Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng là nhiệm vụ quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong việc tham gia giải quyết những hậu quả do các cuộc xung đột trên thế giới để lại. Qua đó, đề cao hình ảnh đất nước, dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, tiến bộ và bình đẳng; để lại dấu ấn tích cực về hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời đại mới.
Thực hiện những cam kết với Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (BV 2.1), BV 2.2 lên đường sang Nam Xu-đăng để làm nhiệm vụ, trong đó, BV 2.1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về nước, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Hiện tại, BV 2.3 của chúng ta cũng đã sẵn sàng, chuẩn bị lên đường sang Nam Xu-đăng thay thế BV 2.2 vào cuối tháng 3 và tháng 4 này.
Trong số 63 chiến sĩ “mũ nồi xanh” tại BV 2.3 đại diện cho đất nước đi thực hiện nhiệm vụ ở quốc gia Đông Phi, thật tự hào khi có 12 chiến sĩ nữ. Các chị đã phải hy sinh cả hạnh phúc cá nhân, gác lại những tình cảm, những dự định trong công việc và cuộc sống, bằng ý chí và trách nhiệm đã nỗ lực hết mình, sẵn sàng cho sứ mệnh quốc tế cao cả. Các chị chính là những sứ giả hòa bình, góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của phụ nữ Việt Nam, đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.
Hy sinh hạnh phúc cá nhân
Chị Tống Vân Anh (sinh năm 1992, bác sĩ sản khoa, Bệnh viện Quân y 175) cho biết, ngay khi còn là sinh viên những năm cuối của Đại học Y Hà Nội, chị đã được biết tới Bệnh viện dã chiến này và luôn ao ước được một lần tham gia. Chia sẻ với người thân ước muốn này, may mắn chị nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Và, để thực hiện ước mơ ấy, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, chị đã xin vào làm việc tại Bệnh viện Quân y 175 rồi xung phong tham gia vào BV2.1.
“Môi trường quân đội có những quy định khắt khe, rất khác với môi trường dân sự, hơn nữa lại là một sinh viên mới ra trường, lúc đầu tôi cũng lo lắng. Nhưng tôi luôn nghĩ, mình còn trẻ, đang căng tràn nhiệt huyết nên không nản chí trước mỗi khó khăn. Sau đó, người yêu tôi cũng về nhận công tác tại Bệnh viện 175 nên có lẽ đó là nguồn động viên rất lớn cho tôi”, chị Vân Anh chia sẻ.
|
Các chiến sỹ nữ cũng trải qua chương trình huấn luyện khắc nghiệt và không phân biệt nam hay nữ. Tất cả đều phải nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Liên hợp quốc. |
Công tác huấn luyện cơ bản đã được hoàn tất, để chị yên tâm sang công tác tại Nam Xu-đăng, và do lịch xuất quân cận kề, hai bên gia đình đã thống nhất tổ chức gấp đám cưới cho anh chị vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, chị lại chưa đi cùng mọi người được do thiếu một chút thời gian công tác so với yêu cầu của phía Liên hợp quốc. “Đợt sau này, có vị trí phù hợp với chuyên môn của chồng tôi thế là chúng tôi cùng đăng ký tham gia BV 2.3. Rất may, mong muốn này nhận được sự ủng hộ từ gia đình hai bên cũng như của thủ trưởng đơn vị”, chị Vân Anh vui mừng cho biết.
Kết hôn được 3 năm, mặc dù gia đình rất mong có cháu bồng bế, bản thân anh chị cũng mong có con nhưng đành tạm gác lại. Chị nói: “Bệnh viện không quy định là không được sinh con trong thời gian tham gia tập huấn nhưng vợ chồng tôi đều thống nhất phải đảm bảo sức khoẻ tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ, nên sau khi trở về chúng tôi mới có kế hoạch sinh em bé”.
12 sĩ quan, quân nhân nữ tham gia vào BV 2.3 mỗi người có một hoàn cảnh nhưng ở họ đều có điểm chung là trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân và sự hy sinh cao cả. Thật không dễ dàng khi một người mẹ như chị Nguyễn Thị Huỳnh Như (sinh năm 1992, làm việc tại phòng khám bệnh viện 175) phải tạm xa đứa con đầu lòng mới đang tuổi bi bô. Chị kể, thời gian học ngoại ngữ là những tháng ngày thật sự rất vất vả với gia đình. Lúc ấy, chị vừa sinh con được vài tháng. Mẹ đẻ thì mất sớm nên mọi việc phải nhờ cậy vào mẹ chồng và chồng.
“Nhà ít người, mẹ chồng tôi đã 80 tuổi, giữ cháu nhỏ ở tuổi này quá vất vả nhưng hoàn cảnh vậy cũng không biết phải làm sao. Mẹ luôn động viên tôi yên tâm học tập. Khó khăn nhất là giai đoạn dịch COVID-19, chúng tôi phải học online. Bé thấy mẹ ở nhà thì bám chặt. Ngồi trong phòng học mà thấy con khóc đòi mẹ ở ngoài, bà thì vất vả dỗ dành cháu, tôi rất xót. Rồi bài vở nhiều, tôi phải tự học tới 2, 3 giờ sáng. Khoảng thời gian ấy, chồng tôi chăm con hoàn toàn”, chị Như chia sẻ.
|
Các tình huống giả định được đưa ra để các chiến sỹ thực hành nhằm không bị động khi làm nhiệm vụ. |
Trước ngày lên đường làm nhiệm vụ, lòng quyết tâm của người mẹ trẻ vẫn tràn đầy nhưng trong đôi mắt hiện lên một chút lo lắng và nỗi nhớ con. Chị đã “tập huấn” kỹ cho chồng cách chăm sóc con; đã gửi gắm bác sĩ gần nhà, bác sĩ tại bệnh viện Quân y 175 nếu chẳng may con có bị ốm. “Mọi người đều nhiệt tình lắm. Kể cả anh thợ cắt tóc gần nhà, người dân địa phương, các cô giáo, bác bảo vệ trường học con tôi…đều biết tôi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nên rất yêu mến, làm tôi vững lòng hơn. Giờ chỉ lo mẹ tôi có tuổi, lại không biết sử dụng điện thoại. Ở nhà có việc gì thì không biết liên lạc ra sao. Các chị hàng xóm cũng động viên tôi cứ yên tâm lên đường…”, chị Như cho biết.
Câu chuyện về những người phụ nữ có gia đình đang rôm rả, chợt một chị quay ra nói: “Chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ đâu vào đấy rồi, giờ chỉ chờ ngày xuất quân thôi, nhưng trong đội chắc bạn Loan này mới đang “lo” nhất”.
Hỏi ra mới biết, các chị đùa vui vì chị Loan đang có người yêu, anh chị đã quen nhau được 2 năm rồi. Chị Loan công tác tại Quân đoàn 4. Lúc chị đăng ký tham gia vào bệnh viện này, gia đình và người yêu hoàn toàn ủng hộ. Chị Loan chia sẻ: “Mặc dù người yêu tôi không làm trong quân đội nhưng gia đình anh cũng có người làm trong ngành nên anh rất hiểu cho công việc của tôi. Anh luôn động viên tôi cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi nghĩ cả hai phải luôn đặt niềm tin vào nhau và chắc cũng phải có một tinh thần thép”, chị Loan bộc bạch.
Sẵn sàng cho sứ mệnh quốc tế cao cả
Những “bóng hồng” tưởng là những con người mềm yếu, ấy thế nhưng khi đã quyết tâm ở họ lại có một sức mạnh thật phi thường. Chị Bùi Thị Xoa vừa hoàn thành nhiệm vụ tại BV 2.1, trở về nước cuối năm 2019 nhưng ngay lập tức đã đăng ký tham gia vào BV2.3. Đi tình nguyện ở những vùng sâu, vùng xa trong nước, đối với phụ nữ cũng đã rất vất vả thế nhưng tới một quốc gia khác, đất nước ấy còn khó khăn, lại khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, sự khắc nghiệt bởi khí hậu, nguồn nước sạch cho sinh hoạt… thì không phải ai cũng làm được.
Từng có mặt ở Nam Xu-đăng hơn 1 năm khi tham gia BV 2.1 nên chị Xoa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Là người chu đáo, chị không chỉ là chỗ dựa tinh thần, là động lực cho các bạn trẻ, mà còn tận tình tư vấn cho đồng đội về những thứ cần thiết nên mang theo trong chuyến công tác dài ngày này. Đồng thời, chị cũng dặn dò mọi người cần trang bị đầy đủ kiến thức bảo hộ bởi hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới.
Tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, các chị không chỉ làm nhiệm vụ của một người chiến sĩ - bác sĩ mà mỗi người còn là “một đại sứ văn hóa”, giới thiệu và lan tỏa những nét đẹp của phụ nữ Việt Nam, văn hóa của dân tộc đến với bạn bè quốc tế.
|
Dù vất vả, khó khăn nhưng tất cả chị em đều vui vẻ vì họ xác định được trách nhiệm của mình. |
“Lần trước chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu văn hóa với đồng nghiệp các nước; tổ chức gói bánh chưng, mời mọi người cùng thưởng thức Tết của Việt Nam và họ rất thích. Lần này, công tác chuẩn bị chu đáo hơn lần đầu. Chúng tôi sẽ mang theo dụng cụ làm bánh, mang đồ để vẽ, thêu tranh; mang áo dài, khăn đóng, áo bà ba, nón lá… để giao lưu văn hóa. Chúng tôi cũng chuẩn bị một ít hạt giống để sang đó trồng rau, vừa phục vụ thêm vào bữa ăn hàng ngày, tạo niềm vui vơi đi nỗi nhớ nhà đồng thời có môi trường xanh mát”, chị Xoa nói.
Là người trẻ tuổi nhất tham gia chuyến đi lần này, chị Lê Na (kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện 175) rất hào hứng.
Lê Na kể, chị xung phong đăng ký tham gia BV 2.3 xong mới báo tin cho ba mẹ. Nhưng rất may ba mẹ không hề phản đối, ngược lại còn rất tự hào về con mình. “Ba tôi ủng hộ nhiệt tình và nói đây là nhiệm vụ rất cao cả, người ta làm được thì con cũng làm được. Tuổi trẻ nên trải nghiệm và hãy cố gắng, trân trọng mỗi cơ hội trong cuộc đời”.
Chị Lê Na là người phụ nữ đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Xu-đăng. Khi còn là sinh viên chị từng tham gia vào câu lạc bộ tình nguyện của Trường Đại học Y TP Hồ Chí Minh, thường xuyên đi tới những nơi ở vùng sâu vùng xa, các bệnh viện… nên chị cho biết, không ngại khó, ngại khổ. Hơn nữa, khi tham gia vào chương trình này, chị cũng đã nghiên cứu kỹ về đất nước, tình hình thực tế ở Nam Xu-đăng, đồng thời có tham khảo kinh nghiệm của các anh chị đã đi trước đó nên tinh thần rất thoải mái. “Trải nghiệm lần này với tôi sẽ rất thú vị bởi tôi được nâng cao trình độ ngoại ngữ, được học rất nhiều kỹ năng bổ ích, được có thêm nhiều người bạn mới. Mỗi trải nghiệm sẽ cho mình thêm kinh nghiệm sống. Với tôi, vinh dự này không phải ai cũng có được. Tuy nhiên, tôi cũng có chút hồi hộp vì đây cũng là lần đầu tiên tôi được đi máy bay”, Lê Na chia sẻ.
Để sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại Nam Xu -đăng, tất cả các chiến sĩ được lựa chọn kỹ càng về chuyên môn, trải qua nhiều lần thăm khám sức khỏe, vượt qua các kỳ thi IELTS để lấy chứng chỉ. Họ cũng đã phải trải qua các khóa huấn luyện khắc nghiệt mà không có sự phân biệt nam, nữ. Như các chiến sỹ nam, các chị cũng phải vượt qua các tình huống giả định về cấp cứu, rèn luyện thể lực, huấn luyện các kỹ năng sinh tồn, võ thuật, bơi lội...
Vì trách nhiệm, những người lính bộ đội Cụ Hồ sẵn sàng rời xa chốn phồn hoa, giữa cuộc sống bình yên, để đem trái tim nhân ái sẻ chia cho những người bạn ở nơi xa còn vô cùng khó khăn. Dù thời gian 1 năm không phải quá dài nhưng sự hi sinh ấy vô cùng ý nghĩa và đáng trân trọng. Tất cả cán bộ, chiến sỹ đều mang trong mình sự quyết tâm, sẵn sàng vượt qua thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các chị đang và sẽ viết tiếp những trang sử vẻ vang, đầy kiêu hãnh về hình tượng người phụ nữ Việt Nam.
Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 được thành lập thuộc Bệnh viện Quân y 175, để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 gồm 70 cán bộ chiến sĩ, bác sĩ (63 chính thức, 7 dự bị), trong đó có 12 đồng chí nữ. Cùng với các đơn vị khác như: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9, Phòng không không quân, Bệnh viện Quân y 175 được xem là lực lượng nòng cốt, khi đóng góp 35 y, bác sĩ ưu tú (trong đó có 8 nữ chiến sỹ).
Trong thời gian qua, tất cả cán bộ, chiến sỹ tham gia Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 đã được tập trung tại Bệnh viện Quân y 175 để tham gia các chương trình huấn luyện ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ và các khóa huấn luyện tiền triển khai theo yêu cầu của Liên hợp quốc. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, lực lượng này hoàn toàn đủ năng lực thay thế lực lượng của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 thời gian tới.
|