90 năm qua, Công đoàn Việt Nam tuỳ theo từng giai đoạn lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình, là tổ chức duy nhất đại diện cho giai cấp công nhân và lực lượng công nhân, viên chức, lao động. Vị trí pháp lý và chức năng của tổ chức Công đoàn Việt Nam đã được khẳng định tại Điều 10, Hiến pháp năm 2013: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.
Sự nghiệp đổi mới của Đảng ta trong giai đoạn cách mạng mới đặt ra yêu cầu đổi mới toàn diện và đồng bộ để phát triển đất nước, trong đó có đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức Công đoàn theo đó phải đổi mới để đáp ứng tình hình mới, đặc biệt là những tác động hiện hữu đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam khi đất nước hội nhập sâu kinh tế quốc tế, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam - EU (EVFTA)…, Quốc hội đã thông qua Công ước 98 của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể; chuẩn bị thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi, nội luật hoá các cam kết quốc tế về lao động, đặc biệt là cam kết đảm bảo sự ra đời và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII), chấp nhận sự cạnh tranh trong hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp, điều mà chưa có trong tiền lệ lịch sử Công đoàn Việt Nam qua 90 năm hình thành và phát triển. Những tác động trên cùng với tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với việc làm của người lao động cũng như hoạt động công đoàn thì Công đoàn Việt Nam đứng trước thời cơ và thách thức mới, đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải có tư duy mới trong nhận thức và hành động, phải thực sự đổi mới trong tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và Công đoàn Quảng Trị; biến thách thức thành thời cơ, chủ động thích ứng với tình hình quan hệ lao động mới. Trong đó cần tập trung một số vấn đề sau:
Thứ nhất, việc chuyển tư duy hoạt động công đoàn mang nặng tính hành chính, bao cấp với đặc trưng tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội, quản lý doanh nghiệp, tổ chức phong trào thuần tuý và “hiếu, hỷ” là chủ yếu của nhiều thập kỷ qua sang hoạt động theo đúng chức năng “bẩm sinh” của tổ chức công đoàn mà trong đó nhiệm vụ cơ bản, cốt lõi là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động phải là một cuộc cách mạng thực sự với quyết tâm cao và hành động quyết liệt đối với tổ chức và mỗi một cán bộ công đoàn.
Thứ hai, đổi mới căn bản hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động theo phát triển các chương trình phúc lợi cho đoàn viên, người lao động. Thường xuyên quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên, thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động; xem đây là điểm then chốt để thu hút đông đảo người lao động tự nguyện tham gia tổ chức công đoàn, làm cho đoàn viên luôn ủng hộ, gắn bó và tin tưởng vào tổ chức công đoàn.
Thứ ba, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong hoạt động công đoàn, theo hướng cấp trên phục vụ cấp dưới, tổ chức công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động; đồng thời phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và giải quyết kịp thời những bất cập, phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của ban chấp hành công đoàn cơ sở trước đoàn viên và người lao động.
Thứ tư, tập trung thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên theo phương pháp tiếp cận mới, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền; lấy hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên làm cơ sở thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức công đoàn. Xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn, từng vị trí việc làm của cán bộ công đoàn, nhất là vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
Thứ năm, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức; đặc biết là cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có đủ năng lực để hỗ trợ cán bộ công đoàn cơ sở trong việc thương lượng tập thể, đối thoại, tư vấn pháp luật, giải quyết tranh chấp lao động. Tạo được cơ chế để bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở trong việc thực hiện chức năng đại diện cho đoàn viên, người lao động tại cơ sở, doanh nghiệp.
Kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn việt Nam là dịp để giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn ôn lại và tự hào truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam, cũng là dịp chúng ta xốc lại hành trang, tiếp cận với tình hình mới, nhiều vấn đề chưa có trong tiền lệ để có tư duy mới, giải quyết được những vấn đề đặt ra để đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn để Công đoàn Việt Nam luôn xứng đáng là niềm tin của Người lao động ./.
Nguyễn Đăng Bảo
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh