Từ hôm nay, làm thủ tục online để hưởng gói hỗ trợ do COVID-19 

(Chinhphu.vn) - Bắt đầu từ hôm nay (12/5), Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

 

Từ 12/5, Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Theo đó, 6 dịch vụ công được cung cấp là: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; Kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp; Kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu và thực hiện

Ông Nguyễn Hùng Huế, Trưởng phòng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối kinh tế ngành (Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, VPCP) cho biết, ngay trong buổi sáng đầu tiên triển khai, đã có 4 doanh nghiệp thực hiện dịch vụ hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và dịch vụ hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Tuy nhiên, có doanh nghiệp do nhập sai mã bảo hiểm xã hội nên ngay lập tức đã nhận được phản hồi của hệ thống để doanh nghiệp có thể nắm bắt và thực hiện lại dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Hùng Huế, trong thời điểm này, các cơ quan thông tấn báo chí cần phối hợp chặt chẽ với VPCP tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến nêu trên trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: www.dichvucong.gov.vn.

Các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng liên thông điện tử việc xác nhận, xét duyệt, thẩm định giữa các cơ quan nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí thực hiện, hạn chế đi lại, tiếp xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Như vậy, người dân, doanh nghiệp có thể ngồi tại nhà hay bất cứ đâu, đăng nhập vào tài khoản trên Cổng dịch vụ công để thực hiện các thủ tục.

Ví dụ như đối với dịch vụ hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, quy trình giải quyết sẽ được liên thông điện tử giữa 3 cơ quan Bảo hiểm xã hội, UBND huyện và UBND tỉnh. Doanh nghiệp sẽ không phải thực hiện thủ tục xin xác nhận của Bảo hiểm xã hội; giảm hồ sơ, giấy tờ do được mẫu hóa thống nhất, đồng thời, rút ngắn thời gian luân chuyển hồ sơ giữa các cơ quan.

Dự kiến, cắt giảm ít nhất được 6 ngày làm việc so với việc thực hiện trực tiếp (3 ngày cho thực hiện thủ tục xác nhận của Bảo hiểm xã hội; 3 ngày cho việc luân chuyển hồ sơ giữa các cơ quan), giúp khoảng 3 triệu đối tượng thuộc trường hợp này được hưởng chính sách nhanh hơn.

Theo ước tính của VPCP, 6 dịch vụ công này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ hỗ trợ cho 4 triệu đối tượng người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, rút ngắn thời gian thực hiện từ 6-10 ngày làm việc với từng đối tượng so với cách triển khai trực tiếp. Đồng thời, thông qua kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị sẽ hỗ trợ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát việc thực hiện các gói hỗ trợ của nhà nước theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), để kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành thuế đã kịp thời tích hợp thủ tục nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, nộp tiền thuê đất của doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, qua đó tạo thêm một kênh thuận lợi để người nộp thuế có thể dễ dàng thực hiện thủ tục gia hạn.

Theo đó, Tổng cục Thuế đã hoàn thành nâng cấp ứng dụng thuế điện tử (eTax) tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân đăng nhập một lần thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia để nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.

Hiện nay, có 763.141 doanh nghiệp (chiếm 99,91%) và 83.701 hộ/cá nhân kinh doanh đã có tài khoản khai thuế điện tử trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính đến ngày 6/5/2020, cơ quan thuế trên cả nước đã tiếp nhận tổng cộng 85.190 giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, với tổng số tiền gia hạn trên 25.866 tỷ đồng.

Bảo đảm sự minh bạch, tránh tính trạng trục lợi chính sách

Thường xuyên lắng nghe doanh nghiệp phản ánh về quá trình tương tác với khu vực công, bà Bùi Kim Thùy, Thành viên Hội đồng Cố vấn Harvard-Asia Pacific, đại diện tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) cho biết “USABC đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong thời gian qua, đồng thời nhận thấy việc tăng tốc và thúc đẩy sử dụng Chính phủ điện tử là vô cùng cần thiết”.

Đẩy mạnh xử lý hồ sơ của gói hỗ trợ qua Cổng Dịch vụ công quốc gia

Theo Bộ LĐTB&XH, qua theo dõi tình hình thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 ngày 9/4/2020 và Quyết định số 15/2020 tại các địa phương trong thời gian qua nổi lên một số vấn đề như: Một số đơn vị cấp huyện, cấp xã còn lúng túng, chậm triển khai thực hiện việc hỗ trợ. Quá trình rà soát, xác nhận và hỗ trợ đối tượng lao động tự do, lao động bị mất việc, ngừng việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thấp nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp chưa đầy đủ dẫn đến một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa tiếp cận được đúng chính sách hỗ trợ.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã có Công điện đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số nội dung. Trong đó, có việc tăng cường tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp các chính sách của Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt thực hiện tuyên truyền đến các cấp xã, phường, thị trấn, thôn, sóc, bản và đẩy mạnh việc xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, USABC cũng đánh giá cao việc Chính phủ cung cấp các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 

Bà Bùi Kim Thùy cho rằng, chính sách gia hạn nộp thuế doanh nghiệp góp phần giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do dịch bệnh, nên việc hỗ trợ cần đúng đối tượng, tránh tình trạng chính sách bị trục lợi. Bằng việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến để kê khai gia hạn nộp thuế sẽ giúp giải quyết tốt vấn đề này, đồng thời có thể giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Điều này thể hiện rõ việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ của Chính phủ Việt Nam.

Trước đó, tại một cuộc họp chuẩn bị cho việc triển khai, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng yêu cầu các bộ, ngành khi xây dựng dịch vụ công trực tuyến cần thực hiện đúng chủ trương là vừa bảo đảm quy định pháp luật nhưng phải thực sự cải cách. Theo đó, phải cắt giảm tất cả những giấy phép con, tất cả những rào cản không cần thiết theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ cần đăng nhập một lần và không phải mang giấy tờ trực tiếp đến các cơ quan.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc hỗ trợ cho các đối tượng ảnh hưởng do dịch COVID-19 là chính sách rất ưu việt của Đảng, Nhà nước.

“Các dịch vụ này rất quan trọng. Chúng ta làm tốt vấn đề này để thúc đẩy việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, chính xác và hạn chế vấn đề gian lận, trục lợi chính sách. Quy trình thủ tục 5 bước nếu thấy rút được thành 3 bước thì tích hợp, rút gọn lại, làm sao để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Với gói an sinh xã hội, nếu để 1-2 tháng không trả được hoặc người dân đi lại mấy lần không lấy được tiền hỗ trợ thì cũng không còn ý nghĩa. Chúng ta cần đứng trên góc độ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn để chia sẻ với họ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của VPCP, sau 6 tháng triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến nay từ 8 nhóm dịch vụ ban đầu đã tăng lên 389 dịch vụ công trực tuyến (160 cho công dân, 229 cho doanh nghiệp); cung cấp chức năng thanh toán trực truyến để người dân, doanh nghiệp nộp các nghĩa vụ tài chính liên quan, nhiều dịch vụ công được doanh nghiệp quan tâm thực hiện như thông báo hoạt động khuyến mại, cấp C/O, cấp điện, nộp thuế, phí, lệ phí, kê khai, nộp thuế điện tử, đề nghị gia hạn thuế...

Tính đến ngày 08/5/2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có trên 35 triệu lượt truy cập; trên 134.000 tài khoản đăng ký; trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận, hỗ trợ trên 10.000 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Hoàng Giang

 
288 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1139
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1139
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87138639