Tự hào những người con ưu tú miền biên viễn 

Dân bản nơi rẻo cao cực Tây Quảng Trị trân trọng, biết ơn tấm lòng những người con ưu tú của núi rừng đã làm vì bản làng, dân tộc mình.

Keyword đầu tiên có dấu

Côn Nô cất giữ cẩn thận tấm kỷ niệm chương vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia mà Bộ đội Biên phòng đã tặng cho cha anh trước đó

Côn Nô – người canh giữ cột mốc biên ải

Chiều muộn, các tràn lũng, các thửa ruộng hiếm hoi giữa bạt ngàn núi của miền Tây Quảng Trị hiện ra mơ màng trong khói lam chiều. Xa xa, thửa ruộng vừa qua mùa gặt lơ thơ gốc rạ nom như tấm thảm nâu bắc lối từng bậc một dẫn lên đỉnh núi ủ mây. Len lẩn trong đó là các nếp nhà của người Pa Kô, Vân Kiều (Đakrông, Quảng Trị) nằm mơ màng, trễ nải. Cảnh tượng ấy, dễ gây lòng nhung nhớ cho khách thượng sơn.

Trong căn nhà sàn bạc phếch nắng mưa, câu chuyện về người canh giữ cột mốc biên giới Côn Nô (45 tuổi, dân tộc Pa Kô) bắt đầu khi cơn mưa chiều - “đặc sản” của miền Tây xứ Quảng - quấn mù cả một góc trời đại ngàn.

Thuở nhỏ, mỗi lần đi tuần tra cột mốc biên giới, Côn Nô thường được cha là ông Vỗ Nô dẫn đi cùng. Ngay từ khi sương còn phủ dày trên những ngọn núi, hai cha con đã thức dậy, khăn gói vượt qua nhiều con suối, quả đồi với vô số dốc đá cheo leo hiểm trở để đến cột mốc 624, 625, 626.

Hành trang mỗi chuyến đi chẳng có gì nhiều nhặn ngoài cây rựa để phát quang, chiếc gậy để chống trơn trượt, nắm cơm với ít muối trắng ăn lót dạ. Dọc đường, muỗi và vắt rừng nhiều vô kể, cứ thấy hơi người là xúm lại đốt, hút máu.

Khó khăn, gian khổ là thế nhưng cha con Côn Nô vẫn không sờn lòng, đều đặn “cắt rừng” đến kiểm tra và phát quang cột mốc quốc gia.

Từ việc làm đầy ý thức và trách nhiệm đó, hầu hết mọi người dân A Vao đều noi gương cả hai chấp hành nghiêm các hiệp định về quy chế khu vực biên giới, tình trạng vi phạm pháp luật đã giảm hẳn, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị Việt- Lào.

Năm ngoái, ông Vỗ Nô khuất núi. Lúc lâm chung, ông gọi Côn Nô lại gần dặn dò và dúi vào tay con trai tấm kỷ niệm chương mà Bộ đội Biên phòng đã tặng cho ông nhiều năm trước vì có công trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

“Con phải tự tay chăm sóc cột mốc quốc gia, kiểm tra có bị sứt hay hư hỏng không. Nếu phát hiện xung quanh có cỏ dại, lá cây phải quét dọn, phát quang, có chuyện gì xảy ra trên biên giới nước mình phải báo ngay cho cán bộ biên phòng. Con phải nhớ kỹ và hãy làm như cha đã làm”, Côn Nô rưng rưng kể lại lời cha dặn.

Côn Nô có đến 13 người con thì cả thảy đều không biết chữ, dường như không nói được tiếng Kinh. Cái đói, cái nghèo đánh vật khiến đứa phải lên rẫy, đứa ở nhà dù đang trong độ tuổi đến trường. Thậm chí, nhiều đứa nhỏ không có áo quần để mặc, phải ở truồng tồng ngồng. Mới đây, lực lượng biên phòng và chính quyền xã A Vao đã tới tận nhà vận động và đưa được 6 đứa con của Côn Nô về thung lũng Ba Lin tá túc ở nhà người dân để tham gia học tập.

Keyword đầu tiên có dấu

Côn Nô được xem như là một chiến sỹ biên phòng hết lòng vì chủ quyền biên giới quốc gia.

Gia đình Côn Nô sống cách biệt với bản Kỳ Nơi, xã A Vao và nằm giữa 3 cột mốc quốc giới 624, 625, 626 trên tuyến biên giới Việt- Lào. Những năm trước, khu vực này người dân sinh sống rất đông nhưng vì điều kiện đường xá trắc trở, cuộc sống khó khăn nên bà con dời về thung lũng Ba Lin sinh sống. Nhiều người khuyên Côn Nô đưa vợ con rời rừng theo họ nhưng anh không đồng ý, quyết ở lại vùng biên ải để tiếp tục thực hiện di nguyện của cha già quá cố.

Côn Nô bảo, trông coi cột mốc là việc làm hết sức vinh dự, nó xuất phát từ tấm lòng và tình yêu với đất nước. Mỗi lần đi tuần tra anh đều dẫn con cái đi theo, giảng giải cho con biết rằng cột mốc biên giới là nơi thiêng liêng của Tổ Quốc mình, cha ông bao đời đã đổ xương máu đấu tranh mới có được nên con cháu phải có trách nhiệm tham gia gìn giữ, bảo vệ. Còn sức khỏe, Côn Nô sẽ còn tiếp tục công việc ý nghĩa này.

“Chặt đứt” hủ tục “đẻ chòi”.

Rót chén nước chè óng vàng màu mật ong mời khách, bác sỹ Trịnh Đức Thiện, Trạm Y tế xã A Vao (huyện Đakrông, Quảng Trị) chậm rãi kể rằng, những ngày đầu bước chân đến chốn thâm sơn cùng cốc này nhận nhiệm vụ gian khổ vô cùng, bốn bề đều thưa thớt người, hoang vu và cô tịch. Cái đói cái nghèo cứ vây ráp từng ngày như vắt kiệt sức sống của phận người vùng núi A Vao, tất cả đều xơ xác.

Đã vậy, bà con còn bị ràng buộc bởi biết bao hủ tục lạc hậu đè nặng khiến cuộc sống càng thêm lam lũ, khổ ải; đơn cử như phụ nữ đến kỳ sinh nở phải dựng lều bên suối để một mình “vượt cạn” trong đau đớn, xót xa.

Keyword đầu tiên có dấu

19 năm qua, bác sỹ Trịnh Đức Thiện không ngừng tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Pa Kô trên địa bàn đến trạm y tế để khám chữa bệnh

Theo quan niệm của đồng bào Pa Kô, phụ nữ sinh con trong nhà là điều rất cấm kỵ vì sẽ đem đến những điều không may mắn, uế tạp cho người thân trong gia đình. Con ma rừng sẽ quấy phá, gây nên bệnh tật, ốm đau, đói kém, khiến bản làng không còn được sống trong cảnh yên vui, hòa thuận nữa.

Bởi vậy, khi bắt đầu chuyển dạ, thấy cái bụng đau đau là người phụ nữ phải mang những đồ dùng cần thiết rồi lầm lũi đến căn chòi lợp bằng lau lách, tranh nứa sơ sài ở phía góc vườn, bìa rừng hay bờ suối để vượt cạn một mình.

Quy định khắc nghiệt của “luật tục” ngàn đời này đã cướp đi sinh mạng oan uổng của nhiều trẻ sơ sinh và thai phụ bởi các loại bệnh tật như hậu sản, uốn ván, tai biến sản khoa…, trở thành nỗi ám ảnh không dứt của phụ nữ Pa Kô mỗi khi lấy chồng, sinh con.

Bác sỹ Thiện cho biết, “đẻ chòi” là tục lệ có từ lâu đời của đồng bào Pa Kô, người nào may mắn thì lúc sinh có người thân ở bên cạnh chăm sóc, giúp đỡ còn không phải tự mình xoay xở, tự cắt rốn và vệ sinh cho con. Khi nào hết thời gian kiêng cữ mới được phép trở về nhà.

Ví như trường hợp chị Hồ Thị Tiệp (trú thôn A Vao, xã A Vao), năm nay chỉ mới gần 40 tuổi nhưng đã có 6 mặt con, trong đó có tới 4 đứa chị tự vượt cạn, sinh nở ở chòi. “Đẻ chòi nguy hiểm lắm, mưa gió, thú dữ, nhiễm trùng, băng huyết…lúc nào cũng chực chờ nhưng làng đã quy định nên mình phải làm theo thôi”, chị Tiệp nói.

Keyword đầu tiên có dấu

Theo bác sỹ Thiện, những khoảng đất bằng phẳng bên suối là nơi nhiều sản phụ thường dựng lều để “vượt cạn”

Để dân bản thấy được tác hại của việc đẻ chòi, hằng ngày, bác sỹ Thiện không quản ngại khó khăn, lội suối băng rừng, tích cực tìm đến nhà của các già làng, trưởng bản cho đến từng hộ dân ở bản Ro Ró, Tân Đi, A Vao, Ba Lin, Kỳ Nơi, A Sau để vận động, khuyên nhủ.

Thời gian đầu, mọi ý kiến, hành động của ông đều bị dân làng phản đối kịch liệt bởi tập tục phụ nữ khi sinh đẻ dơ bẩn nên phải vào rừng để tránh ô uế, lây bệnh cho mọi người đã ăn sâu vào tiềm thức của dân bản rẻo cao này. Một tháng, hai tháng rồi nhiều năm trôi qua, nhờ nhiệt tình tuyên truyền và đến tận chòi để chăm sóc y tế cho sản phụ, bác sỹ Thiện giúp dân bản nhận thức được tác hại của việc đẻ chòi. Suy nghĩ dần hanh thông, từ đó bà con bỏ dần rồi đến bỏ hẳn hủ tục này.

Đến nay đã 19 năm ròng gắn bó với mảnh đất A Vao, bác sĩ Trịnh Đức Thiện không nhớ nổi mình đã cứu chữa cho bao nhiêu bệnh nhân qua cơn “thập tử nhất sinh”. Những năm qua, ông cùng tập thể y, bác sĩ Trạm Y tế xã A Vao vận động gần 100% đồng bào dân tộc Pa Kô trên địa bàn đến trạm y tế để khám chữa bệnh chứ không còn chuyện cứ bệnh tật, đau ốm là trường kỳ cúng Giàng (trời), cúng ma.

Chuyện bác sỹ Thiện “đùa với con ma” được truyền đi khắp các bản làng, như thể đó là một cuộc đổi thay đáng kể trong cách nghĩ, cách sống và truyền thống tập tục của người Pa Kô xứ Quảng

539 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1195
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1195
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87084421