đảng viên cần thực hiện “tự soi, tự sửa” vào 27 biểu hiện. Diễn đàn chi bộ: “Vai trò của chi bộ Đảng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” trong nội bộ” theo Kế hoạch số 47-KH/TU là trên tinh thần thực hiện Nghị quyết TƯ 4 khóa XII, tạo diễn đàn đối thoại, thảo luận, trao đổi một cách dân chủ, cởi mở để mỗi tổ chức Đảng, cá nhân liên hệ vào 27 biểu hiện, xem tổ chức Đảng mình, mỗi đảng viên mình có mắc biểu hiện nào trong đó để sửa chữa, khắc phục.

Thực hiện tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay là cần thiết hơn bao giờ hết, nhằm giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng vươn lên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước, xứng đáng với niềm tin yêu, mến phục và sự ủng hộ nhiệt thành của nhân dân đối với Đảng cộng sản Việt Nam./. Từ Quang Hóa

2236 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 995
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 995
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76752520