Từ hành lang kinh tế Đông – Tây đến Khu kinh tế Đông – Nam Quảng Trị 

Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC- East West Economic Corridor) là một trong những dự án hợp tác phát triển trụ cột trong Tiểu vùng Mê Kông mở rộng do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Nhật Bản khởi xướng và được Hội nghị lần thứ 8 các Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông MêKông mở rộng (GMS) tổ chức tại Manila (Philippin) tháng 10/1998 đưa ra và chính thức thông qua. Hành lang kinh tế Đông-Tây kết nối qua 13 tỉnh của 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar, trải dài trên tuyến giao thông 1.450 km bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine của Myanmar đi qua 7 tỉnh Đông Bắc - Thái Lan, đến Savannakhẹt - Lào, về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo- Quảng Trị và kết thúc tại cảng Tiên Sa - Đà Nẵng. Sau quá trình xúc tiến, Dự án được chính thức thông tuyến vào ngày 20/12/2006.

Hành lang kinh tế Đông-Tây mở ra nhiều hứa hẹn đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên. Đây là cơ hội cho các quốc gia liên kết chặt chẽ với nhau, cùng tiếp cận có hiệu quả các nguồn lực như: tài nguyên khoáng sản, năng lượng và cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt hơn việc sản xuất, chế biến và kinh doanh của các ngành nghề sản xuất; tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ phát triển cho các thành phố, thị trấn dọc hành lang; Đồng thời, thúc đẩy thương mại xuyên biên giới; thu hút đầu tư tổng hợp từ các nguồn địa phương, khu vực và thế giới; phát triển các hoạt động kinh tế mới thông qua việc sử dụng hiệu quả không gian kinh tế và hình thành khu vực kinh tế xuyên quốc gia.

Để có cơ sở thúc đẩy sự phát triển trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây cũng như duy trì, phát triển và tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác và phát triển kinh tế, thương mại giữa các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng, các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây đã ký kết một số hiệp định, thỏa thuận quan trọng như: Hiệp định ba bên Việt Nam - Lào - Thái Lan về tạo thuận lợi cho vận tải đường bộ giữa ba nước và Hiệp định đã dần mở rộng  với sự tham gia của Campuchia, Trung Quốc và Myanmar. Hiệp định GMS-CBTA tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đensavẳn giữa Việt Nam và Lào quy định mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng”. Thỏa thuận giữa ba nước Việt Nam - Lào - Thái Lan về hoạt động vận tải du lịch đường bộ. Bên cạnh đó, các nước cũng đã xây dựng cơ chế hợp tác thông qua Hội nghị cấp cao Hành lang kinh tế Đông - Tây (SOM EWEC) và hoạt động của Ban Công tác Phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây thuộc Ủy ban hợp tác Kinh tế và Công nghiệp ASEAN-METI để xử lý cụ thể các vấn đề cụ thể.

Xác định, tiềm năng to lớn trên Hành lang kinh tế Đông-Tây, với vị trí là tỉnh đầu cầu của Việt Nam, từ năm 1998, Tỉnh ủy Quảng Trị đã chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động tham gia chương trình hợp tác phát triển. Tỉnh ban hành các Nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội miền Tây, miền Biển, về phát triển du lịch, về xây dựng phát triển đô thị. Ngày 12/12/2006, Tỉnh ủy khóa XIV đã ban hành Nghị Quyết số 06-NQ/TU về đẩy mạnh đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế Hành lang kinh tế Đông - Tây đến và cụ thể hóa trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020; các quy hoạch về phát triển các ngành, lĩnh vực, nhất là về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu dịch vụ du lịch và đô thị; Đề án về thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA; Kế hoạch khai thác tiềm năng, lợi thế Hành lang kinh tế Đông - Tây đến 2020…

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU, trong định hướng phát triển của tỉnh Quảng Trị, tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây- gắn liền với Quốc lộ 9 được xác định làm trục xương sống để phát triển 04 khu vực trọng điểm kinh tế trên tuyến Hành lang là: (1) Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo; (2) Thành phố Đông Hà; (3) Tam giác du lịch - dịch vụ biển Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ; (4) Khu Đông- Nam Quảng Trị. Cửa khẩu quốc tế La Lay đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hình thành Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế La Lay. Việc hình thành khu kinh tế cửa khẩu La Lay sẽ góp phần đưa Quảng Trị hứa hẹn trở thành một điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến hành lang Đông - Tây qua cảng biển nước sâu Mỹ Thủy nằm trong khu kinh tế Đông- Nam Quảng Trị, mở ra cầu nối hợp tác trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á và xa hơn là cộng đồng ASEAN và các khu vực khác trên thế giới qua biển Thái Bình Dương. Tỉnh Quảng Trị đang tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển, hình thành các trung tâm kinh tế động lực, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.

Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay với hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ, hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn thành, khu KT - TM đặc biệt Lao Bảo đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh với tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều sản phẩm mang thương hiệu của doanh nghiệp tại khu KT - TM đặc biệt Lao Bảo đã có mặt ở khắp thị trường nội địa Việt Nam và xuất khẩu đến một số nước trên thế giới.

Khu CN Nam Đông Hà với quy mô 99 ha tại vùng Trung tâm thành phố Đông Hà, KCN Quán Ngang với quy mô 205 ha, KCN Tây Bắc Hồ Xá với diện tích 294 ha đã cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng giai đoạn I, đang tiếp tục giai đoạn II và nhiều dự án đầu tư đi vào hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với khu KT - TM đặc biệt Lao Bảo, Khu CN Nam Đông Hà, Quán Ngang và các khu công nghiệp của các địa phương, tỉnh Quảng Trị trong nhiều năm qua đã quan tâm đầu tư xây dựng CSHT, cơ sở vật chất kỹ thuật, hình thành nên chuỗi đô thị dọc theo EWEC và các vùng phụ cận; nâng cấp thị xã Đông Hà lên thành phố Đông Hà (năm 2009); Quy hoạch một số cụm điểm du lịch, dịch vụ Logistics và dịch vụ khác nơi mà EWEC đi qua.

Nhằm tạo lối mở ra Biển Đông, rút ngắn tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây, ngày 11/10/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1936/QĐ-TTg. Khu kinh tế Đông -Nam Quảng Trị có tổng diện tích: 23.792 ha, bao gồm 17 xã, thị trấn thuộc 3 huyện: Triệu Phong, Hải Lăng và Gio Linh -  tỉnh Quảng Trị, với 4 khu vực: khu trọng tâm phát triển, bố trí các dự án động lực của toàn khu kinh tế; khu phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ven biển và đô thị; khu phát triển đầu mối hạ tầng cấp vùng với trọng tâm là cảng hàng không sân bay Quảng Trị và phát triển dịch vụ cao cấp; khu phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, dự trữ phát triển mở rộng…

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia và chiến lược phát triển biển Việt Nam; Xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị thành khu vực phát triển kinh tế năng động, bền vững. Là trung tâm thu hút về đầu tư và Trung tâm trung chuyển hàng hóa của vùng và khu vực; gắn kết chặt chẽ phát triển với đảm bảo quốc phòng, an ninh; Xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị thành khu vực phát triển đột phá tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Trị; có hệ thống cơ sở kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại; không gian kiến trúc cảnh quan, đô thị văn minh, tiên tiến, môi trường bền vững và sử dụng đất đai hiệu quả; Làm cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng thuộc Khu kinh tế, các điểm dân cư nông thôn, các quy hoạch ngành, thu hút các nguồn vốn đầu tư và đề xuất các cơ chế chính sách thực hiện.

Với quyết định thành lập KKT Đông Nam, Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như thu hút đầu tư vào KKT để tạo “cú hích” đặc biệt quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị.

Xác định xây dựng KKT Đông Nam là công việc hệ trọng, lâu dài, đòi hỏi quyết tâm và sự nỗ lực rất lớn, nên ngay từ thời điểm KKT được quyết định thành lập đến nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, các ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều công việc quan trọng, cấp bách. Các công việc liên quan đến xây dựng quy hoạch chi tiết KKT; chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng; đề xuất Trung ương hỗ trợ, cân đối, huy động các nguồn vốn khác để đầu tư cho hạ tầng giao thông, kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư ở xã Hải An, Hải Khê; mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các dự án kinh tế động lực tại KKT…đã và đang được tích cực triển khai. UBND tỉnh tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thành việc xây dựng Đề án cơ chế đặc thù áp dụng cho KKT Đông Nam về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư trình Chính phủ quyết định…  

Hành lang kinh tế Đông- Tây là cơ hội cho các quốc gia thành viên liên kết chặt chẽ với nhau, cùng tiếp cận có hiệu quả các nguồn lực, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ phát triển cho các địa phương dọc hành lang kinh tế Đông- Tây. Với những điều kiện thuân lợi, Quảng Trị quyết tâm  nắm bắt thời cơ, lựa chọn bước đi hội nhập, thúc đẩy mạnh hơn nữa sự giao lưu, hợp tác, phát triển kinh tế và hội nhập toàn diện trên Hành lang Kinh tế Đông- Tây, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ“Xây dựng Quảng Trị sớm trở thành một trong những trung tâm giao lưu, hợp tác phát triển với các địa phương trong nước và với các nước trong tiểu vùng sông Mêkông mở rộng; là một trong những cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các nước và vùng lãnh thổ trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây” theo định hướng phát triển của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 02/3/2011. Từ Quang Hóa

4700 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 850
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 850
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77230475