Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Lễ kỷ niệm do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Liên minh hợp tác xã Việt Nam cùng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức.

Tới dự lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, bà Deborah Greenfield, Phó Tổng giám đốc ILO cùng các đại biểu đại diện bộ, ngành chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và đối tác phát triển của ILO.

Năm 1919, lãnh tụ vĩ đại Nguyễn Ái Quốc đã gửi bức thư tới Hội nghị Hòa bình Paris đòi quyền tự quyết cho nhân dân Việt Nam, trong đó có quyền được “tự do hội họp và quyền được học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp”. Sắc lệnh 29/SL của Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành năm 1947 được coi là pháp luật lao động đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở đầu cho những nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật Lao động ngày nay.

Với ý nghĩa đó, tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Trong kỷ nguyên phát triển mới này, các lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lao động và sứ mệnh của ILO vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được hiện thực hóa trong nền kinh tế thị trường khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với các nguyên tắc định hướng về phát triển bền vững, bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Công bằng xã hội, việc làm thỏa đáng và bền vững, trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động là những giá trị cốt lõi, sứ mệnh mà ILO và các quốc gia thành viên luôn không ngừng phấn đấu.

Kể từ khi gia nhập ILO năm 1992, Việt Nam luôn ủng hộ những mục tiêu cao cả của tổ chức này. Là một thành viên có trách nhiệm của ILO, Việt Nam cam kết tôn trọng, thúc đẩy và áp dụng những tiêu chuẩn lao động quốc tế, bao gồm những tiêu chuẩn lao động được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, phù hợp với thực tiễn phát triển của mình.

Tọa đàm với chủ đề: Tiếng nói từ thế giới việc làm, ông Jef Stokes, Tổng Giám đốc Maxport Ltd (thứ 3 từ trái sang) chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp

Việt Nam đã phê chuẩn 24 công ước của ILO, trong đó bao gồm 6 công ước cơ bản. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7 tháng 6/2019, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước cơ bản số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, với 100% đại biểu Quốc hội ủng hộ tuyệt đối.

Là một doanh nghiệp đầu tư lâu dài tại Việt Nam, ông Jef Stokes, Tổng Giám đốc Maxport Ltd chia sẻ, để bảo đảm việc làm cho người lao động, ngoài những việc cần làm cải tổ cơ cấu, không ngừng hoàn thiện hệ thống, doanh nghiệp Maxport Ltd đã tham gia vào các chương trình của các tổ chức quốc tế để mang đến quyền lợi tốt nhất cho người lao động. “Hiện nay chúng tôi vừa tham gia chương trinh EDGE (về bình đẳng giới trong việc làm) của IFC để cân bằng quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp. Với một doanh nghiệp có gần 6.000 người, trong đó 85% lao động là lao động nữ, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Maxport luôn nỗ lực gần 30 năm qua và sẽ tiếp tục cố gắng” - ông Jef Stokes khẳng định.

Dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam và ILO đã cùng nhau hợp tác để hiện thực hóa tư tưởng tương đồng của những nhà sáng lập Tổ chức Lao động Quốc tế và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công bằng xã hội, việc làm bền vững vì hòa bình, hạnh phúc cho tất cả mọi người. Đề cập đến tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chính sách lao động và an sinh xã hội, Phó Thủ tướng khẳng định nhiều nội dung vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, thể hiện ở những điểm cơ bản như: Đảm bảo quyền tự do, quyền làm chủ của người dân; tôn vinh lao động; tạo việc làm, giáo dục nghề nghiệp và nâng cao trình độ cho người lao động; tiền lương và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động; đảm bảo an toàn lao động và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định…

Phó Thủ tướng cho biết, là một quốc gia đang phát triển, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế trong mấy chục năm qua thuộc nhóm nhanh hàng đầu thế giới nhưng do xuất phát điểm thấp sau chiến tranh nên thu nhập theo đầu người của Việt Nam còn ở mức trung bình thấp. Mặc dù vậy, Việt Nam đã nỗ lực tập trung cho xóa đói giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, Mục tiêu phát triển bền vững và đã đạt được những kết quả rõ nét, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Một trong những ưu tiên của Việt Nam là cải thiện chính sách an sinh xã hội, vì cuộc sống an lành của mọi người dân, mọi người lao động nhằm tạo ra môi trường lao động hấp dẫn hơn trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đại diện lãnh đạo Chính phủ và các ban ngành tham dự Lễ kỷ niệm 100 năm ILO.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt về lao động, việc làm và an sinh xã hội. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự gia tăng chuyển dịch lao động đang làm thay đổi mạnh mẽ thị trường lao động. Nhiều nghề sẽ mất đi, nhiều công việc giảm tính ổn định, cùng với đó sẽ xuất hiện nhiều nghề mới đòi hỏi những kỹ năng làm việc mới trong một không gian việc làm rộng mở hơn.

Vì vậy, nếu không có tầm nhìn, không có các bước chuẩn bị chủ động, cần thiết thì thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ bị bỏ lỡ và trở thành thách thức lớn hơn, mà cụ thể, trực tiếp nhất là dư thừa lao động thiếu kỹ năng mới. Nhận thức được điều đó, Việt Nam xác định cần tập trung đổi mới giáo dục, đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường kỹ năng, khả năng tự học, khả năng thích ứng cho người lao động để sẵn sàng với những thay đổi, đòi hỏi mới còn rất khó lường của thị trường lao động. “Phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm thỏa đáng, bền vững luôn được Chính phủ Việt Nam coi là tiền đề quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tận dụng lợi thế của thời kỳ "dân số vàng" phục vụ phát triển bền vững, với con người là trung tâm và không ai đứng ngoài, không ai bị bỏ lại phía sau”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng gửi lời chúc mừng đặc biệt tới ILO và tất cả các tổ chức, cá nhân dành tâm huyết, trí lực vào việc thực hiện mục tiêu và sứ mệnh của ILO trong 100 năm qua. Những năm qua, ILO đã hợp tác, hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong công tác lao động, việc làm, an sinh xã hội nói riêng và quá trình phát triển đất nước nói chung./.

Tin, ảnh: Kim Dung